Lũ mụn ẩn xấu xí khiến làn da của bạn mất đi vẻ mịn màng? Bạn muốn thử lăn kim nhưng không biết bị mụn ẩn có nên lăn kim không? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé!
Nội dung bài viết
1. Mụn ẩn là gì?
Mụn ẩn là loại mụn khá phổ biến, chúng có phần nhân nằm sâu bên trong nang lông, không gây sưng viêm hay đau nhức. Nhìn bên ngoài, mụn ẩn là các nốt nhỏ li ti, mọc thành từng cụm, sờ vào có cảm giác cứng, chúng khiến bề mặt da trở nên sần sùi, kém mịn màng, ít nhiều làm ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ.
Loại mụn này có thể xuất hiện trên da do nhiều nguyên nhân khác nhau, điển hình như: rối loạn nội tiết, thói quen sinh hoạt không lành mạnh, vệ sinh da không đúng cách, lạm dụng hoặc sử dụng mỹ phẩm không phù hợp,…
Theo chuyên gia, do nằm sâu dưới da nên việc trị mụn ẩn thường khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn so với mụn trứng cá thông thường.
2. Bị mụn ẩn có nên lăn kim không?
Lăn kim hay còn gọi là phi kim là phương pháp dùng con lăn có nhiều mũi kim nhỏ, tác động trực tiếp lên bề mặt da nhằm tạo các tổn thương giả, sau đó các tổn thương này sẽ truyền tín hiệu đến hệ thần kinh, kích hoạt cơ chế phục hồi tại vùng da hư tổn, từ đó đẩy nhanh quá trình sản sinh Collagen và Elastin, tái tạo, tăng cường độ đàn hồi và làm trẻ hóa da.
Với tình trạng mụn ẩn, lăn kim sẽ giúp gom khô cồi mun, đồng thời kích thích đẩy nhân mụn lên trên bề mặt da, giúp việc loại bỏ mụn diễn ra dễ dàng hơn. Ngoài ra, các tinh chất được sử dụng trong quá trình lăn kim cũng sẽ đi sâu vào da, giúp nuôi dưỡng, thúc đẩy tái tạo da, hạn chế hình thành và cải thiện sẹo thâm, sẹo rỗ, làm se khít lỗ chân lông, đem lại làn da mịn màng, tươi trẻ hơn.
Vậy bị mụn ẩn có nên lăn kim không? Mặc dù được đánh giá cao về hiệu quả trị mụn, bao gồm cả mụn ẩn nhưng phương pháp lăn kim cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn, đồng thời cần đảm bảo vệ sinh, khử trùng dụng cụ kỹ càng. Trường hợp sử dụng dụng cụ không đạt yêu cầu hoặc người thực hiện không có tay nghề, không tuân thủ hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng và chăm sóc da, mao mạch rất dễ bị vỡ, làm da trở nên sần sùi thô ráp, gây viêm nhiễm và khiến tình trạng mụn nghiêm trọng hơn.
Hơn nữa, không phải ai cũng có thể áp dụng được phương pháp này, đặc biệt là các trường hợp dưới đây:
- Da quá mỏng, quan sát bằng mắt thường có thể thấy rõ gân xanh và mao mạch dưới da
- Da có nhiều mụn viêm, mụn mủ sưng to
- Da có các dấu hiệu nhiễm Corticoid (da nóng đỏ, nổi mụn li ti, lộ gân máu,…)
- Da nhạy cảm, dễ bị kích ứng,…
Như vậy, để đảm bảo an toàn, hiệu quả, tốt nhất bạn hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám, tư vấn phương pháp trị mụn ẩn thích hợp. Trường hợp muốn thực hiện lăn kim trị mụn ẩn, bạn nên lựa chọn các cơ sở điều trị uy tín, có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm.
3. Lưu ý khi lăn kim trị mụn ẩn
Sau lăn kim da thường trở nên nhạy cảm, mỏng và dễ bị tổn thương hơn. Do đó, ta cần thực hiện thao tác vệ sinh, chăm sóc nhẹ nhàng, đúng cách để giúp tổn thương da nhanh lành hơn. Dưới đây là một vài gợi ý cho việc chăm sóc da tại nhà:
Làm sạch da
Rửa mặt là việc làm cơ bản nhưng rất cần thiết, đặc biệt sau khi lăn kim. Theo đó, thời gian này bạn có thể rửa mặt như sau:
- Ba ngày đầu sau lăn kim: Rửa mặt bằng nước ấm sạch hoặc dùng nước muối sinh lý thấm vào bông tẩy trang, nhẹ nhàng lau toàn bộ vùng mặt.
- Sau 5 – 7 ngày nếu tình trạng da tiến triển tốt, không có biểu hiện tấy đỏ, viêm nhiễm thì bạn có thể sử dụng sữa rửa mặt để làm sạch da hiệu quả hơn. Tuy nhiên cần lưu ý chọn sữa rửa mặt phù hợp, không chứa dầu, ưu tiên các thành phần thảo dược và đặc biệt không dùng sữa rửa mặt dạng hạt.
Tham khảo: Rửa mặt bằng nước ấm có tốt cho da mụn?
Lưu ý: Khi tổn thương da chưa lành hoàn toàn bạn không nên sử dụng mỹ phẩm bởi rất dễ rất khiến da bị kích ứng, đồng thời làm tăng nguy cơ bít tắc lỗ chân lông, gây viêm nhiễm và nổi mụn.
Sử dụng các sản phẩm đặc trị theo hướng dẫn
Thông thường sau khi lăn kim bạn sẽ cần dùng các sản phẩm trị mụn và dưỡng ẩm để tăng cường hiệu quả điều trị, hỗ trợ quá trình phục hồi tổn thương diễn ra nhanh hơn. Hãy chú ý thực hiện đầy đủ các bước, tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng.
Ngoài ra, khi thực hiện các bước chăm sóc da, hãy rửa tay thật sạch với xà phòng diệt khuẩn, đồng thời hãy để da bong tự nhiên, tuyệt đối không tự ý cạy nặn mụn hoặc chà xát bề mặt da.
Xem thêm: Các thuốc trị mụn ẩn hiệu quả
Bảo vệ da khỏi tia UV
Như đã nói ở trên, sau lăn kim da thường rất dễ bị tổn thương, việc tiếp xúc trực tiếp với tia UV có thể làm sắc tố da tăng lên nhanh chóng, gây ra các vấn đề như thâm sẹo, nám sạm,… Do đó, hãy che chắn thật kỹ khi ra khỏi nhà vào ban ngày. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên sử dụng kem chống nắng phù hợp có chỉ số từ SPF 50 trở lên.
Sinh hoạt, ăn uống hợp lý
Theo chuyên gia, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cũng góp phần không nhỏ vào quá trình phục hồi tổn thương da và cải thiện mụn. Theo đó, sau khi lăn kim trị mụn ẩn bạn cần lưu ý một số vấn đề như:
- Ngủ đủ 7 – 8 tiếng/ngày, tránh để tình trạng căng thẳng (stress) kéo dài
- Duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe tổng thể, kích thích tuần hoàn màu dưới da, tăng khả năng nuôi dưỡng, phục hồi tổn thương
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi để cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ thể, giúp cải thiện sức khỏe, nâng cao đề kháng, nuôi dưỡng da khỏe mạnh, mịn màng hơn
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để bổ sung độ ẩm tự nhiên cho da, đồng thời thúc đẩy quá trình trao đổi chất và đào thải độc tố, giúp việc trị mụn diễn ra hiệu quả hơn
- Không ăn các thực phẩm có khả năng kích thích phản ứng viêm hoặc tăng nguy cơ hình thành mụn và thâm sẹo như các loại thịt đỏ, đồ nếp, món ăn cay nóng hoặc nhiều dầu mỡ, thực phẩm nhiều đường,…
- Tránh xa rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích,…
Nên đọc: 5 cách trị mụn ẩn trên trán cần tránh
Lời kết:
Lăn kim trị mụn ẩn là phương pháp được nhiều người áp dụng bởi hiệu quả cao. Tuy nhiên, nếu thực hiện sai cách, phương pháp này có thể gây ra những hậu quả như nổi mụn, tăng sắc tố da, nhiễm trùng,… Ngoài ra việc bị mụn ẩn có nên lăn kim hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Do vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ thật kỹ trước khi quyết định.
Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!