2 tháng không có kinh nguyệt có bình thường không? Tình trạng này xảy ra do đâu? 2 tháng không có kinh nguyệt phải làm sao? Nếu bạn đang tìm hiểu về những vấn đề này thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
1. 2 tháng không có kinh nguyệt do đâu?
Thông thường kinh nguyệt sẽ ghé thăm chị em đều đặn mỗi tháng một lần với chu kỳ dao động trong khoảng 28 – 32 ngày.
2 tháng không có kinh nguyệt là tình trạng mất kinh diễn ra trong 2 chu kỳ liên tiếp. Điều này có thể xảy ra do các rối loạn nội tiết và nhiều nguyên nhân khác nhau.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Rối loạn nội tiết gây mất kinh
1.1. Nguyên nhân sinh lý
Thực tế rất nhiều nguyên nhân sinh lý có thể tác động đến chu kỳ kinh nguyệt, gây tình trạng mất kinh. Ví dụ như:
- Mang thai: Nếu như bạn đã có quan hệ tình dục và không sử dụng biện pháp an toàn thì điều đầu tiên có thể nghĩ đến là bạn đã mang thai.
- Stress, mệt mỏi: Stress, mệt mỏi sẽ thúc đẩy cơ thể sản sinh hormone cortisol, gây ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng, làm chu kỳ kinh nguyệt bị ảnh hưởng.
- Giảm cân quá mức: Việc giảm cân quá mức sẽ khiến cơ thể không có đủ lượng mỡ cần thiết để sản sinh estrogen, gây ức chế quá trình rụng trứng, dẫn đến mất kinh 2 tháng hoặc lâu hơn.
- Tăng cân quá nhanh: Tăng cân nhanh chóng sẽ kích thích cơ thể sản sinh estrogen quá mức, khiến chu kỳ kinh bị rối loạn.
- Tập luyện cường độ cao: Những căng thẳng trong luyện tập có thể khiến lượng estrogen giảm xuống mức thấp, gây tình trạng chậm kinh, mất kinh.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm steroid, thuốc tránh thai hoặc các biện pháp tránh thai như đặt vòng, cấy que… cũng có thể làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, tình trạng 2 tháng không có kinh nguyệt cũng có thể xảy ra do tác động của việc sử dụng chất kích thích, lối sống sinh hoạt không lành mạnh, thay đổi môi trường sống…
1.2. Nguyên nhân bệnh lý
2 tháng không có kinh nguyệt cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý như:
Viêm buồng trứng
Đây là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại buồng trứng do các yếu tố như nấm, vi khuẩn… Điều này làm suy giảm chức năng buồng trứng, khiến ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và gây ra những thay đổi ở chu kỳ kinh nguyệt, bao gồm chậm kinh, mất kinh.
Tình trạng viêm buồng trứng cũng kèm theo các dấu hiệu như đau khi quan hệ, âm đạo tiết dịch màu vành hoặc xanh, có mùi hôi, đau khi đi tiểu, sốt, mệt mỏi, buồn nôn…
Hội chứng buồng trứng đa nang
Bệnh lý này có liên quan đến nội tiết. Chúng thường xảy ra do tình trạng cơ thể sản sinh nhiều androgen, làm ức chế quá trình rụng trứng, dẫn đến hiện tượng trễ kinh, thậm chí mất kinh hoàn toàn.
Ngoài ra, đa nang buồng trứng cũng gây ra các triệu chứng khác như tăng cân nhanh chóng, nổi mụn, rậm lông…
Bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Nếu hormone tuyến giáp tiết ra không đủ hoặc quá mức, chị em sẽ gặp phải các vấn đề như:
- Hormone tuyến giáp quá ít: rong kinh, kinh nguyệt không đều
- Hormone tuyến giáp dư thừa: thiểu kinh, chậm kinh, thậm chí mất kinh.
Khi bị rối loạn tuyến giáp, một số triệu chứng khác có thể bao gồm: sưng ở vùng cổ, tóc giòn, dễ gãy, da khô, huyết áp tăng, cân nặng thay đổi…
Bên cạnh đó, những rối loạn tuyến giáp cũng có khả năng gây ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết khác, đặc biệt dẫn đến tình trạng mãn kinh sớm ở phụ nữ dưới 40.
Polyp tử cung
Polyp tử cung là tình trạng tăng sinh quá mức của tế bào nội mạc tử cung, hình thành các cụm tế bào giống như hạt gạo hoặc có kích thước tương tự quả bóng bàn. Chúng có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc thành từng cụm.
Polyp có thể cản trở quá trình rụng trứng hoặc làm thay đổi quá trình lưu thông của trứng trong ống dẫn trứng, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Hỏi đáp: Kinh nguyệt đến sớm 10 ngày có sao không?
2. Mất kinh gây ảnh hưởng như thế nào?
Chậm kinh hoặc mất kinh khi không mang thai có thể là hiện tượng sinh lý nhưng cũng có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tình trạng này có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định như:
Tăng nguy cơ hiếm muộn: Trong một số trường hợp, rối loạn kinh nguyệt có thể làm ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Ngoài ra những yếu tố như suy yếu buồng trứng, mất cân bằng nội tiết tố và các bệnh phụ khoa… có thể làm cản trở khả năng rụng trứng, dẫn đến vô sinh, hiếm muộn.
Sức khỏe giảm sút: Như đã nói ở trên, mất kinh cũng có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tuyến giáp, viêm buồng trứng, polyp tử cung… làm sức khỏe tổng thể bị giảm sút.
Đặc biệt nếu không được can thiệp kịp thời, đúng cách một số bệnh lý còn có thể dẫn đến biến chứng, thậm chí tiến triển thành ung thư, đe dọa sức khỏe và tính mạng của chị em.
Tác động xấu đến tâm lý: Mất kinh kéo dài và sự thay đổi của hệ thống nội tiết có thể khiến nảy sinh tâm lý căng thẳng, lo âu, làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, thậm chí tăng nguy cơ chán ăn, mất ngủ, dẫn tới trầm cảm, suy nhược cơ thể.
Đời sống vợ chồng bị ảnh hưởng: Một số trường hợp mất kinh có thể kèm theo các triệu chứng như khô hạn, đau rát vùng kín, ra máu khi quan hệ và giảm khoái cảm tình dục… Điều này khiến chị em e sợ việc quan hệ với chồng, nếu không nhận được sự chia sẻ và cảm thông từ nửa kia sẽ dễ rất đến những bất đồng, rạn nứt tình cảm.
Đọc thêm: Làm chuyện ấy xong bị đau bụng dưới là vì sao?
Để bảo vệ sức khỏe và khả năng sinh sản, nếu chị em gặp tình trạng không có kinh nguyệt 2 tháng hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám, can thiệp điều trị trong trường hợp cần thiết.
3. 2 tháng không có kinh nguyệt phải làm sao?
2 tháng không có kinh nguyệt là tình trạng sức khỏe không nên bỏ qua.
Trường hợp bạn có quan hệ tình dục và bị mất kinh nguyệt trong 2 chu kỳ liên tiếp, kèm theo các dấu hiệu sớm của thai kỳ như mệt mỏi, núm vú sẫm màu hơn, nhạy cảm với mùi… thì hãy thực hiện thử thai tại nhà với que thử thai.
Nếu bạn không có khả năng mang thai và mất kinh kéo dài, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Đặc biệt, cần đi khám càng sớm càng tốt nếu có các dấu hiệu sau:
- Đau vùng chậu
- Thị lực thay đổi
- Sốt, ớn lạnh
- Rậm lông
- Đau rát khi quan hệ
- Khí hư ra nhiều, có mùi và màu sắc bất thường
- Tiểu buốt, tiểu rắt
- Ra máu âm đạo bất thường…
Tùy nguyên nhân gây mất kinh, các biện pháp điều trị có thể sẽ khác nhau, ví dụ như:
3.1. Do bệnh lý
Với các trường hợp không có kinh 2 tháng do bệnh lý, nếu điều trị bệnh đúng cách, tuân thủ phác đồ của bác sĩ thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ ổn định trở lại khi bệnh được cải thiện.
Tùy trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc chứa hormone để ổn định nội tiết hoặc các thuốc kháng sinh, chống viêm… nếu có liên quan đến yếu tố viêm nhiễm. Ngoài ra, nếu cần thiết, chị em cũng có thể được đề nghị can thiệp ngoại khoa để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
3.2. Do tác dụng phụ của thuốc
Trong trường hợp nguyên nhân gây mất kinh được xác định là do sử dụng thuốc, việc ngừng thuốc có thể giúp chu kỳ kinh dần ổn định.
Với các thuốc điều trị bệnh, chị em có thể trao đổi với bác sĩ để được tư vấn, điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi thuốc điều trị khác phù hợp hơn.
Trong trường hợp thuốc tránh thai là nguyên nhân gây mất kinh, chị em cũng có thể đổi sang các biện pháp tránh thai khác như đặt vòng, sử dụng bao cao su…
3.3. Do lối sống, sinh hoạt thiếu lành mạnh
Việc duy trì thói quen sinh hoạt kém lành mạnh như thường xuyên sử dụng rượu bia, thức khuya, ăn uống thiếu khoa học… cũng làm chu kỳ kinh nguyệt bị ảnh hưởng. Để khắc phục, chị em cần tạo ra các thói quen tốt như:
1/ Tránh thức khuya, ngủ đủ giấc 7 – 8 giờ mỗi ngày.
2/ Sắp xếp thời gian làm việc khoa học, tạo ra những khoảng nghỉ phù hợp để tinh thần thoải mái hơn, hạn chế căng thẳng, stress kéo dài.
3/ Tăng cường tập thể dục để cải thiện sức khỏe, vóc dáng, đồng thời tăng cường quá trình trao đổi chất, giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động hiệu quả hơn.
4/ Ăn uống cân bằng, đủ các nhóm chất, tăng cường ăn rau xanh, uống nhiều nước, hạn chế ăn đồ ăn cay nóng, các món ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường…
☛ Xem thêm: Bị chậm kinh nên ăn gì?
5/ Tránh sử dụng cà phê, đồ uống có cồn và các chất kích thích…
☛ Xem thêm: 20 loại thức uống giúp kinh nguyệt ra nhiều hơn
Ngoài ra, duy trì cân nặng hợp lý, tránh tình trạng quá gầy hoặc tăng cân quá mức cũng là cách giúp chu kỳ kinh nguyệt diễn ra bình thường.
Kết luận:
Trên đây là những chia sẻ hữu ích về việc “2 tháng không có kinh nguyệt phải làm sao?”. Hy vọng những thông này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng của thân, từ đó chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe.