Hầu hết những người bị mụn đều đã từng được ai đó “mách nước” hoặc đọc trên mạng về một vài nguyên liệu trị mụn đơn giản tại nhà. Thế nhưng có bao nhiêu cách chữa thực sự an toàn và đem lại hiệu quả? Hãy cùng bài viết hôm nay điểm lại những cách trị mụn tại nhà đang được nhiều người ưa chuộng nhất.
9 cách trị mụn tại nhà nhiều người áp dụng
Tưởng chừng hiệu quả nhưng những 9 cách trị mụn phổ biến dưới đây không thật sự thần kỳ như những điều bạn mong đợi. Hãy cùng phân tích chi tiết nhé
Chườm đá lạnh
Theo nhiều phân tích, nhiệt độ thấp của đá có thể hạn chế hoạt động của phản ứng viêm, từ đó giảm mức độ nghiêm trọng của các loại mụn viêm, sưng đỏ. Hơn nữa, nhiệt độ lạnh của đá cũng góp phần thu gọn kích thước của lỗ chân lông, ngăn tình trạng tiết dầu quá mức.
Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần:
- Bọc một vài viên đá sạch vào trong khăn sạch.
- Nhẹ nhàng di chuyển đá quanh vùng mụn viêm trong khoảng 5 – 10 phút.
- Rửa mặt và dưỡng da như bình thường.
Sai lầm: Theo các chuyên gia, đá lạnh tiếp xúc với da nhạy cảm, đang tổn thương bởi mụn có thể khiến các vết thương này nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, sau khi kết thúc chườm, kích thước của lỗ chân lông sẽ trở về như cũ nên không thể gây ra ảnh hưởng với hoạt động tiết dầu.
Vậy nên, cách này không phù hợp với những làn da nhạy cảm hay có nhiều vết thương hở do mụn. Bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ trước khi áp dụng.
Xông mặt
Cơ chế hoạt động của phương pháp này là dựa trên nhiệt nóng làm giãn nở lỗ chân lông, giúp việc đào thải bã nhờn diễn ra thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, có thể kết hợp thêm các loại tinh dầu để tạo ra tác dụng chống viêm, trị mụn.
Cách thực hiện như sau:
- Đổ nước nóng vào chậu rửa mặt, sau đó nhỏ thêm vài giọt tinh dầu.
- Từ từ đưa mặt lại gần chậu, giữ khoảng cách khoảng 15 – 20cm.
- Dùng khăn tắm trùm kín đầu để hơi nước bốc lên mặt trong khoảng 10 – 15 phút.
Sai lầm: Thực tế cho thấy, phương pháp này giúp ích cho việc làm sạch lỗ chân lông. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt nhiệt độ của nước và khoảng cách, bạn có thể bị bỏng hoặc bỏng rát da mặt.
Ngoài ra, nhiệt nóng cũng kích thích tuần hoàn máu, làm tăng phản ứng viêm. Do đó, những người có mụn viêm như: mụn bọc, mụn mủ, mụn nang không nên áp dụng phương pháp này.
Nước cốt chanh
Sở dĩ nước cốt chanh được khuyến khích đắp lên mặt bởi có tính kháng khuẩn, giúp kiểm soát mụn. Nhiều người cũng tin rằng, vitamin C trong nước chanh giúp cải thiện độ sáng của da và làm mờ vết thâm.
Cách thực hiện như sau:
- Cắt một trái chanh tươi sau đó vắt toàn bộ nước cốt vào một chén sạch.
- Thoa nhẹ nhàng phần nước cốt chanh lên vùng da có mụn.
- Để qua đêm và rửa sạch mặt vào sáng hôm sau.
Sai lầm: Mặc dù được rất nhiều người áp dụng những phương pháp này lại không được chuyên gia da liễu ủng hộ. Lý do là nước cốt chanh có tính acid có thể gây đau, khô da và kích thích vùng da đang tổn thương do mụn. Hơn nữa, sử dụng chanh cũng khiến da bạn mỏng và nhạy cảm hơn với ánh sáng. Vậy nên, đây không phải là lựa chọn tốt để trị mụn.
☛ Tìm hiểu đầy đủ: Cánh báo 7 cách trị mụn đầu đen sai lầm bằng chanh
Đắp tỏi tươi
Nguyên liệu này được tin tưởng có khả năng trị mụn bởi hoạt tính kháng sinh, ức chế hoạt động của vi khuẩn gây mụn. Nhiều người cũng tin rằng, đắp tỏi tươi lên các đốm mụn giúp chống viêm, ngăn mụn phát triển.
Cách thực hiện như sau:
- Đầu tiên, bạn cần rửa sạch mặt và đợi da khô.
- Cắt một vài lát tỏi tươi, sau đó đắp trực tiếp lên các đốm mụn.
- Giữ nguyên trong khoảng 3 – 5 phút rồi rửa lại mặt cùng nước ấm.
Sai lầm: Tỏi tươi có thể gây bị bỏng rát, thậm chí là bỏng nhẹ khi đắp trực tiếp lên da. Phương pháp này thậm chí có thể khiến làn da của bạn tổn thương nghiêm trọng và mất nhiều thời gian phục hồi hơn. Do đó, bạn tuyệt đối không nên áp dụng.
Baking Soda
Baking Soda là nguyên liệu phổ biến trong bếp. Trong một số bài viết trị mụn chia sẻ, loại nguyên liệu này có khả năng chống viêm, giảm tiết dầu và cải thiện tình trạng mụn.
Cách dùng như sau:
- Trộn baking soda với nước lọc và nước cốt chanh theo tỷ lệ 2:2:1 để thu được hỗn hợp sền sệt.
- Thoa một lớp mỏng hỗn hợp thu được lên vùng da bị mụn.
- Để khoảng 15 phút cho lớp mặt nạ khô đi.
- Rửa lại mặt với nước mát.
Sai lầm: Mặc dù được phổ cập rất rộng rãi nhưng các bác sĩ da liễu cho biết chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả của phương pháp này. Ngoài ra, baking soda có độ kiềm khá cao, có thể khiến da bị khô hoặc châm chích. Bởi vậy, phương pháp này cũng không thích hợp để trị mụn.
Kem đánh răng
Phương pháp trị mụn bằng kem đánh răng được lý giải rằng thành phần kẽm có khả năng kháng khuẩn, chống viêm và giúp làm lành vết thương nhanh hơn.
Cách thực hiện như sau:
- Đầu tiên, bạn cần làm sạch vùng da mụn.
- Lấy một ít kem đánh răng, chấm lên các đầu mụn.
- Đợi kem đánh răng khô khô trong khoảng 10 – 15 phút.
- Rửa sạch mặt với nước ấm
Sai lầm: Nhận xét về phương pháp này, nhiều chuyên gia cho biết, chưa có bất kỳ nghiên cứu hay thống kê nào về hiệu quả trị mụn của kem đánh răng. Bên cạnh đó, kết cấu của kem đánh răng không được tạo ra để thoa trên da. Do đó, sản phẩm này dễ gây bít tắc lỗ chân lông, khiến mụn trở nên nghiêm trọng hơn.
☛ Có thể bạn quan tâm: Làm trắng da tay bằng kem đánh răng có thực sự hiệu quả?
Đắp dầu dừa
Dầu dừa được sử dụng như một nguyên liệu trị mụn tự nhiên nhờ khả năng kháng khuẩn, chống viêm của các chuỗi acid béo trung bình. Ngoài ra, dầu dừa cũng giúp dưỡng ẩm, giữ cho bạn làn da mịn màng.
Cách đắp mặt nạ dầu dừa rất đơn giản:
- Bạn chỉ cần làm sạch mặt với nước ấm.
- Thoa một lớp mỏng dầu dừa nguyên chất lên da.
- Để nguyên qua đêm và rửa sạch với nước ấm.
Sai lầm: Trên thực tế, dầu dừa có tác dụng kháng khuẩn và giữ ẩm cho da rất tốt, thế nhưng nó không phù hợp với những làn da bị mụn. Nguyên do là dầu dừa có thể gây bít tắc lỗ chân lông, gây bí da khiến mụn trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn có thể sử dụng dầu dừa sau khi đã trị mụn xong để ngăn mụn hình thành.
☛ Đọc thêm: Bôi dầu dừa có khả năng làm trắng da không?
Nước tiểu em bé
Có thể khó tin nhưng không ít người đã thử áp dụng phương pháp này để trị mụn. Họ tin rằng nước tiểu em bé sạch, giúp kháng khuẩn, chống viêm và điều trị mụn.
Cách thực hiện như sau:
- Dùng một khăn mềm thấm vào nước tiểu buổi sáng của em bé.
- Lau nhẹ nhàng lên toàn bộ vùng da bị mụn như một bước rửa mặt buổi sáng.
Sai lầm: Không có bất kỳ bằng chứng nào về hiệu quả trị mụn của nước tiểu em bé. Thậm chí, nó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và khiến vùng da mụn bị kích ứng. Vậy nên, đây là một trong những cách bạn không nên thử.
Mặt nạ bột quế
Quế là một dược liệu cổ truyền tính ấm và có tác dụng kháng khuẩn. Đó là lý do nhiều người bị thuyết phục rằng mặt nạ bột quế có thể làm những đốm mụn xẹp đi nhanh chóng.
Cách thực hiện như sau:
- Trộn bột quế với nước lọc để tạo ra hỗn hợp sền sệt.
- Nhẹ nhàng thoa hỗn hợp thành lớp mỏng lên vùng da bị mụn.
- Giữ nguyên trong khoảng 15 – 20 phút rồi rửa lại cùng nước ấm.
Sai lầm: Bột quế vị cay, tính nóng có thể ngay lập tức gây kích ứng, thậm chí gây viêm da. Vậy nên, làn da yếu đang bị mụn tuyệt đối không thử áp dụng phương pháp này.
Kết luận: Nói chung, khi có mụn, chúng ta cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây mụn trước khi vội vàng áp dụng các công thức tại nhà, nhằm tránh các ảnh hưởng không mong muốn có thể xảy ra. Để bắt đầu kế hoạch trị mụn, chúng ta cần tập trung vào việc thực hiện quy trình chăm sóc da khoa học, duy trì lối sống lành mạnh và sử dụng các sản phẩm trị mụn theo hướng dẫn của bác sĩ. Bạn có thể theo dõi nội dung chi tiết ngay dưới đây.
Trị mụn thế nào là đúng và an toàn?
Bạn không nhất thiết phải sử dụng những sản phẩm hay nguyên liệu đắt tiền để trị mụn, nhưng nó phải phù hợp với tình trạng mụn và tính chất da. Dưới đây là những gợi ý để bạn kiểm soát mụn tốt hơn.
Thực hiện quy trình chăm sóc da khoa học
Nếu bạn chưa từng xây dựng một quy trình chăm sóc da khoa học, hãy thử kiên trì thực hiện theo những bước dưới đây:
- Tẩy trang: Nên thực hiện vào cuối ngày ngay cả khi bạn không trang điểm. Nước tẩy trang sẽ giúp lấy đi bụi bẩn, dầu nhờn và tế bào chết trong lỗ chân lông tốt hơn.
- Rửa mặt: Hãy sử dụng những loại sữa rửa mặt dịu nhẹ có pH từ 5.5 – 7.5 vào hai buổi sáng – tối mỗi ngày. Đừng rửa mặt nhiều quá vì có thể sẽ gây kích thích lên đốm mụn.
- Dưỡng da: Bạn cần cấp ẩm đầy đủ cho da vào cả ban ngày và ban đêm. Điều này ngăn tình trạng tăng tiết dầu, từ đó hạn chế tình trạng bít tắc lỗ chân lông.
- Trị mụn: Kết hợp các sản phẩm trị mụn vào quy trình chăm sóc da theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu.
- Chống nắng: Là bước quan trọng ngăn da bị tổn thương, hạn chế hình thành sẹo thâm sau mụn. Bạn cần chống nắng ngay cả khi ở trong nhà. Nếu thường xuyên ra ngoài trời, hãy thoa lại kem chống nắng mỗi 4 tiếng/ lần.
- Tẩy da chết: Giúp loại bỏ tế bào chết tích tụ trên bề mặt da. Bạn nên tẩy da chết với tần suất 2 lần/ tuần.
Quy trình chăm sóc da khoa học không ngay lập tức đem lại hiệu quả trị mụn nhưng bạn sẽ nhận thấy da khỏe dần lên, ít mụn mới xuất hiện và rút ngắn thời gian tồn tại của các đốm mụn cũ. Bởi vậy, bạn cần kiên trì ít 1 – 2 tháng để cảm nhận sự thay đổi của da.
Loại bỏ các thói quen sai lầm
Rất nhiều thói quen xấu khiến mụn bùng phát và trở nên nghiêm trọng. Nếu bạn đang có những thói quen dưới đây, hãy bắt đầu tiết chế và dần loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống của mình:
Ăn uống thiếu khoa học: Một chế độ ăn thiếu cân bằng: giàu đường, thừa chất béo, nhiều sữa, nhiều đồ cay nóng hay chất kích thích có thể khiến da tăng tiết dầu và mụn viêm nghiêm trọng hơn. ☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Cách ăn uống giảm mụn nhất định bạn phải biết
Ngủ không đủ giấc: Thiếu ngủ khiến miễn dịch kém hơn, giảm khả năng đề kháng của da khiến da dễ bị tấn công bởi vi khuẩn gây mụn. Thói quen này cũng có thể gây rối loạn nội tiết dẫn đến nổi mụn.
Thường xuyên căng thẳng: Khiến hệ nội tiết bị rối loạn, các tuyến dầu dưới da hoạt động mạnh mẽ hơn gây bít tắc lỗ chân lông làm hình thành mụn.
Vệ sinh cá nhân kém: Mụn trứng cá thường xuất hiện ở mặt, cổ, lưng, ngực. Ngoài những rối loạn bên trong cơ thể thì việc thiếu vệ sinh cũng là nguyên nhân khiến mụn bùng phát.
Lười vận động: Lười vận động không làm mụn xuất hiện nhưng tập luyện đều đặn lại giúp khắc phục mụn tốt hơn. Vậy nên, bạn nên loại bỏ thói quen này nếu đang bị mụn.
Đừng chạm – nặn mụn: Thói quen này có thể vô tình đưa vi khuẩn đến các đốm mụn làm tăng nguy cơ bội nhiễm, khiến mụn nặng nề hơn. Nặn mụn cũng gây ra những vết thương dễ để lại sẹo.
Hỏi đáp: Nếu không nặn mụn thì có bị sẹo rỗ không?
Lười uống nước: Bổ sung nước giúp duy trì độ ẩm của da, ổn định hoạt động của tuyến bã nhờn, giảm kích ứng cho các tổn thương. Vậy nên, hãy đảm bảo uống đủ 1,5 – 2l nước mỗi ngày.
Sử dụng sản phẩm trị mụn tại chỗ
Các sản phẩm bôi mụn tại chỗ là phương pháp đầu tiên được lựa chọn trong quy trình điều trị mụn. Một số hoạt chất được sử dụng phổ biến và hiệu quả gồm:
- Benzoyl peroxide: Có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, kiểm soát hiệu quả mụn trứng cá. Hoạt chất này thường gặp trong một số sản phẩm gel bôi hoặc sữa rửa mặt như: Clearasil®, Stridex®, PanOxyl®,…
- Axit salicylic: Giúp loại bỏ tế bào chết ngăn chặn tình trạng bít tắc lỗ chân lông. Ngoài ra, hoạt chất này cũng có tác dụng kháng khuẩn, ngăn mụn trứng cá phát triển.
- Axit azelaic: Là một axit tự nhiên được tìm thấy trong các loại ngũ cốc khác nhau như lúa mạch, lúa mì và lúa mạch đen. Hoạt chất này giúp kháng khuẩn và giảm sưng mụn.
- Retinoids (dẫn xuất vitamin A): Giúp phá vỡ mụn đầu đen, mụn đầu trắng và ngăn tắc nghẽn lỗ chân lông. Một số sản phẩm chứa retinoids thường gặp như: Retin-A®, Tazorac® và Differin®.
- Thuốc kháng sinh: Giúp kiểm soát vi khuẩn trên bề mặt da, hạn chế mụn sưng viêm. Hoạt chất được sử dụng phổ biến trong các chế phẩm bôi tại chỗ gồm: clindamycin và erythromycin.
Điều trị theo phác đồ của bác sĩ
Nếu bị mụn trứng cá nhẹ, bạn có thể tự điều trị tại nhà dựa trên quy trình chăm sóc da khoa học và các sản phẩm bôi tại chỗ. Thế nhưng, trường hợp bị mụn trứng cá vừa đến nặng, bạn nên tham vấn và điều trị theo chỉ định của bác sĩ da liễu.
Ngoài thuốc bôi ngoài da, bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc điều trị toàn thân như:
- Thuốc kháng sinh: Chủ yếu là các hoạt chất: minocycline, doxycycline được điều trị mụn trứng cá từ trung bình đến nặng có dấu hiệu nhiễm khuẩn.
- Thuốc tránh thai: Kê đơn cho các trường hợp mụn trứng cá nội tiết. Một số thuốc thường dùng như: Estrostep®, Beyaz®, Ortho Tri-Cyclen® và Yaz ®.
- Isotretinoin: Sử dụng trong trường hợp trứng cá nặng, không đáp ứng với các thuốc điều trị khác. Các biệt dược thường gặp như: Amnesteem®, Claravis®, Sotret®.
Trong một số trường hợp phức tạp, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện một số phương pháp khác như: chích hút mụn, trị mụn bằng laser, tiêm steroids,… Lúc này, bạn cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định để đạt được hiệu quả kiểm soát mụn tốt nhất.
Trên đây là bài viết phân tích 9 cách trị mụn được áp dụng phổ biến nhưng không thực sự hiệu quả. Nếu đang mắc một số sai lầm đã liệt kê, bạn cần điều chỉnh nhanh chóng và tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ nếu cần. Chúc bạn sớm tìm lại được làn da khỏe mạnh và rạng rỡ.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/322455#home-remedies
- https://www.healthline.com/nutrition/13-acne-remedies
- https://www.verywellhealth.com/acne-home-remedies-15728