Nhắc đến mụn nội tiết là nhắc đến hình ảnh của những “cục mụn” 3 siêu: siêu sâu – siêu đỏ – siêu đau. Tệ hơn là chúng thường kéo dài rất dai dẳng. “Cuộc gặp không mong đợi” giữa bạn và mụn nội tiết có thể kéo dài từ khi mới bước vào tuổi dậy thì cho đến thời kỳ tiền mãn kinh. Vậy, làm thế nào để kiểm soát mụn nội tiết hiệu quả? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết hôm nay!
Nội dung bài viết
1. Mụn nội tiết là gì?
Mụn nội tiết (hay mụn trứng cá nội tiết tố) là loại mụn hình thành do sự dao động của nội tiết tố. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở phụ nữ và thường được biểu hiện bởi tình trạng “nổi mụn theo chu kỳ”.
Thông thường, mụn trứng cá nội tiết tố thường xuất hiện vào thời kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai, sau sinh hoặc giai đoạn mãn kinh.
Bạn có thể nhận biết mụn trứng cá nội tiết tố dựa trên một số đặc điểm sau đây:
Vị trí xuất hiện
Ở tuổi dậy thì, mụn thường xuất hiện ở vùng chữ T, bao gồm: trán, mũi và cằm. Ở tuổi trưởng thành, mụn chủ yếu xuất hiện ở 1/3 mặt dưới, tập trung ở cằm và quai hàm. Ngoài ra, một số người có thể bị nổi mụn ở ngực, lưng và vai.
Đặc điểm mụn
Mụn nội tiết có nhiều dạng khác nhau, được phân loại dựa trên mức độ từ nhẹ đến trung bình, cụ thể:
- Mức độ nhẹ: Được xác định khi số lượng nhân mụn nhỏ hơn 20, số lượng tổn thương viêm nhỏ hơn 15 hoặc tổng thương tổn do mụn không vượt quá 30. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy trường hợp này chủ yếu là mụn đầu đầu đen và đầu trắng.
- Mức độ vừa: Được xác định khi tổng số nhân mụn trong khoảng 30 – 125, số lượng tổn thương viêm khoảng 20 – 100 hoặc tổng thương tổn dao động từ 15 – 50. Trường hợp này, mụn viêm và mụn không viêm tương đương nhau.
- Mức độ nặng: Xác định khi các tổn thương viêm lan rộng, khó xác định số lượng. Có nhiều mụn u nang hình thành sâu dưới da, không có đầu mụn trên bề mặt da, đỏ tấy, đau nhức và chạm vào thấy mụn mềm.
2. Mụn nội tiết xảy ra như thế nào?
Cơ chế hình thành mụn trứng cá thường liên quan đến tình trạng sản xuất quá mức dầu nhờn, sừng hóa nang lông bất thường và vi khuẩn P. acnes.
Quá trình này thường bắt đầu bằng sự tăng tiết bã nhờn quá mức khiến dầu thừa kết hợp với tế bào sừng hình thành nhân mụn trong nang lông. Nhân mụn hình thành tạo điều kiện cho vi khuẩn P.acne sống kỳ sinh tại đây. P.acne có khả năng tiết ra các enzyme lipase và protease gây phá vỡ và phân hủy thành nang lông, dẫn đến hàng loạt các phản ứng viêm và giải phóng các chất trung gian tiền viêm vào da. Hệ quả là mụn trứng cá bùng phát.
Ở người bị mụn trứng cá nội tiết, các rối loạn hormone đóng vai trò thúc đẩy hoạt động sản xuất bã nhờn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và khiến mụn bùng phát. Những yếu tố nội tiết gây mụn trứng cá gồm có:
Androgen: Là nguyên nhân gây mụn nội tiết ở cả nam và nữ trong độ tuổi dậy thì. Sự tăng tiết androgen khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ, khiến lượng dầu nhờn tiết ra quá mức dẫn đến bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn.
Progesterone: Ức chế 5α-reductase cần thiết để chuyển đổi testosterone thành DHT mạnh hơn. Kinh nguyệt bùng phát và tiết bã nhờn là do progesterone có các thụ thể chỉ được biểu hiện trong các tế bào sừng biểu bì đáy
Insulin và yếu tố tăng trưởng giống insulin-1: Kích thích sự phát triển và trưởng thành của các tuyến bã nhờn. Hơn nữa, insulin còn ảnh hưởng tích cực đến quá trình sản xuất androgenesis tuyến thượng thận và buồng trứng. Đây là những tác nhân hình thành mụn nội tiết.
CRH: Gây kích thích sản xuất dầu nhờn bằng cách tăng cường sinh khả dụng androgen và kích thích dehydroepiandrosterone (DHEA) chuyển hóa thành thành testosterone. Mặt khác, hormone này còn có thể chuyển hóa thành proopiomelanocortin rồi chuyển đổi thành ACTH kích thích hình thành tế bào hắc tố trên da.
Glucocorticoid: Làm tăng sự bùng phát mụn trứng cá thông qua việc tăng biểu hiện gen của thụ thể Toll-like 2 và giải phóng thêm các chất trung gian tiền viêm
ACTH: Gây kích thích sản xuất bã nhờn, kích thích hình thành tế bào hắc tố trên da
GH: Kích hoạt sự biệt hóa của các tế bào huyết thanh và kích thích sự chuyển đổi testosterone thành DHT bởi 5α-reductase khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn gấp nhiều lần.
LH: Nội tiết tố androgen được tiết ra bởi buồng trứng, kích thích tuyến bã nhờn tăng sản xuất.
Prolactin: Làm tăng nội tiết tố androgen tuyến thượng thận, góp phần hình thành nhanh chóng mụn trứng cá.
3. Nguyên nhân gây mụn nội tiết
Mụn nội tiết thường xảy ra khi có sự dao động nội tiết tố trong cơ thể. Do đó, những yếu tố gây rối loạn nội tiết được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
3.1. Dậy thì
Androgen là tên gọi chung của các “hormone nam”, bao gồm: testosterone, dehydroepiandrosterone sulphate (DHEAS) , dehydroepiandrosterone (DHEA) và androstenedione (A). Tuy nhiên, ngoài testosterone, những hormone còn lại chỉ tạo ra hoạt tính khi được chuyển hóa thành Testosterone hoặc Dihydrotestosterone.
Những hormone này được sản xuất ở cả nam và nữ trong giai đoạn dậy thì nhằm mục đích tăng cường xương và cơ bắp, mang lại ham muốn tình dục lành mạnh và điều hòa chu kinh nguyệt. Tuy nhiên, sự “cường androgen” bất thường trong giai đoạn này lại kích thích tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, gây tăng tiết dầu và dẫn đến nổi mụn.
3.2. Chu kỳ kinh nguyệt
Nổi mụn trứng cá tiền kinh nguyệt là tình trạng phổ biến ở chị em phụ nữ. Nguyên nhân của tình trạng này là sự dao động hormone trước chu kỳ kinh nguyệt.
Cụ thể, nồng độ estrogen và progesterone sẽ bắt đầu giảm xuống khoảng 1 tuần trước khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Trong khi đó, nồng độ testosterone không đổi, khiến nó trở thành hormone chi phối trong kỳ kinh nguyệt của bạn. Điều này có thể kích thích tuyến bã nhờn tiết dầu nhiều hơn, gây bít tắc lỗ chân lông và nổi mụn.
3.3. Thời kỳ mãn kinh
Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ hormone estrogen trong cơ thể phụ nữ có xu hướng giảm dần. Ngược lại, các androgen lại có xu hướng tăng lên. Điều này gây rối loạn hoạt động của tuyến bã nhờn và trở thành nguyên nhân gây ra mụn trứng cá nội tiết tố.
3.4. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Hội chứng buồng trứng đa nang thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
PCOS xảy ra khi lượng nội tiết tố androgen cao ngăn cản việc sản xuất estrogen và progesterone. Điều này làm tăng tiết dầu, khiến da nhờn hơn và gây ra mụn trứng cá nội tiết tố.
Ngoài ra, hội chứng buồng trứng đa nang còn gây rối loạn kinh nguyệt và ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của nữ giới.
3.5. Nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên trên, các chuyên gia cho biết một số yếu tố thúc đẩy rối loạn nội tiết cũng có thể khiến mụn nội tiết xuất hiện. Thường gặp như:
- Sử dụng các biện pháp can thiệp nội tiết như uống thuốc tránh thai, tiêm hormone, cấy que tránh thai, đặt vòng tránh thai,…
- Chế độ ăn thiếu khoa học, quá nhiều đường, dầu mỡ hay đồ cay nóng
- Thường xuyên bị căng thẳng kéo dài, thiếu ngủ.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như lithium, vắc xin covid,…
Hỏi đáp: Tại sao bị mọc mụn sau khi phẫu thuật nâng mũi?
4. Làm thế nào để chẩn đoán mụn nội tiết?
Để đưa ra chẩn đoán mụn nội tiết, bạn cần trải qua các bước khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng.
4.1. Khám lâm sàng
Thăm khám lâm sàng giúp bác sĩ xác định những yếu tố liên quan đến mụn nội tiết đang tồn tại, cụ thể:
- Vị trí mọc mụn: Chủ yếu ở cằm, quai hàm, trước ngực và sau lưng.
- Thời điểm mọc mụn: Thường trước chu kỳ kinh nguyệt, khi stress, trong thai kỳ hay giai đoạn tiền mãn kinh.
- Tính chất mụn: Đa số là mụn ẩn, mụn nang sưng đỏ.
- Yếu tố tác động nội tiết: Đang uống thuốc hay dùng các biện pháp tránh thai, uống thuốc nội tiết.
Sau khi quan sát và trao đổi với bạn về những vấn đề này, bác sĩ có thể định hướng sơ bộ xem mụn trứng cá của bạn có phải do rối loạn nội tiết gây ra hay không, từ đó chỉ định những xét nghiệm cần thiết.
4.2. Khám cận lâm sàng
Để chẩn đoán mụn nội tiết, các bác sĩ thường chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm nội tiết, cụ thể:
- Nồng độ testosterone (tự do và toàn phần): Tăng không quá 200 ng/ dL thể hiện cho rối loạn chức năng tại buồng trứng hoặc tuyến thượng thận.
- Nồng độ DHEA: Lớn hơn 4.000 ng/ dL có thể là dấu hiệu của tăng sản tuyến thượng thận.
- Nồng độ SHBG: Thấp hơn mức tiêu chuẩn dẫn đến dư thừa testosterone tự do.
- 17-Hydroxyprogesterone: Tăng hơn mức tiêu chuẩn (> 200 ng / dL) thường xuất hiện trong tăng sản thượng thận.
- Tỉ lệ LH – FSH: Vượt quá 2 lần là dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang.
- Cortisol huyết thanh: Tăng cao có thể là dấu hiệu của u tuyến thượng thận.
Tất cả những chỉ số bất thường trên đều có thể dẫn đến rối loạn nội tiết tố dẫn đến mọc mụn trứng cá. Ngoài ra, bác sĩ có thể tiến hành soi da để xác định sự tồn tại của nấm và vi khuẩn hay sinh thiết da để kiểm tra sự xuất hiện của những tế bào bất thường.
5. Phương pháp điều trị mụn nội tiết hiệu quả
Để điều trị mụn nội tiết, bạn cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.
5.1. Dùng thuốc
Các bác sĩ cho biết, đa số trường hợp mụn nội tiết đều là dạng mụn nang, hình thành sâu dưới da. Do đó, các loại thuốc điều trị tại chỗ thường không hiệu quả.
Muốn trị mụn hiệu quả, bạn cần sử dụng các loại thuốc uống có khả năng cân bằng nội tiết và điều chỉnh những rối loạn trên da. Phổ biến nhất là: thuốc tránh thai và thuốc kháng androgen.
Thuốc tránh thai kết hợp
Các thuốc tránh thai kết hợp estrogen và progestin gây ức chế giải phóng LH / FSH, ngăn cản trứng rụng và giảm sản xuất androgen liên quan đến LH.
Hầu hết các thuốc tránh thai đều sử dụng estrogen là ethinyl estradiol (hiếm khi là mestranol) kết hợp cùng với các progestin có đặc tính sinh androgen thấp (norgestimate và desogestrel) hoặc không có đặc tính androgen (CPA, chlormadinone và drospirenone)
Những tác dụng của thuốc tránh thai trong điều trị mụn nội tiết bao gồm:
- Ức chế tiết gonadotropins của tuyến yên, ức chế sự rụng trứng và do đó ức chế sản xuất androgen của buồng trứng.
- Ngăn chặn thụ thể androgen
- Tăng sản xuất SHBG của gan và giảm testosterone tuần hoàn.
- Ngăn chặn 5α-reductase từ đó ức chế sự hình thành các nội tiết tố androgen mạnh.
Thuốc tránh thai kết hợp là phương pháp điều trị thường được chỉ định cho phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
Việc lựa chọn thành phần phối hợp trong thuốc tránh thai rất quan trọng vì một số thuốc chứa progestin gây androgen nhiều hơn (levonorgestrel và norgestrel) có thể khiến mụn bùng phát. Ngược lại, những thuốc kết hợp progestin thế hệ thứ ba ít gây androgen hơn (norgestimate, pregodene và desogestrel).
☛ Đọc thêm về: Thuốc đặc trị mụn ẩn
Thuốc kháng androgen
Thuốc kháng androgen hoạt động bằng cách giảm nội tiết tố nam androgen, từ đó, giải quyết tình trạng tăng tiết dầu trên da, gây mụn trứng cá.
Nhóm thuốc này thường bao gồm các hoạt chất:
– Spironolactone: Có khả năng ức chế hình thành testosterone, giảm hình thành hormone DHT, tăng mức SHBG dẫn đến giảm nồng độ testosterone trong máu. Liều thông thường để điều trị mụn trứng cá là 50 – 200 mg/ ngày.
– Cyproterone acetate (CPA): Là một chất kháng androgen và progestin gây ức chế sự hình thành androstenedione từ DHEA. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người bị mụn nội tiết đáp ứng tốt với CPA chiếm từ 75 – 90%, ở liều 50 – 100mg/ ngày trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 10 của chu kỳ kinh nguyệt.
– Flutamide: Can thiệp vào việc gắn DHT với các thụ thể, làm tăng sự phân hủy testosterone hoạt động thành các chất chuyển hóa không hoạt động. Liều dùng phổ biến dao động từ 62,5 – 500 mg/ ngày.
Retinoids
Retinoids đường uống thường được chỉ định cho các trường hợp mụn nội tiết nặng, thường gặp nhất là isotretinoin. Thuốc hoạt động bằng cách kiểm soát hoạt động của tuyến bã nhờn, ngăn cản quá trình hình thành nhân mụn. Ngoài ra, isotretinoin cũng có tác dụng chống viêm và ngăn lão hóa da hiệu quả.
Thông thường, người bị mụn nội tiết cần tiến hành điều trị liên tục trong 16 – 20 tuần với isotretinoin.
Loại thuốc này được cho là hiệu quả với mọi loại mụn trứng cá ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, thuốc có thể gây quái thai nên khi uống thuốc, bạn cần áp dụng các biện pháp tránh thai và ngưng thuốc ít nhất 1 tháng trước khi có kế hoạch mang thai.
Liều dùng khởi đầu của isotretinoin thường là 0.5 – 1mg/ kg/ ngày. Bạn cần dùng thuốc liên tục cho đến khi đạt liều tích lũy từ 120 – 150mg/ kg để hạn chế mụn tái phát trở lại.
Đọc thêm: Đang trị mụn bằng Isotretinoin có uống dầu hoa anh thảo được không?
Thuốc Corticosteroid
Corticosteroid đường uống khi dùng ở liều cao có thể hạn chế các biểu hiện viêm của mụn nội tiết. Trong khi đó, steroid đường uống liều thấp giúp ức chế hoạt động của tuyến thượng thận (ở người bị tăng hoạt động tuyến thượng thận).
Cụ thể, khi dùng prednisone liều thấp (2,5 – 5 mg) hoặc dexamethasone liều thấp (0,25 – 0,75 mg) một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ có thể giúp ngăn quá trình sản xuất ACTH, khiến cho nồng độ của ACTH không thể đạt đỉnh vào buổi sáng sớm. Điều này ức chế hình thành androgen, dẫn đến giảm các rối loạn trên da gây mụn trứng cá.
Xem thêm: Uống thuốc trị mụn có tác động tới khả năng sinh sản?
5.2. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao có thể kích thích giải phóng insulin và sản xuất dư thừa androgen. Điều này gây rối loạn hoạt động của tuyến bã nhờn, dẫn đến dầu nhờn dư thừa gây tắc lỗ chân lông và hình thành mụn.
Bởi vậy, bạn nên hạn chế những thực phẩm sau khi bị mụn nội tiết:
- Thực phẩm nhiều đường: bánh, kẹo, nước ngọt,…
- Sữa và các sản phẩm từ sữa
- Thực phẩm carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như bánh mì trắng và mì ống
- Các loại thịt đỏ
Bên cạnh đó, bạn nên chú ý bổ sung những thực phẩm giàu omega – 3 có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa để tăng cường khả năng kiểm soát mụn. Điển hình như: cá thu, cá hồi, cá mòi, cá trích, hạt óc chó, hạt lanh, hạt chia,….
5.3. Thay đổi thói quen sinh hoạt
Lối sống khoa học góp phần điều hòa rối loạn nội tiết, giúp tăng hiệu quả kiểm soát mụn trứng cá. Một số gợi ý được các bác sĩ da liễu đề xuất gồm:
- Thường xuyên tập luyện: Giúp tăng cường tuần hoàn, thúc đẩy quá trình đào thải độc tố trong da, khiến da khỏe mạnh tự nhiên.
- Ngủ đủ giấc: Giúp cơ thể tái tạo các mô tổn thương tốt hơn, đồng thời ổn định các hoạt động nội tiết trong cơ thể.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Làm giảm căng thẳng, từ đó giảm phản ứng viêm và ngăn rối loạn nội tiết.
☛ Xem chi tiết: Những cách trị mụn từ bên trong không cần mỹ phẩm
6. Lưu ý trong quá trình điều trị mụn nội tiết
Để việc điều trị mụn nội tiết đạt hiệu quả cao nhất, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Tuân thủ đúng chỉ định: Bao gồm hướng dẫn chăm sóc da và sử dụng thuốc như: liều dùng, cách dùng, thời gian và thời điểm sử dụng. Điều này giúp bạn hạn chế được tác dụng phụ và giảm thiểu nguy cơ mụn tái phát.
- Không tự ý kết hợp điều trị: Nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ, bạn không nên tự ý kết hợp thuốc hay bất kỳ biện pháp điều trị tại chỗ nào trên da. Điều này có thể gây tương tác thuốc, kích ứng da khiến mụn trở nên tồi tệ hơn.
- Giữ thái độ bình tĩnh: Trường hợp mụn nặng, bạn có thể phải mất đến vài tháng mới thấy được hiệu quả điều trị. Do đó, hãy giữ tư tưởng thoải mái và tin tưởng vào phác đồ điều trị được bác sĩ hướng dẫn.
- Tái khám đúng hẹn: Ngay cả khi bạn không còn nhìn thấy mụn bằng mắt thường, hãy duy trì việc tái khám đúng hẹn để bác sĩ xác định chính xác thời điểm bạn có thể kết thúc trị liệu chuyên khoa.
7. Cách chăm sóc da khi bị mụn nội tiết
Chăm sóc đúng cách không chỉ giúp cải thiện mụn nội tiết mà còn giúp da khỏe lên. Dưới đây là những hướng dẫn cụ thể cho bạn.
7.1. Làm sạch da
Làm sạch da giúp loại bỏ vi khuẩn và bụi bẩn trên da, ngăn chúng tích tụ trong lỗ chân lông, gây mụn. Các bước làm sạch da gồm có:
- Tẩy trang: Bạn nên tẩy trang ngay cả khi chỉ dùng sản phẩm dưỡng da và kem chống nắng. Nước tẩy trang giúp làm sạch sâu trong lỗ chân lông, ngăn hình thành nhân mụn.
- Rửa mặt: Hãy rửa mặt vào hai buổi sáng – tối và sau khi đổ mồ hôi.
Trong quá trình làm sạch da, bạn cần thao tác nhẹ nhàng, tránh chà xát gây tổn thương da. Bên cạnh đó, bạn nên chọn những sản phẩm dịu nhẹ, phù hợp với tính chất da của mình để có được hiệu quả tốt nhất.
7.2. Chăm sóc da
Nhiều người có suy nghĩ rằng da mụn thì không nên dưỡng để tránh bít tắc lỗ chân lông. Thế nhưng thực tế không phải vậy, da thiếu ẩm sẽ tăng tiết dầu và khiến mụn mọc nhiều hơn. Do đó, hãy duy trì các bước chăm sóc da cơ bản, thường gồm:
- Dưỡng ẩm: Da mụn nên lựa chọn những sản phẩm dưỡng ẩm gốc nước giúp thấm nhanh vào da, hạn chế nguy cơ bít tắc lỗ chân lông.
- Dùng sản phẩm trị mụn: Nên dùng một lượng dùng không vượt quá hạt đậu để tránh gây kích ứng.
7.3. Bảo vệ da
Việc dùng thuốc điều trị mụn nội tiết có thể khiến da nhạy cảm với ánh nắng. Do đó, bạn cần lựa chọn kem chống nắng phù hợp với loại da của mình và sử dụng đều đặn mỗi ngày.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cân nhắc sử dụng những sản phẩm giúp bảo vệ da từ bên trong, điển hình như viên uống Oeneva. Đây là sản phẩm của Dược phẩm Tuệ Linh giúp bổ sung các thành phần như:
- Tinh dầu hoa anh thảo: Giúp điều hòa nội tiết, ngăn mụn trứng cá
- Vitamin E: Dưỡng ẩm, tăng tái tạo da, hạn chế dấu hiệu lão hóa
- Dầu hạt lanh: Giàu Omega – 3 giúp chống viêm, hạn chế tình trạng sưng viêm của mụn nội tiết.
- Acid alpha lipoic: Chống oxy hóa, bảo vệ da trước gốc tự do và các tác nhân oxy hóa từ môi trường.
Xem thêm: Viên uống Oeneva có giá bao nhiêu, mua ở địa chỉ nào?
Trên đây là bài viết về cách trị mụn nội tiết. Hy vọng những chia sẻ này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng da của mình và có biện pháp điều trị phù hợp.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/hormonal-acne
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21792-hormonal-acne
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/313084
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5015761/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2923944/
- https://www.midlandskin.co.uk/hormonal-acne/