Trong thai kỳ, làn da của mẹ bầu không chỉ bị sạm đen mà còn nổi nhiều mụn. Vì thế, rất nhiều chị em thắc mắc tại sao khi mang thai người này bị nổi mụn còn người khác thì không? Điều này có liên quan gì đến giới tính của em bé trong bụng mẹ không? Vậy bầu nổi mụn nhiều là trai hay gái? Hãy cùng Oeneva.com theo dõi nội dung dưới đây để có câu trả lời nhé!
Nội dung bài viết
1. Bầu nổi mụn nhiều là trai hay gái?
Khi mang thai, cơ thể mẹ xảy ra rất nhiều thay đổi, đặc biệt là nội tiết tố. Theo đó có nhiều hormone mới được sinh ra, đồng thời hàm lượng của một số hormone nhất định sẽ giảm xuống để đảm bảo cho sự an toàn và phát triển của thai nhi.
Những rối loạn nội tiết khi mang thai, đặc biệt là nồng độ androgen tăng cao làm cho tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, gây tắc nghẽn lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi gây mụn. Lũ mụn xấu xí không chỉ xuất hiện trên da mặt mà còn có thể lan ra nhiều vị trí khác trên cơ thể mẹ bầu, ví dụ như lưng, ngực, bả vai,…
Bên cạnh đó, việc chăm sóc da không đúng cách hoặc những thay đổi trong sinh hoạt, thói quen ăn uống, ốm nghén,… cũng khiến da bị ảnh hưởng. Cụ thể, nếu mẹ vệ sinh da không đủ sạch, dùng sản phẩm chăm sóc không phù hợp, thường xuyên thức khuya do khó ngủ hoặc ăn đồ ăn cay nóng, bánh kẹo ngọt,… thì da sẽ rất dễ bị nổi mụn.
Thực tế có không ít ý kiến cho rằng mẹ bầu bị nổi nhiều mụn là một trong những dấu hiệu giúp nhận biết em bé trong bụng là bé trai. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh được việc nổi mụn có liên quan đến giới tính thai nhi. Do đó, đây hoàn toàn là lời đồn đoán không có cơ sở khoa học.
2. Làm sao để nhận biết giới tính thai nhi?
Ngoài niềm hạnh phúc khi mang thai, không ít mẹ bầu cũng cảm thấy hồi hộp, tò mò muốn biết em bé nhỏ xíu, dễ thương trong bụng mình là trai hay gái. Dưới đây là một số cách nhận biết giới tính thai nhi mẹ có thể tham khảo:
2.1. Kinh nghiệm dân gian
Từ xa xưa, cha ông ta đã đúc kết ra rất nhiều kinh nghiệm giúp nhận biết giới tính thai nhi. Ví dụ như:
Dấu hiệu mang bầu bé trai:
- Mẹ ít hoặc không ốm nghén, thèm ăn chua.
- Bụng bầu thấp, có hình dáng nhỏ, gọn và nhô về phía trước.
- Da mẹ nám sạm, mũi nở to.
- Nước tiểu của mẹ có màu vàng sáng.
- Đường lông bụng (đường nigra) chạy dọc qua rốn thẳng và đậm màu.
- Nhịp tim thai <140 lần/phút.
- Ngực mẹ bên to bên nhỏ, thường là ngực phải lớn hơn ngực trái.
- Chân mẹ lạnh hơn bình thường.
Dấu hiệu mang bầu bé gái:
- Mẹ ốm nghén nhiều, thèm ăn đồ ngọt.
- Nước tiểu của mẹ có màu vàng đậm.
- Bụng bầu cao, tròn và bè về hai bên.
- Nhịp tim thai >140 lần/phút.
- Đường lông bụng không thẳng (chệch nhẹ) và không quá đậm.
- Làn da của mẹ không có nhiều thay đổi, mũi không nở và thậm chí mẹ còn đẹp hơn bình thường.
- Ngực của mẹ bầu tăng rõ rệt về kích thước.
Ngoài ra, trong dân gian còn lưu truyền một cách nhận biết giới tính thai nhi rất thú vị nhờ vào chiếc nhẫn cưới. Theo đó, mẹ bầu có thể sử dụng dây hoặc một sợi tóc xỏ qua chiếc nhẫn, sau đó nằm ngửa trên giường và nhờ bố hoặc người thân giơ chiếc nhẫn phía trên bụng. Nếu chiếc nhẫn xoay tròn thì trong bụng mẹ là bé trai, còn nếu nó lắc lư qua lại như qua lắc đồng hồ thì mẹ đang mang thai em bé gái.
Lưu ý: Những phỏng đoán dân gian trên đây chỉ mang tính tham khảo, có thể đúng với người này nhưng sai với người kia. Do đó, mẹ không nên quá tin tưởng vào các mẹo này.
2.2. Siêu âm
Siêu âm là xét nghiệm hình ảnh mẹ cần thực hiện định kỳ khi mang thai. Bên cạnh việc giúp phát hiện các dị tật bẩm sinh, siêu âm còn có thể tiết lộ cho ba mẹ giới tính của em bé. Với kỹ thuật siêu âm 4D hiện đại ngày nay, bác sĩ có thể giúp mẹ quan sát cơ quan sinh dục của bé từ rất sớm, ngay sau tuần thai thứ 11. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải thời điểm lý tưởng nhất cho việc xác định giới tính thai nhi.
Theo đó, mẹ nên đợi thêm một thời gian nữa để bộ phận sinh dục của bé phát triển rõ rệt hơn. Cụ thể, chuyên gia cho biết ở tuần thai 16-18 tỷ lệ nhận biết giới tính chính xác sẽ đạt 80%, trong khi đó nếu ở tuần thai thứ 18-20 độ chính xác sẽ lên tới 85-95%.
Dù vậy, kết quả siêu âm không hoàn toàn chính xác trong một số trường hợp. Nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi thai và tư thế nằm của thai nhi. Cụ thể, tuổi thai càng thấp thì độ chính xác càng giảm. Ngoài ra, nếu trong quá trình siêu âm em bé nằm sấp thì việc phát hiện giới tính sẽ khó hơn rất nhiều so với khi bé nằm ngửa.
2.3. Xét nghiệm NIPT
Khi mang thai, trong máu của mẹ sẽ có chứa hỗn hợp DNA tự do ngoại bào (cfDNA) đến từ tế bào của mẹ và tế bào nhau thai. DNA được tìm thấy trong các tế bào nhau thai thường giống hệt với DNA của thai nhi. NIPT (Non-Invasive Prenatal Test) là xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn, giúp phát hiện các sớm các bất thường di truyền, bao gồm cả nhiễm sắc thể giới tính.
NIPT có khả năng giúp nhận biết giới tính thai nhi sớm với độ chính xác cao lên đến 95% ngay tuần thai thứ 10. Để thực hiện xét nghiệm này bác sĩ sẽ thu thập các đoạn DNA tự do trong máu của người mẹ (DNA tự do ngoại bào – cfDNA), sau đó tiến hành phân tích cfDNA.
Bên cạnh đó, một số xét nghiệm sàng lọc trước sinh khác như sinh thiết gai nhau (tuần thai thứ 12 trở đi) và lấy dịch ối (tuần 16 trở đi) cũng có thể cho mẹ biết giới tính của em bé trong bụng.
3. Cải thiện tình trạng mụn khi mang thai bằng cách nào?
Nếu bị nổi mụn khi mang thai, mẹ có thể cải thiện tình trạng này với một số gợi ý dưới đây:
3.1. Vệ sinh, chăm sóc da đúng cách
Vệ sinh da đúng cách sẽ giúp mẹ loại bỏ các tác nhân gây mụn từ bên ngoài, từ đó làm giảm mụn trứng cá. Theo đó mẹ hãy hạn chế trang điểm và nhớ tẩy trang với sản phẩm phù hợp vào mỗi tối, duy trì thói quen rửa mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ 2 lần/ngày.
Khi rửa mặt mẹ cũng cần lưu ý không sử dụng nước quá nóng bởi nhiệt độ cao có thể khiến da bị tổn thương, trở nên khô, đỏ rát, bong tróc. Đồng thời, mẹ bầu không nên tự ý cạy nặn mụn bởi nếu mụn bị vỡ mà không được xử lý đúng cách sẽ dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, da thiếu ẩm sẽ càng tiết nhiều dầu, tạo điều kiện cho mụn phát triển. Do đó, bổ sung độ ẩm cần thiết cho da cũng là một cách để cải thiện mụn. Mẹ có thể cấp ẩm cho làn da bằng cách uống đủ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày và sử dụng toner, kem dưỡng ẩm,… có nguồn gốc thiên nhiên an toàn, phù hợp.
Xem thêm: Cách chăm sóc da mụn cho bà bầu
3.3. Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt
Để có một sức khỏe tốt đồng thời cải thiện mụn trứng cá hiệu quả, mẹ bầu cần xây dựng lối sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh. Ví dụ như:
- Ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya
- Dành một khoảng thời gian mỗi ngày để thư giãn, nghỉ ngơi, tránh để bản thân bị căng thẳng kéo dài
- Vận động nhẹ nhàng, phù hợp để tăng cường sức khỏe, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể
- Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích,…
3.3. Bổ sung dinh dưỡng hợp lý
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ tốt cho sức khỏe mẹ và bé mà còn hỗ trợ cải thiện mụn trứng cá hữu hiệu. Theo chuyên gia, mẹ nên tăng cường bổ sung một số thực phẩm như:
- Rau xanh: rau chân vịt, súp lơ xanh,
- Trái cây tươi: cam, chanh, bưởi, dâu tây, bơ, nho, lựu,…
- Các loại cá béo: cá hồi, cá trích, cá mòi,…
- Quả hạch: óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ, hạt điều,…
Song song với đó mẹ bầu cũng cần tránh ăn các thực phẩm không tốt như thức ăn nhanh, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, các món ăn cay nóng, nhiều muối hoặc nhiều đường,…
Hỏi đáp thêm: Bị mụn có được đồ nếp không?
Kết luận:
Bầu bị nổi mụn nhiều hoàn toàn không liên quan đến giới tính thai nhi như nhiều người vẫn tưởng. Làm mẹ vốn đã là niềm hạnh phúc thiêng liêng, chắc hẳn dù bé có là trai hay gái thì mẹ vẫn sẽ yêu thương sinh linh bé bỏng đang mang trong mình. Chưa kể việc xét nghiệm, tiết lộ giới tính thai nhi ở nước ta hiện nay hoàn toàn không được khuyến khích (trừ một số trường hợp đặc biệt). Vậy nên việc của mẹ là hãy giữ tinh thần thoải mái, chăm sóc bản thân thật tốt và chờ ngày đón con yêu.