Mang thai ngoài tử cung có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của sản phụ. Vậy nhận biết tình trạng này bằng cách nào? Mang thai ngoài tử cung có kinh nguyệt không? Hãy cùng Oeneva.com tìm hiểu nhé!
Nội dung bài viết
1. Hiểu nhanh về tình trạng mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung hay chửa ngoài dạ con là thuật ngữ chỉ tình trạng phôi thai không nằm trong tử cung như bình thường mà phát triển ở các vị trí nằm bên ngoài tử cung như cổ tử cung, vòi trứng, buồng trứng, thậm chí là ổ bụng…
Bất kỳ phụ nữ nào trong độ tuổi sinh sản cũng có nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, tình trạng này xuất hiện phổ biến nhất ở các trường hợp:
- Hẹp ống dẫn trứng hoặc có dị tật ống dẫn trứng bẩm sinh
- Từng trải qua phẫu thuật tại ống dẫn trứng hoặc vùng chậu
- Người bị viêm nhiễm vùng chậu
- Phụ nữ mang thai muộn, trên 35 tuổi
Ngoài ra, những người có tiền sử mang thai ngoài tử cung trước đó cũng rất dễ gặp lại tình trạng này.
Với các trường hợp mang thai ngoài tử cung, thai nhi sẽ không thể phát triển một cách bình thường và buộc mẹ phải can thiệp chấm dứt thai kỳ.
Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, bào thai ngày càng lớn sẽ làm vỡ các cơ quan bên ngoài tử cung, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe sản phụ, thậm chí có thể đe dọa tính mạng, dẫn đến tử vong.
2. Mang thai ngoài tử cung có kinh nguyệt không?
Mất kinh là một trong những dấu hiệu phổ biến hàng đầu của việc mang thai do sự thay đổi của hệ thống nội tiết. Trường hợp mang thai ngoài tử cung cũng vậy, chị em sẽ không có kinh nguyệt.
Dù vậy, nhiều trường hợp mang thai ngoài tử cung sẽ gặp hiện tượng xuất huyết âm đạo bất thường. Lượng máu này có thể nhiều hơn máu kinh, có màu đỏ thẫm hoặc màu nâu, rất dễ gây nhầm lẫn với kinh nguyệt, đặc biệt nếu khoảng thời gian bị ra máu trùng khớp với chu kỳ kinh.
☛ Xem tiếp: Đau bụng kinh ra máu cục – đừng chủ quan!
3. Dấu hiệu nhận biết mang thai ngoài tử cung
Ngoài hiện tượng ra máu âm đạo bất thường, mẹ có thể nhận biết tình trạng mang thai ngoài tử cung qua các dấu hiệu như:
3.1. Đau bụng dưới
Đau bụng dưới là triệu chứng phổ biến của mang thai ngoài tử cung. Ban đầu, những cơn đau sẽ xuất hiện âm ỉ, kéo dài, gây cảm giác khó chịu. Một số trường hợp cũng có thể cảm thấy nặng bụng, đau bụng và mót rặn như bị táo bón.
Theo thời gian, khi thai ngoài tử cung dần phát triển, chị em sẽ gặp phải những cơn đau dữ dội, đột ngột.
Ngoài ra, tình trạng đau sẽ ngày càng nghiêm trọng và có thể kèm theo các dấu hiệu như chóng mặt, toát mồ hôi, ngất xỉu…
☛ Đọc thêm: Đau bụng kinh có giống đau đẻ?
3.2. Đau thắt lưng, vùng chậu
Bào thai phát triển bên ngoài tử cung có thể tạo áp lực lên các cơ quanh tử cung hoặc các dây thần kinh, khiến sản phụ bị đau thắt lưng hoặc vùng chậu.
Ngoài ra, chị em cũng có thể bị chuột rút nhẹ ở bên trái hoặc bên phải vùng chậu tùy vị trí của phôi thai ngoài tử cung.
3.3. Các triệu chứng khác
Khi bị mang thai ngoài tử cung, sản phụ cũng có thể gặp phải các triệu chứng như buồn nôn, nôn, hoa mắt, đau hoặc co rút vùng vai gáy, hạ huyết áp đột ngột…
4. Khi có dấu hiệu mang thai ngoài tử cung phải làm sao?
Như đã nói ở trên, phôi thai ngoài tử cung càng phát triển các triệu chứng sẽ càng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt, nếu thai ngoài tử cung bị vỡ, tính mạng của sản phụ có thể bị đe dọa trực tiếp.
Do đó, khi có các dấu hiệu nghi ngờ mang thai ngoài tử cung, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được thăm khám, chẩn đoán và can thiệp xử lý kịp thời.
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả cao trong điều trị, người bệnh cần:
4.1. Tuân thủ hướng dẫn điều trị
Tùy trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh điều trị bằng cách sử dụng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa.
Sử dụng thuốc: Trường hợp thai ngoài tử cung có kích thước nhỏ (dưới 3cm) và chưa bị vỡ, bác sĩ có thể chỉ định sản phụ tiêm thuốc, kết hợp theo dõi trong 3 – 4 tuần.
Trong thời gian này, sản phụ thường được yêu cầu xét nghiệm máu thường xuyên để đánh giá nồng độ HCG. Đồng thời, phương pháp siêu âm cũng được thực hiện để theo dõi kích thước thai nhi bên ngoài tử cung.
Can thiệp ngoại khoa: Thường được áp dụng trong trường hợp thai ngoài tử cung đã lớn. Trong đó, nếu phôi thai chưa bị vỡ, sản phụ có thể được chỉ định mổ nội soi. Ngược lại, nếu phôi thai đã vỡ, phương pháp mổ hở sẽ được thực hiện.
Dù áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào người bệnh cũng cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
4.2. Nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học
Ngoài những cơn đau từ âm ỉ đến dữ dội, mang thai ngoài tử cung còn có thể khiến chị em mất nhiều máu, dẫn đến mệt mỏi, suy nhược.
Do đó, khi gặp phải tình trạng này, bên cạnh việc điều trị đúng phác đồ, sản phụ hãy dành thời gian nghỉ ngơi, không làm việc nặng nhọc. Đồng thời nên kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học, uống đủ nước để giúp cơ thể phục hồi tốt hơn.
Lời kết:
Mang thai ngoài tử cung có thể đe dọa sức khỏe và tính mạng sản phụ. Vì vậy ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, chị em cần theo dõi sức khỏe một cách chặt chẽ, tái khám đúng lịch hẹn và thông báo cho bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu bất thường.