Dựa vào đáp ứng với thuốc và sự ảnh hưởng đến cơ thể, người ta chia thành các mức độ đau bụng kinh khác nhau. Mỗi mức độ đau bụng kinh lại có một cách giảm thiểu riêng biệt.
Nội dung bài viết
1. Các mức độ đau bụng kinh
Theo thang đo tương tự trực quan (VAS) và hệ thống tính điểm đa chiều (MSS), mức độ nghiêm trọng của đau bụng kinh được đánh giá theo thang điểm 10 dựa trên khả năng làm việc, triệu chứng toàn thân và việc sử dụng thuốc giảm đau. Cụ thể, đau bụng kinh được chia thành 4 mức độ(1):
1.1. Mức độ 0
Ở mức độ 0, bạn không bị đau bụng kinh và các hoạt động hàng ngày không bị ảnh hưởng.
1.2. Đau nhẹ (mức độ 1)
Khi bạn nhận được mức điểm 1 – 3 trên thang đo, bạn được xếp vào nhóm đau bụng kinh nhẹ (mức độ 1). Ở nhóm này, bạn sẽ có cảm giác đau bụng kinh nhưng thường không nghiêm trọng, đau rất ít khi ảnh hưởng tới các hoạt động bình thường. Bạn cũng hiếm khi phải dùng thuốc giảm đau.
1.3. Đau vừa (mức độ 2)
Mức độ đau số 2 – đau vừa tương ứng với khoảng điểm 4 – 7. Đau bụng kinh ở mức độ này đã ảnh hưởng tới khả năng làm việc, nhưng theo cách vừa phải. Bạn có thể gặp thêm một vài triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, đau đầu… Tuy nhiên, các triệu chứng này không đủ làm gián đoạn công việc của bạn. Thuốc giảm đau được sử dụng và phát huy tác dụng tốt.
Hỏi đáp: Đến tháng nhưng không đau ngực có sao không?
1.4. Đau dữ dội/ đau nặng (mức độ 3)
Đây là cấp độ đau cuối cùng – mức điểm 8 đến 10. Cơn đau dữ dội khiến bạn không thể chịu được trong thời gian dài. Nó có thể ức chế rõ ràng khả năng làm việc của bạn và làm gián đoạn giấc ngủ cùng các hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng toàn thân nghiêm trọng hơn cũng xuất hiện, điển hình là nhức đầu, mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy. Thuốc giảm đau đã trở nên kém hiệu quả trong trường hợp này.
Có thể bạn muốn biết: Đau bụng kinh có giống đau đẻ không?
2. Mức độ đau bụng kinh nào là nguy hiểm?
Đau bụng kinh được phân làm hai loại nguyên phát và thứ phát. Mỗi loại ứng với nguyên nhân và những mức độ đau điển hình.
2.1. Đau bụng kinh nguyên phát
Đau bụng kinh nguyên phát – đau bụng kinh đơn thuần, là loại đau phổ biến hơn cả. Đau xuất hiện do sự gia tăng Prostaglandin – chất hóa học tạo nên những cơn co thắt trong tử cung. Những cơn co thắt mạnh khiến lưu lượng máu đến khu vực mô cơ tử cung bị giảm, các tế bào bị thiếu oxi trong một khoảng thời gian ngắn tạo nên cảm giác đau.
Đau bụng kinh nguyên phát thường bắt đầu vào một vài ngày trước kỳ kinh, kéo dài đến 1 – 2 ngày đầu hành kinh. Những cơn đau bụng kinh nguyên phát thường không nghiêm trọng (mức độ 1 hoặc 2) và bạn vẫn có thể tiếp tục các hoạt động hàng ngày dưới sự hỗ trợ của các biện pháp giảm đau như chườm nóng, thư giãn hoặc thuốc giảm đau.
2.2. Đau bụng kinh thứ phát
Đau bụng kinh thứ phát là loại đau bụng kinh do rối loạn cơ quan sinh sản, liên quan đến các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn trong tử cung. Các bệnh lý đó có thể là(2)(3):
- Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung là tình trạng bệnh xảy ra khi các tế bào giống với tế bào lót tử cung được tìm thấy ở các bộ phận khác trên cơ thể. Khi bạn đến kỳ kinh nguyệt, các mảnh mô này cũng bong ra, chảy máu gây sưng, sẹo và đau.
- Adenomyosis: Tình trạng mô thường nằm trong tử cung và phát triển thành cơ của tử cung. Adenomyosis có thể khiến tử cung của bạn to bất thường, kèm theo chảy máu và đau.
- Bệnh viêm vùng chậu (PID): PID có thể bắt nguồn từ các nhiễm trùng do vi khuẩn bên trong tử cung, lây lan sang các cơ quan sinh sản khác. PID có thể gây đau bụng hoặc đau khi quan hệ tình dục.
- Hẹp cổ tử cung: Tình trạng thu hẹp cổ tử cung, hoặc mở vào bên trong tử cung.
- U xơ tử cung: U xơ tử cung là khối u lành tính (không phải ung thư) phát triển trong thành tử cung.
Đau bụng kinh thứ phát thường liên quan đến những cơn đau dữ dội (mức độ 2 – 3) và tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.
3. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Khi bạn phân vân không biết nên đi khám bác sĩ hay không, hãy tự trả lời 6 câu hỏi sau:
- Câu hỏi 1: Cơn đau bụng kinh có khiến bạn không thể đi học, đi làm, hoặc cản trở hoạt động cả ngày của bạn?
- Câu hỏi 2: Trong kỳ kinh nguyệt, bạn có bị đau khi đi đại tiện không?
- Câu hỏi 3: Có phải thuốc giảm đau không kê đơn không giúp bạn giảm cơn đau?
- Câu hỏi 4: Bạn có thường xuyên đau vùng xương chậu khi không trong kỳ kinh không?
- Câu hỏi 5: Bạn có đau đớn khi quan hệ tình dục không?
- Câu hỏi 6: Đau bụng kinh có ra máu cục không?
- Câu hỏi 7: Đau bụng dưới nhưng không có kinh?
Với bất kỳ đáp án “có” nào, bạn đều cần tìm đến sự trợ giúp y tế. Đừng cố chịu đựng cơn đau hay bất kỳ vấn đề nào trong kỳ kinh nguyệt, bởi mọi chuyện có thể trở nên tồi tệ hơn.
Khi cơn đau bụng kinh không thuyên giảm nhờ dùng thuốc, bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện siêu âm hoặc nội soi ổ bụng để tìm nguyên nhân. Các phương pháp này đều cần được thực hiện tại những bệnh viện, cơ sở khám bệnh uy tín, chất lượng.
Nếu cơn đau chỉ là đau bụng kinh nguyên phát, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thêm một số loại thuốc giảm đau kê đơn, hoặc đổi sang phương pháp điều trị thay thế, bao gồm châm cứu, bấm huyệt, kích thần kinh và các liệu pháp vật lý.
Nếu phát hiện nguyên nhân đau do lạc nội mạc tử cung, bác sĩ có thể cho bạn dùng các biện pháp tránh thai (thuốc viên, que cấy, thuốc tiêm, vòng tránh thai nội tiết tố…). Các thuốc chủ vận giải phóng GnRH cũng thường được dùng để giảm đau, tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn vì chúng có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm như loãng xương, bốc hỏa, khô âm đạo.
Nếu cơn đau của bạn do Adenomyosis, bác sĩ sẽ kê NSAIDs, các phương pháp ngừa thai và một số loại thuốc khác. Bạn cũng có thể sử dụng phương pháp UAE – thuyên tắc động mạch tử cung(3). Nếu không hiệu quả, việc cắt bỏ tử cung có thể được cân nhắc.
Khi cơn đau được xác định do u xơ. Trình tự điều trị có thể là NSAIDs, phương pháp ngừa thai, thuốc chủ vận GnRH. UAE được sử dụng khi các phương pháp trên không còn hiệu quả.
4. Cách giảm thiểu tình trạng đau bụng kinh
Mỗi mức độ và tình trạng đau có từng cách giảm thiểu khác nhau tương ứng. Sau đây là 4 cách thường gặp nhất:
4.1. Dùng thuốc
Các thuốc giảm đau không kê đơn như Ibuprofen và Aspirin thường được sử dụng để kiểm soát cơn đau bụng kinh mức độ 1 – 2. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn bị hen suyễn hoặc các vấn đề dạ dày, thận, gan, bạn không nên sử dụng 2 loại thuốc trên. Thay vào đó, bạn có thể thử Paracetamol.
Nếu các loại thuốc giảm đau thông thường không còn nhiều tác dụng (mức độ 3), bạn cần đi khám để tìm giải pháp khác. Bác sĩ có thể kê cho bạn những loại thuốc giảm đau mạnh hơn, ví dụ như Naproxen hay Codein.
4.2. Thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai thường làm mỏng niêm mạc tử cung và giảm lượng Prostagladin nội sinh, nhờ vậy giúp dịu cơn đau bụng kinh. Mặt khác, khi lớp niêm mạc mỏng đi, các cơ tử cung không cần co bóp nhiều để bong ra, kinh nguyệt của bạn cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Do đó, trong trường hợp cần thiết (đau nặng, không đáp ứng với thuốc giảm đau, đau bụng kinh thứ phát), bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc tránh thai.
Hỏi đáp: Sử dụng que cấy tránh thai có gây nám da không?
4.3. Các biện pháp hỗ trợ
Trong trường hợp cơn đau nhẹ (mức độ 0 – 1), hoặc bạn không muốn sử dụng thuốc giảm đau, bạn có thể tham khảo một số biện pháp hỗ trợ giảm đau dưới đây:
- Tập thể dục: Việc tập thể dục dường như khá khó khăn khi đến ngày. Tuy nhiên, tích cực thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, đạp xe hay bơi lội đều có thể giúp bạn giảm đau.
- Chườm ấm: Tác động nhiệt cũng giúp giảm đau khá hiệu quả. Bạn hãy đặt một túi giữ nhiệt hoặc miếng đệm nhiệt lên bụng. Nếu không sẵn, bạn có thể dùng một chai nước nóng bọc trong khăn mặt thay thế.
- Tắm nước ấm: Tắm nước ấm có thể giúp bạn thư giãn, tăng lưu lượng tuần hoàn và giảm đau.
- Uống trà: Một số loại từ mật ong, gừng, hoa cúc có lợi ích an thần và xoa dịu cơn đau rất tốt.
- Kích thích dây thần kinh điện tử xuyên da (TENS): Các thiết bị TENS chạy bằng pin cung cấp dòng điện đến bụng, giúp bạn giảm đau.
Hỏi đáp:
4.4. Khám chuyên khoa
Khi phát hiện mình có thể bị đau bụng kinh thứ phát hoặc đau nguyên phát mức độ 3, bạn cần đi khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và có phương pháp xử trí kịp thời. Một số dấu hiệu của đau bụng kinh thứ phát bạn cần biết là:
- Đau xuất hiện trước kỳ kinh 1 – 2 tuần, kéo dài cho đến hết ngày kinh.
- Đau đột ngột tại thời điểm bất kỳ trong tháng.
- Đau lan ra vùng chậu, bắp chân.
- Rong kinh, ra máu bất thường.
- Đau dữ dội khi quan hệ.
- Khí hư ra nhiều hoặc có mùi hôi.
Những cơn đau bụng kinh thường gây ảnh hưởng không nhỏ đối với sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của phụ nữ. Hy vọng qua bài viết này, bạn có thể nhận biết được mức độ đau bụng kinh của mình và tìm được cách giảm đau phù hợp.