Sạm da ở những vị trí như mặt, tay, chân, vai… ảnh hưởng không nhỏ đến sự tự tin vốn có của chị em phụ nữ. Mặc dù tình trạng này không quá nguy hiểm nhưng đôi khi lại là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của bạn. Trong bài viết hôm nay, các bạn hãy cùng Oeneva tìm hiểu da tay bị sạm đen là bệnh gì nhé!
1. Da tay bị sạm đen do bệnh gì?
Da tay bị sạm đen có thể gặp trong một số bệnh lý, các bạn hãy cùng Oeneva tìm hiểu các bệnh lý thường gặp dưới đây nhé!
1.1. Tiền đái tháo đường và đái tháo đường
Sạm da ở tay, các khớp ngón tay thường gặp ở những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc có nguy cơ mắc bệnh. Đây là tình trạng bệnh rối loạn chuyển hóa với sự giảm tiết insulin và kháng insulin ngoại vi, dẫn đến tăng đường huyết trong máu. Mối quan hệ giữa da tay bị sẫm màu và bệnh đái tháo đường vẫn chưa được hiểu đầy đủ, tuy nhiên, người ta cho rằng lượng insulin cao có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các tế bào da.
Các triệu chứng chung hay gặp ở người bệnh đái tháo đường có tăng cảm giác đói, khát nhiều, giảm cân, đi tiểu thường xuyên, mờ mắt, tổn thương da lâu lành… Người bệnh tiền đái tháo đường thường không gặp những triệu chứng rầm rộ như bệnh đái tháo đường, chỉ có một số yếu tố nguy cơ như thừa cân, ít hoạt động thể lực, mắc hội chứng buồng trứng đa nang, do đó, da tay bị thâm đen có thể coi là một dấu hiệu cảnh báo. Điều này rất quan trọng vì việc thay đổi lối sống có thể điều chỉnh lại lượng đường trong máu của bạn và ngăn ngừa bệnh phát triển.
1.2. Viêm bì cơ
Viêm bì cơ (tiếng Anh là Dermatomyositis) là bệnh viêm nhiễm với các triệu chứng phổ biến ở cơ và da gồm yếu cơ, đau cơ, teo cơ, giảm mạch quanh móng tay, móng chân, tăng lắng đọng canxi dưới da, đỏ da toàn thân, tăng hoặc giảm sắc tố da.
Các triệu chứng trên da của người bệnh viêm bì cơ có thể xuất hiện ở các khớp ngón tay, ngón tay, trên mặt, ngực, đầu gối hoặc khuỷu tay và có màu xanh tím hoặc đỏ. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 5 – 15 tuổi, người lớn từ 40 – 60 tuổi. [1]
Viêm bì cơ có thể điều trị bằng các thuốc bôi, thuốc tiêm như corticoid, colchicin, thuốc ức chế miễn dịch… Trong giai đoạn cấp tính, người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh ánh nắng kết hợp chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
1.3. Bệnh Addison
Bệnh Addison hay suy vỏ thượng thận gặp phải do nguyên nhân tuyến thượng thận không sản xuất đủ các hormone steriod gồm cortisol và aldosterone. Người bệnh Addison gặp nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm hạ huyết áp, sạm da, buồn nôn, đau bụng, giảm cân, cơ thể mệt mỏi… Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính và biểu lộ các triệu chứng lâm sàng khi có rối loạn chuyển hóa hoặc chấn thương [2].
Sạm da ở người bệnh Addison thường xuất hiện sau khi tiếp xúc với ánh nắng, đặc biệt là các điểm có xương nhô lên, nếp gấp da, vết sẹo. Ngoài ra, có thể có tàn nhang ở trán, mặt, cổ, vai và niêm mạc môi, miệng, trực tràng, âm đạo đổi màu xanh đen.
1.4. Bệnh xơ cứng bì
Bệnh xơ cứng bì (hay còn gọi là bệnh xơ cứng hệ thống) là bệnh tự miễn dịch do tình trạng sản xuất collagen quá mức. Điều này dẫn đến da và các mô liên kết cứng hơn, căng hơn, trong một số trường hợp có thể dẫn đến tàn phế. Một trong những triệu chứng của bệnh xơ cứng bì là da bị ửng đỏ, tăng hoặc giảm sắc tố da, đau đa khớp, khó nuốt, không xoay vặn được cột sống… [3]
Hiện nay, chưa có phương pháp đặc hiệu điều trị bệnh xơ cứng bì. Các biện pháp hiện nay chủ yếu có mục đích làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển của bệnh. Đồng thời, việc theo dõi, đánh giá và điều trị sớm sẽ giúp làm giảm các biến chứng như tăng áp phổi, từ đó người bệnh vẫn duy trì được chức năng các cơ quan và cải thiện chất lượng cuộc sống.
1.5. Hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) liên quan đến sự rối loạn chức năng phóng noãn hoặc không phóng noãn được cùng với thừa nội tiết tố nam với nguyên nhân không rõ ràng. Các triệu chứng đặc trưng gồm béo phì nhẹ, kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh, rậm lông, mọc mụn trứng cá, sạm da, nhiều nếp nhăn… [4]
Ở người mắc hội chứng buồng trứng đa nang, các vùng da thường dày, sậm màu hơn, đặc biệt ở những vị trí như nách, gáy, cổ, các khớp, khuỷu tay, nguyên nhân là do nồng độ insulin cao do kháng insulin.
1.6. Lupus ban đỏ hệ thống
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý viêm tự miễn mạn tính biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan, thường gặp ở phụ nữ trẻ tuổi. Các biểu hiện phổ biến bao gồm đau khớp, viêm khớp, phát ban, sạm da, viêm màng phổi, viêm màng tim… Do có tổn thương da, người bệnh lupus ban đỏ thường có các ban đỏ lấm chấm ở bàn tay, ngón tay, quanh móng tay, sạm da, hoại tử nếp gấp móng, mày đay, ban xuất huyết.
Hiện nay, không có cách điều trị hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ hệ thống, tuy nhiên có nhiều phương pháp khác nhau giúp các bạn kiểm soát triệu chứng.
2. Da tay bị sạm đen do các nguyên nhân khác
Bên cạnh các bệnh lý trên, da tay bị sạm đen có thể do một số nguyên nhân khác như:
2.1. Do ánh nắng
Da tay sạm đen do tiếp xúc với tia UV là vấn đề thông thường mà hầu như ai cũng biết. Nói chung, khi đi nắng, nếu không che chắn phần tay với trang phục đủ dày thì da tay có thể bị đen sạm rất nhanh. Bạn có thể thấy tình trạng này phổ biến ở những người làm shipper, thợ xây hay bất cứ người nào thường xuyên làm việc ngoài trời với đôi tay trần.
Hỏi đáp: Da đen nên mặc áo màu gì?
2.2. Dị ứng hóa chất
Các hóa chất trong cuộc sống hằng ngày có thể gây nên tình trạng da sạm đen nếu bạn có làn da nhạy cảm, dễ kích ứng. Các hóa chất gây dị ứng có thể là chất tẩy rửa, thuốc trị bệnh, chất màu trong sản xuất công nghiệp, dầu mỡ, than đá… Khi tiếp xúc và thấm qua da hoặc vào cơ thể qua đường tiêu hóa, hô hấp, hóa chất sẽ làm tăng cảm ứng của da với ánh sáng, khiến da bị sạm đen kèm giãn hoặc teo nhẹ da theo thời gian.
2.3. Lạm dụng mỹ phẩm
Các loại mỹ phẩm chăm sóc, làm đẹp da toàn thân chứa hóa chất đặc trị mạnh có thể làm da bị bào mòn, tổn thương và dễ bị sạm đen. Những loại kem này mang đến tác dụng làm trắng da nhanh chóng nhưng ảnh hưởng đến cấu trúc da, khiến da dễ bị tổn thương bởi tia UV và nhiều tác nhân có hại khác.
Cảnh báo: Tự làm kem trộn trắng da – lợi bất cập hại
2.4. Cơ thể thiếu dưỡng chất
Chế độ ăn uống hằng ngày là một yếu tố quan trọng có những ảnh hưởng trực tiếp tới làn da. Da sẽ khỏe mạnh, tươi tắn nếu có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và ngược lại, nếu cơ thể bạn thiếu dưỡng chất, bạn có thể gặp một số tình trạng như sạm da, da nhanh lão hóa, nổi mụn…
Nếu bạn thường xuyên sử dụng các thức ăn chứa nhiều đường, tinh bột, dầu mỡ cũng có thể là nguyên nhân khiến da bị xỉn màu, sạm đen do các thức ăn này làm tăng hình thành AGEs – loại protein bị đường hóa. Các phân tử sẽ tấn công làn da, khiến da mất đi độ săn chắc, hình thành nếp nhăn và làm sạm đen.
Một nghiên cứu năm 2016 đã cho thấy da tay bị sẫm màu là dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin B12. Các triệu chứng đi kèm khác có thể kể đến như mệt mỏi, thiếu máu, khó thở, chóng mặt, choáng váng…
2.5. Do dùng thuốc
Phần da ở ngón tay, bàn tay, các nếp gấp có thể bị đen sạm do tác dụng không mong muốn của một số thuốc như thuốc tránh thai, thuốc ức chế protease, liệu pháp tăng trưởng hormone, liệu pháp tăng estrogen, glucocorticoid, tiêm insulin…
Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc trên và gặp tình trạng da tay bị sạm đen thì có thể xin lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa. Thông thường, sắc tố da sẽ trở lại như ban đầu khi bạn ngừng dùng thuốc.
☛ Đọc thêm:
Nguồn tham khảo:
- [1] https://www.healthline.com/health/dermatomyositis
- [2] https://www.healthline.com/health/addisons-disease
- [3] https://www.healthline.com/health/scleroderma
- [4] https://www.healthline.com/health/polycystic-ovary-disease
- [5] https://www.healthline.com/health/symptom/what-causes-dark-knuckles-and-how-can-you-treat-them#when-to-get-care