Nhiều người cho rằng việc gội đầu vào “ngày dâu” có thể khiến cơ thể nhiễm lạnh và dễ mắc bệnh hơn. Vậy thực tế thì sao? Đến tháng có nên gội đầu không? Hãy cùng Oeneva làm rõ vấn đề này nhé!
Nội dung bài viết
1. Đến tháng có nên gội đầu không?
Từ xa xưa, một số người vẫn luôn có quan niệm gội đầu ngày đèn đỏ là việc không nên, rằng nó có thể khiến cơ thể gặp các vấn đề như cảm lạnh, đau đầu và làm cảm giác đau bụng kinh thêm trầm trọng…
Tuy nhiên, thực tế không có bất kỳ cơ sở khoa học hay một nghiên cứu nào chứng minh việc gội đầu trong ngày “đèn đỏ” có thể gây hại cho sức khỏe của chị em.
Vào những “ngày ấy” sự thay đổi nồng độ của các hormone estrogen và progesterone sẽ kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, khiến vùng da mặt và đầu tiết nhiều dầu.
Trong khi đó, trung bình một kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài từ 3 cho đến 7 ngày, nếu bạn không gội đầu trong suốt thời gian này thì mái tóc sẽ trở nên gàu, ngứa, bết dính, vô cùng khó chịu, thậm chí còn có thể tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, nấm tấn công da đầu, gây bệnh.
Nếu kết hợp thêm với các triệu chứng khác của ngày “dâu rụng” như đau bụng kinh, đau lưng, tâm trạng thất thường… thì cảm giác bạn phải chịu đựng sẽ càng thêm tồi tệ.
Vậy, câu trả lời cho việc “đến tháng có nên gội đầu không?” là “CÓ”. Để đảm bảo vệ sinh và giúp cơ thể cảm thấy thoải mái hơn khi đến tháng, bạn NÊN duy trì thói quen gội đầu với các sản phẩm dầu gội, dầu xả phù hợp.
2. Gội đầu khi đến tháng cần lưu ý gì không?
Gội đầu đúng cách trong kỳ kinh nguyệt sẽ giúp chị em đảm bảo sức khỏe và cảm thấy thoải mái hơn trong những ngày “đèn đỏ”. Dưới đây là một số gợi ý về việc chăm sóc tóc và da đầu trong những “ngày ấy”.
2.1. Gội đầu vào thời điểm thích hợp
Khi đến kỳ kinh nguyệt, cơ thể chị em sẽ mất đi một lượng máu đáng kể, một số có thể gặp phải các vấn đề như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn…
Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên chú ý đến thời điểm gội đầu. Cụ thể:
- Không gội đầu vào ban đêm hoặc sáng sớm: Đây là hai thời điểm nhiệt độ môi trường xuống thấp nhất, gội đầu vào thời điểm này rất dễ gây cảm lạnh.
- Không gội đầu ngay sau khi ăn no: Việc gội đầu ngay sau khi ăn no sẽ khiến chị em có thể gặp các vấn đề như đầy hơi, khó tiêu, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.
- Không gội đầu khi quá đói: Khi đói, huyết áp có thể giảm do lượng đường trong máu giảm. Việc gội đầu lúc này có thể gây tình trạng hoa mắt, chóng mặt, khiến sức khỏe bị ảnh hưởng.
- Không gội đầu khi bị ốm, sốt: Khi sốt, nhiệt độ cơ thể tăng nhanh dễ gây mất nước. Gội đầu vào thời điểm này có thể khiến vùng đầu bị lạnh đột ngột, gây đau đầu nghiêm trọng và làm tình trạng tồi tệ hơn.
2.2. Gội đầu bằng nước ấm
Gội đầu bằng nước ấm không chỉ giúp làm sạch tóc và bã nhờn trên da đầu hiệu quả hơn mà còn giúp tăng cường lưu thông máu dưới da đầu, giúp bạn cảm thấy thoải mái, thư giãn hơn.
Tuy nhiên, cần chú ý nhiệt độ nước sử dụng, tránh làm da đầu bị tổn thương, trở nên khô, bong tróc và tiết nhiều bã nhờn.
Nhiệt độ thích hợp của nước để làm sạch da đầu vào khoảng 40 độ C.
2.3. Tránh gãi cào da đầu
Việc gãi cào da đầu là thói quen của nhiều người khi gội đầu. Hành động này tưởng chừng sẽ giúp làm sạch da đầu hiệu quả nhưng nó lại cho kết quả trái ngược.
Những động tác mạnh bạo sẽ khiến da đầu bị tổn thương và làm những sợi tóc mỏng manh gãy rụng nhiều thêm.
Khi gội đầu, bạn nên sử dụng các đầu ngón tay để thực hiện các động tác massage nhẹ nhàng. Việc này sẽ kích thích tuần hoàn máu dưới da đầu, đồng thời giúp tinh thần được thư giãn, góp phần xoa dịu cảm giác khó chịu trong những ngày ấy.
2.4. Không gội đầu quá lâu
Vào những ngày kinh nguyệt, bạn nên rút ngắn thời gian gội đầu, tránh cơ thể bị nhiễm lạnh hoặc cảm thấy không thoải mái.
Tổng thời gian gội chỉ nên diễn ra trong khoảng 10 phút. Sau khi gội xong, hãy nhẹ nhàng thấm hết nước trên tóc bằng khăn mềm, sau đó sử dụng máy sấy với nhiệt độ thích hợp để làm khô tóc.
3. Một số quan niệm sai lầm khi đến tháng
Trong xã hội hiện đại, vẫn còn khá nhiều quan niệm sai lầm về ngày “đèn đỏ” còn tồn tại. Ví dụ như:
Hạn chế tắm vào ngày đèn đỏ: Một số người cho rằng tắm vào ngày đèn đỏ có thể khiến cơ thể nhiễm lạnh, làm ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên, sự thay đổi hormone vào ngày đèn đỏ có thể khiến cơ thể tiết nhiều bã nhờn và mồ hôi. Nếu không đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, làn da của bạn sẽ dễ bị ngứa ngáy, nổi mụn.
Mặt khác, việc duy trì thói quen tắm bằng nước ấm trong những ngày “rụng dâu” còn giúp chị em cảm thấy thoải mái hơn, hỗ trợ làm giảm cảm giác khó chịu.
Ngày đèn đỏ không nên tập thể dục: Một số ý kiến cho rằng vận động vào ngày đèn đỏ không tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, việc tập luyện nhẹ nhàng với cường độ phù hợp có thể giúp bạn xoa dịu cảm giác đau bụng, đau lưng… trong những ngày ấy. (☛ Tìm hiểu ngay: Bài tập tốt cho ngày đèn đỏ)
Ngoài ra, cũng có người tin rằng không nên cắt tóc vào ngày “đèn đỏ” hoặc ngày “đèn đỏ” không nên xăm môi. Vậy nhưng thực tế những việc này không liên quan gì đến những “ngày ấy”. Bạn có thể thực hiện chúng bất kỳ vào ngày nào, miễn bản thân cảm thấy thoải mái và nên nhớ chọn các địa chỉ làm đẹp uy tín.
☛ Xem thêm: Ngày đèn đỏ có nên đi chùa, thắp hương không?