Nám tàn nhang là tình trạng da phổ biến của các chị em phụ nữ ngoài 30. Chúng có thể xuất hiện trên da do yếu tố di truyền từ nhỏ, nhưng ở độ tuổi dậy thì, khi chăm sóc và bảo vệ da không tốt vẫn gây nên tình trạng này. Hiểu đúng về nám tàn nhang sẽ giúp chúng ta lựa chọn cách trị nám tàn nhang lâu năm một cách hiệu quả.
Nội dung bài viết
Nám lâu năm có khó chữa không?
Hiện tượng da xuất hiện những mảng sắc tố đậm màu nâu hoặc xám chính là nám da. Chúng thường có kích thước lớn, hình thành ở những vùng da mặt như trán, cằm, môi, sống mũi hoặc ở vùng da thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời như vùng cánh tay.
Phụ nữ là đối tượng mà nám da thường xuất hiện, nhất là ở giai đoạn mang thai và tiền mãn kinh do rối loạn nội tiết tố. Ngoài ra, sử dụng kháng sinh trong thời gian dài, dùng mỹ phẩm kém chất lượng hay chế độ ăn uống thiếu khoa học,… cũng là nguyên dân dẫn đến nám da. Hệ quả là nám da trở thành trở ngại khiến chị em phụ nữ thiếu tự tin, ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như tâm lý.
Việc trị nám hiệu quả ở mức độ nào phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây nám, đồng thời đòi hỏi sự kiên trì của bạn khi phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và chăm sóc sau điều trị. Nám da được đánh giá khó điều trị vì chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây nám. Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán nguyên nhân gây nám đến từ các yếu tố di truyền, nội tiết tố và môi trường. Điều này gây khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch điều trị nám phù hợp.
Ngoài ra, một lý do khác khiến nám khó điều trị dứt điểm chính là tính chất ảnh hưởng đến nhiều lớp da khác nhau. Sắc tố không chỉ nằm giới hạn ở lớp trên cùng của da mà còn ở các lớp sâu hơn. Do đó, nếu chỉ áp dụng các phương pháp điều trị nám tác động ở tầng thượng bì của da, phần nám ăn sâu ở lớp hạ bì bị bỏ qua vẫn sẽ khiến da thiếu sức sống và kém sắc.
Các phương pháp điều trị nám lâu năm
Trên thực tế, tùy vào loại nám và mức độ nám, chúng ta sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Sau đây là một số phương pháp điều trị nám lâu năm phái đẹp có thể tham khảo để áp dụng cho bản thân mình nhé!
Phương pháp điều trị bằng laser
Phương pháp điều trị bằng laser là cách trị nám lâu năm tương đối hiệu quả, được khá nhiều chị em áp dụng thành công. Phương pháp laser công nghệ cao sử dụng các tia laser có bước sóng phù hợp chiếu trực tiếp lên vùng da bị nám. Tia laser phá vỡ cấu trúc của sắc tố melanin, tác động đến chân nám để có thể loại bỏ nám triệt để. Hiệu quả của phương pháp này có thể cảm nhận rõ rệt sau một vài liệu trình, tùy vào mức độ nặng, nhẹ hay trung bình.
Ưu điểm của phương pháp này là điều trị dứt điểm nám, nhanh chóng, hỗ trợ làm đều màu da, se khít lỗ chân lông, cải thiện nếp nhăn,… Song song đó, phương pháp này cũng tồn tại nhiều mặt hạn chế nếu chúng ta không lựa chọn được cơ sở điều trị uy tín, phương pháp thích hợp và cách thức dưỡng da sau điều trị. Tiềm ẩn cho những nguy cơ sau đó sẽ khiến da dễ bắt nắng, tăng sắc tố sau viêm, da mất màu,…
Nếu mong muốn thực hiện phương pháp điều trị trên, bạn cần đến các cơ sở thẩm mỹ uy tín, được chữa trị và chịu trách nhiệm bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Phương pháp điều trị bằng mỹ phẩm
Đối với những chị em điều trị nám, mỹ phẩm chứa thành phần Hydroquinone là sự lựa chọn hàng đầu. Cơ chế tác dụng của Hydroquinone là ức chế sự chuyển đổi Tyrosin thành melanin thông qua ức chế cạnh tranh Tyrosinase. Nhờ sự ức chế tổng hợp DNA và RNA của các sắc tố cùng với sự phân hủy melanosome cũng có thể góp phần vào cơ chế hoạt động của Hydroquinone.
Nhiều chế phẩm chứa Hydroquinone hiện có sẵn, dưới dạng đơn trị hoặc kết hợp với các chất làm sáng da, chất tẩy tế bào chết khác, chẳng hạn như axit glycolic hoặc tretinoin với nồng độ từ 2% trở xuống. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều hãng dược mỹ phẩm uy tín sử dụng hoạt chất này.
Một số lưu ý khi sử dụng hoạt chất Hydroquinone trị nám để đạt hiệu quả tốt nhất:
- Khi sử dụng Hydroquinone có nồng độ trên 4% nên có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Không nên tự ý mua để sử dụng vì có thể gây viêm và kích ứng da.
- Theo khuyến cáo, chỉ nên sử dụng duy trì Hydroquinone 2% trong 2 tháng.
- Thời gian để lượng Hydroquinone phát huy công dụng là 28 ngày. Do đó, bạn cần phải bôi dặm duy trì sau 28 ngày bởi tính ức chế tyrosinase của Hydroquinone.
Ngoài ra, Hydroquinone có thể gây một số phản ứng dị ứng như kích ứng, tăng sắc tố sau viêm, giảm sắc tố da và viêm da tiếp xúc dị ứng. Một số trường hợp có thể bị ban đỏ và bong tróc da sau khi sử dụng. Bên cạnh đó, Hydroquinone chống chỉ định ở phụ nữ có thai và cho con bú.
Theo các chuyên gia da liễu, bạn hoàn toàn có thể sử dụng một số sản phẩm dạng bôi khác để cải thiện tình trạng nám tàn nhang. Dưới đây là những gợi ý thành phần mà bạn có thể ưu tiên
- Axit Kojic: Tuy ở dạng đơn trị kém hiệu quả hơn Hydroquinone, nhưng lại khá phù hợp với người không dung nạp Hydroquinone.
- Niacinamide: Niacinamide ngăn chặn việc chuyển các melanosome từ tế bào hắc tố sang tế bào sừng. Hơn nữa, thành phần này còn có tác dụng chống viêm rất tốt. Hoạt chất này giúp tăng sinh tổng hợp ceramides, cũng như các lipid lớp sừng khác với chức năng hàng rào tính thấm biểu bì được tăng cường. Đây là một hoạt chất phổ biến trong các chế phẩm dưỡng da hiện nay và rất được giới trẻ ưa chuộng vì tốt về chất lượng cũng như giá cả.
- Arbutin: Theo nghiên cứu, arbutin có khả năng ức chế tổng hợp melanin và làm sáng da tương tự hydroquinone nhưng độ an toàn cao hơn gấp nhiều lần. Khi được hấp thụ vào da, thành phần này mang lại công dụng làm sáng các vết thâm nám, làm đều màu da và làm giảm sự xuất hiện của sẹo mụn.
Sử dụng kem trị nám
Bộ ba hydroquinone, corticosteroid và tretinoin có khả năng hoạt động hiệp đồng nên được ưu tiên sử dụng hơn kem hydroquinone 4%. Chúng ta nên sử dụng kem phối hợp duy trì hàng đêm trong hai đến bốn tháng để phát huy tối đa hiệu quả.
- Corticosteroid: Cơ chế ức chế trực tiếp hình thành hắc tố bằng cách giảm sản xuất các chất trung gian gây viêm.
- Retinoids (bao gồm tretinoin, adapalene và tazarotene): Hoạt chất này giúp cải thiện tình trạng nám da bằng cách thúc đẩy sự chuyển hóa của tế bào sừng.
Điều trị phương pháp lột da hóa học
Lột da hóa học là liệu pháp điều trị hiệu quả cho trường hợp bị nám da không đáp ứng với các liệu pháp điều trị khác. Phương pháp sử dụng hóa chất thích hợp để loại bỏ các tế bào sừng hóa đồng thời kích thích khả năng tái tạo da, kiểm soát dầu thừa và tiêu diệt các đốm sậm màu trên da.
Phương pháp lột da hóa học bề mặt được sử dụng để điều trị nám da bao gồm axit glycolic, các axit alpha-hydroxy khác, axit salicylic,… Khi áp dụng liệu pháp này cần thực hiện từ năm đến sáu lần lột da hóa học trong khoảng thời gian từ hai đến bốn tuần. Tuy nhiên, tác dụng phụ có thể xảy ra đối với lột da hóa học bao gồm nhiễm trùng, sẹo (hiếm xảy ra), phản ứng dị ứng, nổi mụn trứng cá và thay đổi sắc tố da.
Làm sao để phòng ngừa nám lâu năm tái phát?
Nám là một trong những bệnh lý khi mắc phải rất khó chữa dứt điểm, do đó phòng ngừa sự xuất hiện của nám là cách tốt nhất để bạn bảo vệ làn da của mình. Chị em có thể tham khảo một số cách ngăn ngừa nám lâu năm tái phát sau đây.
Bảo vệ da mặt tối đa khỏi ánh nắng mặt trời
Theo các nghiên cứu, ánh nắng mặt trời là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nám da. Việc làn da tiếp xúc quá lâu với tia UV trong ánh nắng sẽ khiến da sản sinh melanin, hình thành nám,… Đặc biệt, nếu da đang bị nám, phơi nắng nhiều sẽ khiến nám lan rộng và bám sâu hơn, gây khó khăn cho việc điều trị. Vì vậy, sử dụng kem chống nắng chính là bí kíp giúp làn da chống lại các tác hại bên ngoài.
Bạn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số tối thiểu là 30 SPF. Ngoài ra, trong hoặc sau khi điều trị nám xong, bạn cần hạn chế ra ngoài khi trời nắng gắt. Nếu phải ra ngoài, hãy kết hợp kem chống nắng với các biện pháp che chắn, bảo vệ da như đội mũ rộng vành, đeo mắt kính, khẩu trang, áo khoác,…
Lựa chọn mỹ phẩm lành tính, chất lượng
Ngày nay, mỹ phẩm đã trở thành người bạn không thể thiếu của nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, nếu chọn mua mỹ phẩm kém chất lượng, có xuất xứ, thương hiệu không rõ ràng thì làn da rất dễ phải đối mặt với nguy cơ thương tổn. Điều này dẫn đến tình trạng kích ứng da, nhiễm corticoid và đặc biệt tăng sắc tố melanin gây nám.
Do đó, nếu vẫn còn hoang mang với hằng hà sa số mỹ phẩm trên kệ, bạn hãy tham khảo ý kiến bạn bè, chuyên gia để chọn được những sản phẩm chất lượng và phù hợp. Điều này hỗ trợ rất nhiều vào việc giảm thâm nám, tàn nhang lâu năm.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Thật bất ngờ vì chế độ ăn uống cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến làn da của bạn. Do đó, sau điều trị nám, bạn cần thận trọng trong việc ăn uống để tránh trường hợp vô tình khiến nám tái phát.
Lời khuyên về chế độ dinh dưỡng phù hợp cho chị em sau trị nám chính là bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất từ trái cây, rau củ. Song song đó, nên uống nhiều nước để cấp ẩm cho da và tăng cường quá trình đào thải độc tố. Đặc biệt, không nên ăn cay nóng vì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả sau điều trị.
Ngủ đủ giấc
Một trong những cách đơn giản giúp da bạn tránh được việc tái nám chính là ngủ đủ giấc. Giấc ngủ chất lượng được đánh giá rất quan trọng để giúp da khỏe mạnh, tràn đầy sức sống và đẩy nhanh quá trình phục hồi sau điều trị. Ngoài ra, một làn da được nghỉ ngơi đủ 7 – 8 tiếng về đêm cũng sẽ có đủ lượng đề kháng để chống lại các mối nguy từ bên ngoài, tăng độ đàn hồi và làm chậm quá trình lão hóa.
Vậy làm thế nào để có được giấc ngủ ngon, sâu? Để có được giấc ngủ chất lượng, mỗi ngày bạn cần ngủ trước 23 giờ. Trước khi ngủ không nên sử dụng điện thoại di động cùng các thiết bị điện tử khác để tránh kích thích não bộ tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó, chọn lựa một chiếc nệm êm, chăn ấm cũng là yếu tố không kém phần quan trọng để nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Câu hỏi thường gặp
Nám lâu năm có dẫn tới ung thư không?
Nám da không phải là dấu hiệu của bệnh ung thư hay sẽ “biến thành” ung thư nếu không được điều trị triệt để. Tuy nhiên, bệnh ung thư da có một số dấu hiệu như xuất hiện tổn thương sẫm màu trên da, tổn thương sẹo phẳng màu nâu,… khá tương đồng với nám. Vì vậy để xác định rõ nhất tình trạng da bạn đang gặp phải là gì, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám và nhận chẩn đoán chính xác.
Tác dụng phụ của những loại thuốc nào thường gây ra nám?
Một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm, thuốc hạ đường huyết, thuốc chống loạn thần, thuốc lợi tiểu, retinoids,… có thể khiến da bạn trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Do đó khi sử dụng thuốc trong thời gian dài, bạn có thể gặp phải tác dụng phụ là nám da, tàn nhang. Đây được xem như một cơ chế tự nhiên mà làn da kích hoạt để tự bảo vệ mình.
Nám và tàn nhang luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người bởi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến gương mặt của họ. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và sự tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc da hiện nay, chúng ta có thêm nhiều cách trị nám tàn nhang lâu năm hiệu quả để lựa chọn, từ đó khắc phục được tình trạng nám, tái tạo da mịn màng như ban đầu. Quan trọng hơn, chị em cần nhớ rằng vẻ đẹp không chỉ phụ thuộc vào bề ngoài. Hãy tự tin, yêu và chăm sóc bản thân mình, vì đó là yếu tố quan trọng nhất để bạn tỏa sáng trong cuộc sống.