Nổi mụn sau phẫu thuật nâng mũi là tình trạng khá phổ biến, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Mặc dù tình trạng này có thể khiến bạn khó chịu và thiếu tự tin nhưng đừng quá lo lắng, những đốm mụn có thể chỉ xuất hiện tạm thời và biến mất sau một thời gian ngắn.
Nội dung bài viết
1. Vì sao sau khi nâng mũi dễ bị nổi mụn?
Nâng mũi là một trong những phẫu thuật phổ biến nhất trong ngành thẩm mỹ nhằm cải thiện tính cân đối của các đường nét trên gương mặt. Thế nhưng, sau phẫu thuật nâng mũi, không ít người bị nổi mụn ở vùng chữ T, trán, cằm, ngực và lưng.
Dưới đây là một số yếu tố được cho là nguyên nhân gây nên tình trạng này:
1.1. Tâm lý căng thẳng
Tâm lý căng thẳng sau phẫu thuật là nguyên nhân đầu tiên gây nên tình trạng nổi mụn sau nâng mũi. Các chuyên gia nhận thấy, có đến 67,8% (khoảng 103 người) xuất hiện tình trạng căng thẳng nhận thức bất thường sau khi nâng mũi một tuần. Điều này khiến nguy cơ xuất hiện mụn tăng 2,1 – 2,9 lần so với người bình thường.
Theo đó, áp lực tâm lý kéo dài có thể gây ra rối loạn nội tiết, kích thích tuyến bã dưới da hoạt động quá mức gây tắc nghẽn lỗ chân lông và hình thành nhân mụn. Cơ chế này xuất hiện ở hầu hết những người bị stress nói chung và ở bệnh nhân sau nâng mũi nói riêng.
Tâm lý căng thẳng của người bệnh có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như:
- Tổn thương tâm lý vì ngoại hình trước đó dẫn đến lo lắng phẫu thuật có thành công hay không.
- Vị trí phẫu thuật bị tổn thương, đau đớn gây nên áp lực về tinh thần.
- Lo lắng về sự kỳ thị của những người xung quanh sau khi phẫu thuật.
- Áp lực về chi phí điều trị.
1.2. Tác dụng phụ của thuốc
Nâng mũi là một phẫu thuật xâm lấn phức tạp, dễ xảy ra viêm và nhiễm trùng. Bởi vậy, việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, chống viêm là không thể tránh khỏi. Điều đáng nói là những loại thuốc này có thể gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, dẫn đến rối loạn nội tiết trên da với các biểu hiện: nổi mụn li ti, da khô và tăng tiết dầu.
Thế nhưng, bạn không nên vì thế mà tự ý ngưng sử dụng thuốc bởi có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng tại vị trí phẫu thuật, ảnh hưởng đến dáng mũi sau này. Thậm chí, một số nhiễm trùng nghiêm trọng tại vị trí nâng mũi nếu không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn nhiễm trùng máu, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Trường hợp các rối loạn trên da nặng nề như: trứng cá nặng, mẩn ngứa, phát ban hay thay đổi màu da, hãy chia sẻ với bác sĩ phẫu thuật để được đổi thuốc điều trị phù hợp.
1.3. Khó khăn trong chăm sóc da
Trong suốt một tuần đầu sau phẫu thuật, người bệnh cần đeo thanh nẹp và băng phẫu thuật để hình thành và bảo vệ dáng mũi.
Quá trình đeo nẹp kết hợp với vết thương khiến toàn bộ khu vực quanh mũi phù nề, đau đớn, gây cản trở cho việc vệ sinh da mỗi ngày. Đây là nguyên nhân lỗ chân lông bị bít tắc, cản trở sự lưu thông của tuyến bã nhờn và hình thành các nhân mụn, mụn viêm.
Bạn có thể nhận thấy lỗ chân lông ở vùng da quanh mũi giãn rộng, tăng tiết nhờn, xuất hiện những mụn viêm, sưng đỏ. Tuy nhiên, tình trạng này có thể được cải thiện nhanh chóng sau khi người bệnh tháo nẹp và thực hiện chăm sóc da đều đặn mỗi ngày.
2. Làm gì để khắc phục mụn trứng cá sau nâng mũi?
Theo các chuyên gia, mụn trứng cá sau phẫu thuật nâng mũi khá phổ biến nhưng chỉ là vấn đề tạm thời và thường không quá nghiêm trọng. Bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau để cải thiện làn da của mình.
2.1. Vệ sinh da khoa học
Không vệ sinh hoặc vệ sinh da sau nâng mũi sai cách không chỉ tăng nguy cơ nổi mụn, khiến mụn phát triển mạnh mẽ mà có thể gây bội nhiễm vị trí phẫu thuật. Vì vậy, bạn cần duy trì thói quen làm sạch da đều đặn mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn cần thận trọng trong khi vệ sinh da để tránh tác động đến vị trí mũi vừa phẫu thuật.
Một số gợi ý khi vệ sinh da sau nâng mũi bao gồm:
- Sử dụng bông tẩy trang, thấm nước tẩy trang và lau sạch toàn bộ các vị trí trên khuôn mặt, ngoại trừ vùng da quanh mũi.
- Tiếp tục dùng bông tẩy trang thấm nước muối sinh lý, vắt khô rồi vệ sinh nhẹ nhàng vùng da quanh mũi.
- Có thể thực hiện các thao tác này thêm một lần nữa để da được làm sạch nhất.
- Ở lần lau cuối, bạn có thể thay nước tẩy trang bằng nước sạch nếu không quen để nước tẩy trang trên da.
- Thực hiện vệ sinh da đều đặn từ 2 – 3 lần/ ngày để có hiệu quả làm sạch tốt nhất.
2.2. Điều chỉnh thói quen và chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống khoa học giúp không chỉ giúp tăng miễn dịch cho da mà còn giúp vết thương lành nhanh hơn. Ngoài ra, những thực phẩm tốt cũng giúp điều hòa hoạt động của hệ nội tiết, giảm tình trạng tăng tiết nhờn khiến mụn hình thành và phát triển.
Một số gợi ý trong khẩu phần ăn cho bệnh nhân sau nâng mũi gồm:
- Tăng cường thực phẩm bổ sung vitamin A và C giúp điều hòa nội tiết, tăng miễn dịch và tăng khả năng chống oxy hóa, giúp vết thương mau lành.
- Tăng cường bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là thực phẩm giàu protein giúp cung cấp nguyên liệu giúp cơ thể tăng tái tạo, phục hồi tổn thương.
- Uống nhiều nước ép củ quả tươi giúp bổ sung vitamin và tăng cường thải độc cho đường ruột và cơ thể.
- Hạn chế những thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và thức ăn quá ngọt vì có thể khiến viêm nặng hơn.
- Kiêng sử dụng các chế phẩm chứa chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá,….
Xem thêm: 12 mẹo chăm sóc da mụn từ bên trong không cần mỹ phẩm
2.3. Quản lý cảm xúc
Tâm lý căng thẳng khiến hệ nội tiết rối loạn, khiến mụn xuất hiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, hãy dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, giữ tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng mệt mỏi kéo dài. Một số gợi ý giúp bạn kiểm soát cảm xúc tốt hơn trong thời gian này như:
- Thường xuyên trò chuyện cùng bạn bè về những vấn đề mình lo lắng.
- Lựa chọn các bài tập phù hợp với sức khỏe như: ngồi thiền, hít thở, đi lại nhẹ nhàng,…
- Tránh thức quá khuya vì có thể khiến hệ thần kinh căng thẳng.
- Hạn chế việc “ngắm nghía” chiếc gương quá nhiều, đặc biệt trong thời điểm mới phẫu thuật xong.
- Dự trù và chuẩn bị tốt các khoản chi phí cần thiết cho phẫu thuật.
- Trao đổi và sắp xếp công việc để đảm bảo thời gian nghỉ ngơi sau phẫu thuật nâng mũi.
2.4. Sử dụng sản phẩm kiểm soát mụn
Trong những trường hợp mụn trứng cá khiến bạn thiếu tự tin, gây ảnh hưởng đến tâm trạng, hãy trò chuyện với bác sĩ để được chia sẻ liệu pháp tại chỗ hoặc toàn thân phù hợp. Tuy nhiên, đây là thời điểm nhạy cảm của cơ thể, bạn chỉ nên áp dụng các phương pháp điều trị sau khi được bác sĩ cho phép.
Nổi mụn sau phẫu thuật nâng mũi nếu không được xử lý đúng cách có thể để lại sẹo, vết thâm, làm mất nhiều thời gian và chi phí để phục hồi sau đó. Vậy nên, nếu gặp phải tình trạng này, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị để tìm được giải pháp tốt nhất.
Xem thêm: Các phương pháp khác trị mụn ở mũi
Tài liệu tham khảo:
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7515625/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6556745/