Mang theo tâm lý nặn mụn để có một làn da căng mịn sáng ngời nhưng không ít chị em rơi vào tình cảnh cứ đi nặn mụn về thì lại bị nổi mụn đầu trắng. Tình trạng này lặp đi lặp lại khiến làn da vốn đã nhiều mụn nay lại thêm hàng loạt vết thâm. Vậy, nguyên nhân nào khiến chị em gặp phải vấn đề này và làm sao để khắc phục? Câu trả lời sẽ có trong nội dung dưới đây.
Nội dung bài viết
Tại sao sau khi nặn mụn bị lên mụn đầu trắng?
Mụn đầu trắng là mụn trứng cá được hình thành từ sự tích tụ tế bào chết, bã nhờn và vi khuẩn. Loại mụn này thường có hình tròn, đầu trắng nhỏ hơi nhô lên bề mặt da. Mụn đầu trắng thường mọc thành những cụm nhỏ ở các vị trí như: má, cằm, mũi và trán. Cơ chế hình thành mụn đầu trắng tương tự như mụn đầu đen, tuy nhiên, điểm khác biệt là nhân mụn nằm phía dưới bề mặt lỗ chân lông đóng kín.
Mụn đầu trắng được xếp vào nhóm mụn không viêm, thường chỉ gây tổn thương nông trên bề mặt da, có thể để lại vết thâm nhưng không gây sẹo. Tuy nhiên, nếu nặn mụn không đúng cách, da có thể bị kích ứng, nhiễm trùng dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, khó hồi phục.
Quay trở lại câu hỏi: Tại sao sau khi nặn mụn về bị lên mụn đầu trắng? Trên thực tế, tình trạng này có thể xảy ra do một hoặc đồng thời nhiều nguyên nhân khác nhau, điển hình như:
Kỹ thuật nặn mụn sai
Hầu hết các cơ sở spa thẩm mỹ hiện nay đều cung cấp dịch vụ nặn mụn. Thế nhưng, không phải nhân viên của cơ sở nào cũng được đào tạo bài bản và giám sát thực hành kỹ lưỡng trước khi vào nghề. Trong khi đó, bản chất của kỹ thuật nặn mụn là một hoạt động xâm lấn bề mặt da. Vì vậy, khi kỹ thuật viên nặn mụn sai cách, xâm lấn quá nông hoặc quá sâu trên bề mặt da đều có thể dẫn đến:
- Sót nhân mụn: Phần nhân mụn còn lại tiếp tục gây tắc nghẽn lỗ chân lông và phát triển thành mụn đầu trắng.
- Tổn thương cấu trúc da: Gây ra các vết thương hở, làm ảnh hưởng đến hoạt động bài tiết của tuyến dầu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm, tắc nghẽn lỗ chân lông và phát triển thành mụn trứng cá.
Đọc thêm: Nặn mụn có nên nặn hết máu?
Dị ứng da
Hiện tượng kích ứng có thể xảy ra do da bị dị ứng với sản phẩm sử dụng trong quá trình nặn mụn hoặc bản chất làn da quá nhạy cảm, dễ bị kích ứng khi có tác động.
Về bản chất, phản ứng dị ứng là một phản ứng viêm. Vì vậy, hệ thống miễn dịch trên da ngay lập tức được khởi động nhằm loại bỏ các tác nhân gây dị ứng. Quá trình này có thể khiến da bị mẩn đỏ, phù nề, rối loạn hoạt động bài tiết dưới da dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông và phát triển các loại mụn đầu trắng.
Dùng kem trị mụn sai cách
Sau khi nặn mụn, sử dụng các loại kem trị mụn được xem là một bước bắt buộc trong quy trình điều trị mụn. Việc làm này nhằm mục đích ngăn nhiễm trùng, giúp hồi phục vết thương, kiểm soát dầu nhờn, từ đó ức chế quá trình hình thành nhân mụn mới.
Tuy nhiên, việc dùng các loại kem trị mụn cũng có thể gây phát triển mụn đầu trắng bởi những nguyên nhân sau:
- Sử dụng loại kem trị mụn không phù hợp với tính chất da. Ví dụ như, da nhờn nhưng lại dùng kem trị mụn của da khô dẫn đến dư ẩm, gây tắc nghẽn lỗ chân lông và hình thành mụn.
- Sử dụng kem trị mụn nhiều hơn mức cần thiết khiến lượng kem dư thừa tích tụ trong lỗ chân lông, cản trở quá trình bài tiết dầu nhờn, dẫn đến hình thành nhân mụn.
- Dùng kem trị mụn sai thời điểm (ví dụ như bôi kem trị mụn sau khi bôi kem chống nắng) khiến sản phẩm không phát huy được hết tác dụng mà còn tích tụ trên bề mặt da, gây mụn đầu trắng.
Có thể bạn quan tâm: Thoa kem trị mụn trước hay sau khi dùng toner?
Chăm sóc da sai cách
Nếu muốn có một làn da đẹp, chế độ chăm sóc da tại nhà thậm chí còn quan trọng hơn cả hoạt động nặn mụn tại các cơ sở thẩm mỹ. Đặc biệt, khi làn da đang bị tổn thương và rất nhạy cảm sau nặn mụn, các bước chăm sóc da lại càng quan trọng.
Một số sai lầm trong chăm sóc da sau nặn mụn có thể gây mụn đầu trắng như:
- Không tẩy trang cho da mỗi ngày khiến cặn mỹ phẩm, bã nhờn, bụi bẩn tích tụ trên da gây tắc nghẽn lỗ chân lông và tạo điều kiện cho mụn phát triển.
- Rửa mặt sai cách có thể tạo điều kiện cho bụi bẩn và vi khuẩn xâm nhập vào lỗ chân lông, phát triển thành nhân mụn.
- Không tẩy tế bào chết hàng tuần khiến tế bào chết kết hợp cùng bã nhờn trong nang lông hình thành nên nhân mụn.
- Không dưỡng ẩm đầy đủ cho da khiến da tăng tiết dầu nhờn, gây tắc nghẽn lỗ chân lông và hình thành mụn.
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc da không đảm bảo chất lượng hoặc không vệ sinh các dụng cụ trang điểm.
Lối sống thiếu khoa học
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra mụn đầu trắng là tình trạng rối loạn nội tiết. Trong khi đó, hoạt động nội tiết lại bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chế độ sinh hoạt, ăn uống hàng ngày. Điều này lý giải vì sao những người có lối sống thiếu khoa học dễ bị mụn đầu trắng.
Một số thói quen xấu làm tăng nguy cơ gây mụn đầu trắng phải kể đến như:
- Thường xuyên thức quá khuya.
- Không cân đối được thời gian làm việc và nghỉ ngơi khiến cơ thể luôn trong trạng thái căng thẳng.
- Có thói quen sử dụng các sản phẩm chứa chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá,…
- Chế độ ăn uống mất cân đối, ăn quá nhiều đồ cay, nhiều dầu mỡ, đường ngọt,…
- Thói quen ăn uống thất thường; hay bỏ bữa, ăn quá khuya, để bụng quá đói, ăn quá no,….
- Ít vận động, không thích ăn rau củ quả và không cung cấp đủ nước cho cơ thể.
Cách khắc phục mụn đầu trắng sau khi nặn mụn
So với các loại mụn khác, mụn đầu trắng được coi là loại mụn trứng cá nhẹ và dễ khắc phục hơn. Hầu hết trường hợp bị mụn đầu trắng đều có thể được cải thiện hoặc loại bỏ ở nhà khi được chăm sóc đúng cách. Dưới đây là hướng dẫn quy trình chi tiết để chị em có thể tham khảo:
Rửa mặt sạch sẽ
Theo nghiên cứu của Viện Da liễu Quốc gia Mỹ, rửa mặt hai lần một ngày có thể giảm đến 45% lượng dầu trên da. Vì vậy, bạn nhất định đừng quên rửa sạch mặt mỗi ngày. Theo Học viện da liễu Mỹ (AAD), sử dụng các loại sữa rửa mặt có thành phần benzoyl peroxide giúp kiểm soát và ngăn nguy cơ bùng phát mụn đầu trắng hiệu quả.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các sản phẩm chứa axit salicylic như một lựa chọn để ức chế quá trình hình thành mụn đầu trắng. Theo Tiến sĩ, bác sĩ da liễu Dhaval Bhanusali cho biết: “Axit salicylic là một chất tiêu sừng tuyệt vời, nó giúp loại bỏ các tế bào da chết dư thừa trên bề mặt da và nhẹ nhàng tẩy tế bào chết cho các lỗ chân lông bị tắc. Tôi thường cho những bệnh nhân bị mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình sử dụng 2 – 3 lần một tuần”.
Một số dòng sản phẩm có thể hiệu quả cho những làn da bị mụn đầu trắng như: Medik8 Clarifying Foam, sữa rửa mặt tạo bọt trị mụn CeraVe, sữa rửa mặt tạo bọt PanOxyl,…
Mặc dù rửa mặt sạch là điều cần thiết nhưng bạn cần lưu ý rằng không nên rửa mặt quá nhiều lần một ngày vì điều này có thể gây tổn hại đến hàng rào bảo vệ da, khiến da bị kích ứng, viêm nhiễm, ảnh hưởng đến kết cấu và tone màu da. Ngoài ra, bạn cũng nên dùng nước ấm, hoặc nước mát để rửa mắt để giúp da được cân bằng tốt nhất.
Xem thêm: Da mụn nên rửa mặt mấy lần một ngày?
Dùng kem trị mụn chuyên dụng
Sau khi rửa mặt xong, bạn hãy để da khô tự nhiên hoặc lau nhẹ bằng khăn mềm. Sau đó, hãy sử dụng các sản phẩm trị mụn chuyên dụng ngay thời điểm này để phát huy hiệu quả tốt nhất.
Một số sản phẩm trị mụn không kê đơn được khuyên dùng như: Gel điều trị mụn CeraVe Salicylic Acid, kem trị mụn La Roche Posay, gel trị mụn Dapsone,…
Một lưu ý nhỏ khi sử dụng sản phẩm trị mụn là tránh kết hợp retinol trong khi sử dụng những sản phẩm chứa benzoyl peroxide hoặc axit salicylic. Theo Tiến sĩ, bác sĩ da liễu Dendy Engelman: “Retinol và benzoyl peroxide có thể giúp trị mụn và ngăn ngừa sự hình thành vết thâm, nhưng khi được sử dụng đồng thời, chúng có thể chống lại lợi ích của nhau."
Để tận dụng lợi ích tối đa của các hoạt chất trị mụn, bạn có thể sử dụng các sản phẩm chứa benzoyl peroxide hoặc axit salicylic vào buổi sáng và dùng sản phẩm chứa retinol vào buổi tối. Điều này cũng giúp hạn chế được quá trình oxy hóa retinol, giúp hoạt chất này phát huy được tối đa tác dụng.
Sử dụng kem dưỡng ẩm
Nhiều người lo lắng rằng sử dụng kem giữ ẩm có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông, khiến mụn trứng cá trở nên nghiêm trọng hơn. Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Việc bổ sung kem dưỡng ẩm giúp cân bằng lượng dầu và nước trên da, ngăn tình trạng tăng tiết dầu, giúp kiểm soát da mụn tốt hơn.
Chỉ có một lưu ý nhỏ là bạn nên lựa chọn các loại kem dưỡng ẩm không chứa dầu. Điều này giúp hạn chế nguy cơ tắc nghẽn lỗ chân lông và ngăn mụn mới hình thành. Một số sản phẩm được nhiều người tin dùng như: Fresh Rituals Aloe Vera Moisturizer, Cetaphil Gentle Clear , Aveeno Clear Complexion,…..
Đừng quên chống nắng cho da
Sử dụng kem chống nắng là bước quan trọng giúp da chống lại tác hại của tia cực tím, giảm tổn thương da, ngăn quá trình tăng tiết dầu và giúp kiểm soát mụn tốt hơn. Tuy nhiên, điều này chỉ đạt được khi bạn chọn những sản phẩm không gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
Bạn nên chủ động bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài trời khoảng 30 phút, cách 4 tiếng bôi lặp lại một lần. Ngoài ra, bạn cũng nên chọn những kem chống nắng có thành phần niacinamide vì có hoạt chất tính chống viêm và giảm mẩn đỏ da hiệu quả.
Một vài thương hiệu kem chống nắng mà bạn có thể tham khảo như: EltaMD UV Clear Broad Spectrum, La Roche Anthelios SPF 60 Dry Touch Clear Skin,…
Đọc thêm: Tại sao nhiều người bị lên mụn khi dùng kem chống nắng?
Tẩy tế bào chết mỗi tuần
Tẩy da chết là phương pháp hiệu quả giúp loại bỏ tế bào chết tích tụ trên da, qua đó giảm nguy cơ tắc nghẽn lỗ chân lông, giúp khắc phục và ngăn ngừa hình thành mụn đầu trắng. Tuy nhiên, việc tẩy tế bào chết quá nhiều lại có thể gây tổn thương hàng rào bảo vệ, khiến da bị kích ứng và nổi mụn nhiều hơn.
Bạn chỉ nên tẩy da chết khoảng 1 – 2 lần/ tuần, tùy theo tính chất da hiện tại. Một số sản phẩm tẩy tế bào chết được khuyên dùng cho da có mụn đầu trắng như: Beauty bay 2% salicylic acid & azelaic acid, Carbon theory breakout control cleansing pads, Freck cactus water lactic acid toner,…
Hầu hết các chuyên gia đều khuyên bạn không nên nặn mụn trừ trường hợp mụn trứng cá quá nghiêm trọng cần được loại bỏ cồi mụn trước khi áp dụng các biện pháp điều trị và phục hồi da. Nếu bắt buộc phải thực hiện điều này, bạn cần lưu ý những điều sau đây để phòng ngừa mụn đầu trắng xuất hiện sau khi nặn mụn:
Lựa chọn cơ sở uy tín
Bạn chỉ nên thực hiện nặn mụn ở những cơ sở y tế chuyên về da liễu hoặc thẩm mỹ để đảm bảo các yếu tố như: trình độ kỹ thuật viên, quy trình nặn mụn, chất lượng sản phẩm và khâu vệ sinh thiết bị dùng trên da. Điều này giúp giảm nguy cơ tổn thương, kích ứng hoặc nhiễm trùng da dẫn đến mọc mụn đầu trắng sau khi nặn mụn.
Hạn chế tự nặn mụn tại nhà
Không phải ai cũng hiểu rõ về tình trạng mụn và làn da của chính mình. Vì vậy, việc nặn mụn ở nhà có thể khiến bạn tự làm tổn thương làn da của mình. Mặt khác, kỹ thuật nặn mụn sai, môi trường không đảm bảo vệ sinh và dụng cụ thiết bị không đạt tiêu chuẩn có thể dẫn đến viêm, nhiễm trùng và khiến mụn bùng phát nghiêm trọng hơn.
Nếu bắt buộc phải nặn mụn tại nhà, bạn cần chú ý vệ sinh da, tay và dụng cụ nặn mụn sạch sẽ trước khi thực hiện. Bên cạnh đó, cần chú ý lựa chọn những loại dụng cụ chất lượng tốt, được thiết kế riêng cho việc nặn mụn giúp hỗ trợ quá trình lấy nhân mụn dễ dàng hơn. Bạn có thể tham khảo các dụng cụ nặn mụn như: JPNK Blackhead Remover Tools, The Body Shop Blackhead Remover, Etude House,...
Giữ vệ sinh sạch sẽ
Hãy chắc chắn rằng làn da của bạn đang được bảo vệ tốt nhất, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những yếu tố gây dị ứng, viêm hay nhiễm trùng. Một số lời khuyên cho bạn gồm:
- Tránh chạm tay lên mặt vì thói quen này có thể đưa vi khuẩn lên vùng da đang tổn thương, khiến mụn phát triển mạnh hơn.
- Thường xuyên vệ sinh các vật dụng cá nhân như: khăn mặt, chăn, ga, gối, dụng cụ trang điểm,....
- Vệ sinh không gian sống sạch sẽ nhằm loại bỏ các tác nhân có hại cho da như: bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc,...
- Tránh để da tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, hóa chất,...
Điều chỉnh chế độ ăn
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp ổn định nội tiết qua đó kiểm soát tốt hoạt động của tuyến bã nhờn dưới da, ngăn ngừa nhân mụn phát triển. Mặt khác, những thực phẩm tốt cũng cung cấp các chất chống oxy hóa, giúp loại bỏ các gốc tự do. Điều này giúp tăng cường bảo vệ da và phục hồi các tổn thương sau nặn mụn tốt hơn.
Những loại thực phẩm được gợi ý bổ sung trong chế độ ăn của người bị mụn gồm:
- Thực phẩm giàu vitamin A như: cà rốt, dưa hấu, khoai lang, cà chua, súp lơ xanh, cải xoăn, xà lách, bí đao,...
- Thực phẩm giàu vitamin C như: ổi, kiwi, dâu tây, súp lơ, cần tây, ớt chuông, cam quýt, dưa lưới,...
- Thực phẩm giàu vitamin E như: hạnh nhân, đậu phộng, cải bó xôi, măng tây, bí đỏ, quả bơ,...
- Thực phẩm giàu kẽm như: hàu, hến, cua, sò, các loại đậu, sữa, trứng, các loại hạt khô,...
- Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể, tối thiểu là 1.5 - 2 lít nước/ ngày.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt tốt có thể đem lại nhiều lợi ích cho làn da sau nặn mụn như: điều hòa hoạt động nội tiết trong cơ thể, hạn chế tình trạng tăng tiết dầu, kích thích tuần hoàn máu nuôi da, giúp da phục hồi nhanh và phòng ngừa mụn đầu trắng xuất hiện.
Một số lời khuyên dành cho bạn gồm:
- Đi ngủ và thức dậy đúng giờ nhằm ngủ đủ giấc và ngủ ngon.
- Dành thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng quá mức.
- Tập thể dục đều đặn khoảng 30 phút/ ngày để kích hoạt hệ tuần hoàn toàn cơ thể, bao gồm cả tuần hoàn dưới da.
- Massage da mỗi ngày giúp thư giãn và tăng tuần hoàn nuôi dưỡng da, tăng loại bỏ bã nhờn trên da.
Điều trị mụn là cả quá trình đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ trong suốt thời gian thực hiện. Vì vậy, bạn cần hiểu rõ mục tiêu trong từng giai đoạn điều trị, tránh tâm lý nóng vội dẫn đến những sai lầm như nổi mụn đầu trắng sau khi nặn mụn. Hy vọng những nội dung trong bài viết hôm nay đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này và lựa chọn được cách khắc phục hiệu quả, sớm tìm lại được làn da mịn màng, rạng rỡ.