Mụn trứng cá có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng không có bất kỳ ai muốn chúng xuất hiện trên làn da của mình, dù ít hay nhiều. Những đợt mụn dai dẳng không dứt khiến đa số người bệnh đều quan tâm đến phương pháp điều trị mà ít khi tìm hiểu nguyên nhân. Nếu bạn chưa thật sự hiểu mụn trên da đến từ đâu, đừng bỏ lỡ bài viết này.
Nội dung bài viết
Mụn trứng cá được hình thành thế nào?
Bề mặt da có rất nhiều lỗ chân lông chứa nang lông và một tuyến dầu. Trong đó, tuyến dầu chịu trách nhiệm tiết ra dầu nhờn giúp giữ ẩm và giúp da mềm mại. Thế nhưng, nếu tuyến dầu hoạt động quá mạnh, dầu nhờn được tiết ra dư thừa sẽ kết hợp cùng với tế bào da chết tạo thành các nút tắc lỗ chân lông. Đây cũng là quá trình hình thành nhân mụn.
Nếu nhân mụn chỉ gây bít tắc nửa dưới lỗ chân lông, nửa trên vẫn mở sẽ tạo điều kiện cho không khí tiếp xúc trực tiếp, gây oxy hóa làm đen nhân mụn. Những mụn này được gọi là mụn đầu đen.
Ngược lại, nếu lỗ chân lông bị bít tắc hoàn toàn khiến thành nang lông bị phồng lên. Lỗ chân lông đóng lại, nhân mụn không bị oxy hóa sẽ giữ nguyên màu trắng của sợi bã nhờn, hơi nhô lên bề mặt da. Những mụn này được gọi là mụn đầu trắng.
Mụn đầu đen và mụn đầu trắng được xếp vào nhóm mụn không viêm nên không gây ra các hiện tượng: sưng, nóng, đỏ, đau tại đốm mụn.
Ngược lại, nhóm mụn viêm hình thành khi các nang lông bị tắc nghẽn quá mức dẫn đến tổn thương, gây viêm. Đặc biệt, khi có sự tấn công của vi khuẩn gây mụn, mụn viêm trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn.
Bạn có thể nhận biết mụn viêm thông qua những đốm mụn sẩn có màu đỏ hoặc hồng, ấn vào hơi mềm và đau trên bề mặt da. Hoặc, nếu là mụn mủ, phần đầu mụn chứa đầy dịch mủ trắng hoặc ngà vàng. Trường hợp nút tắc và viêm xảy ra ở sâu trong nang lông sẽ tạo ra mụn u hoặc u nang có kích thước lớn.
Xem chi tiết: Hình ảnh phân biệt các loại mụn trứng cá
Nguyên nhân gây mụn trứng cá
Tắc nghẽn lỗ chân lông là điểm khởi phát của cả mụn trứng cá không viêm và viêm. Vậy nên, bất kỳ tác động nào góp phần dẫn đến hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng này đều có thể trở thành nguyên nhân gây mụn. Dưới đây là một số yếu tố thường gặp nhất.
Rối loạn nội tiết
Rối loạn nội tiết là nguyên nhân hàng đầu gây mụn trứng cá. Tình trạng này xảy phổ biến ở nữ giới trong giai đoạn dậy thì, mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh hoặc mắc các bệnh liên quan đến nội tiết, phổ biến như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Khi nội tiết tố không ổn định khiến hoạt động tiết dầu của tuyến bã nhờn cũng trở nên thất thường. Vào thời điểm dầu nhờn tiết ra quá nhiều gây bít tắc lỗ chân lông sẽ hình thành mụn. Mụn nội tiết thường có một số đặc điểm như:
- Xuất hiện ở nửa dưới mặt như: cằm, quai hàm, viền môi và trước ngực.
- Xuất hiện theo chu kỳ hoặc vào một giai đoạn nhạy cảm của cơ thể (mang thai, sau sinh, chu kỳ kinh,…).
- Đa số mụn đều là mụn viêm, các nút tắc có thể nằm sâu dưới da gây mụn bọc, mụn nang rất khó điều trị.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Rối loạn nội tiết tố bị nổi mụn nên làm gì?
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây rối loạn nội tiết tố trong cơ thể, kích thích hoạt động của tuyến dầu, rối loạn hệ khuẩn trên da, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành mụn. Nếu bạn đột nhiên bị mụn trứng cá sau khi dùng một loại thuốc nào đó, hãy chia sẻ với bác sĩ để tìm được giải pháp thay thế phù hợp.
Những thuốc có tác dụng phụ liên quan đến mụn trứng cá thường gặp như: thuốc tránh thai khẩn cấp, thuốc tránh thai hàng ngày, lithium, testosterone, corticoid,…
Việc bạn sử dụng các loại thuốc có chứa các chất như lithium, testosterone, corticosteroid… liên tục trong một thời gian cũng khiến nội tiết tố trong cơ thể rối loạn, tuyến dầu nhờn phát triển mạnh và gây mụn trên da.
Chế độ ăn uống
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được mối liên hệ giữa thực phẩm và quá trình hình thành mụn trứng cá. Theo đó, một số nhóm thực phẩm có thể làm tăng hoạt động bài tiết của tuyến dầu, mất cân bằng hệ vi sinh trên da, từ đó góp phần vào quá trình hình thành mụn.
Những nhóm thực phẩm cần bạn chú ý gồm:
- Thực phẩm giàu carbohydrate như: các loại bánh mì, bánh kẹo ngọt, các loại mì ống, các loại nước ngọt,….
- Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có trong các loại thực phẩm như: mỡ động vật, da gia cầm, bơ nhân tạo, bơ ca cao,….
- Các loại gia vị cay, nóng như: ớt, tiêu, mù tạt,….
Tâm lý căng thẳng
Khi rơi vào trạng thái căng thẳng, cơ thể sẽ kích thích tăng tiết hormone Cortisol giúp điều hòa cảm xúc. Thế nhưng, khi hormone này được tiết ra nhiều trong thời gian dài sẽ kéo theo các rối loạn khác như: rối loạn chuyển hóa đường, rối loạn miễn dịch, ảnh hưởng đến hoạt động của các tuyến nội tiết.
Những tác động này có thể khiến da tiết dầu nhiều hơn, vi khuẩn trên da hoạt động mạnh hơn, phản ứng viêm nghiêm trọng hơn. Đây cũng là lý do căng thẳng, stress kéo dài khiến mụn trứng cá hình thành và nghiêm trọng hơn.
Di truyền
Theo các chuyên gia, số lượng cách phân bố, mức độ hoạt động của các tuyến nội tiết (bao gồm cả tuyến bã nhờn) có liên hệ mật thiết với yếu tố di truyền. Do đó, những người có người thân trong gia đình bị mụn trứng cá sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.
Sản phẩm chăm sóc da
Sử dụng sản phẩm tốt và chăm sóc da đúng cách giúp làm sạch, nuôi dưỡng và bảo vệ da. Ngược lại, một sản phẩm chăm sóc da không phù hợp có thể gây tắc lỗ chân lông và hình thành mụn.
Nghiêm trọng hơn, những sản phẩm kém chất lượng có thể khiến da bị yếu đi, tổn thương, thậm chí là nhiễm khuẩn. Đây là cơ hội lý tưởng cho vi khuẩn tấn công da và gây mụn.
Hỏi đáp: Tại sao nhiều người không có mụn?
Làm gì để ngăn mụn trứng cá hình thành?
Điều trị mụn trứng cá, đặc biệt là những trường hợp trứng cá nặng thường tốn kém và mất rất nhiều thời gian. Chưa kể, một số loại mụn như mụn nang có thể để lại sẹo lồi, sẹo lõm rất khó khắc phục. Vậy nên, các bác sĩ da liễu khuyên rằng nên áp dụng các biện pháp ngăn mụn hình thành thay vì cố gắng điều trị chúng.
Chăm sóc da đúng cách
Chăm sóc da rất quan trọng, đặc biệt là với những người có tiền sử hoặc dễ bị nổi mụn. Để ngăn mụn hình thành bạn cần đảm bảo thực hiện đầy đủ các bước sau:
Tẩy trang
Có nhiều người nghĩ rằng: Chỉ cần tẩy trang khi trang điểm nhưng thực tế không phải vậy. Ngay cả khi bạn chỉ dùng một lớp kem chống nắng, hãy tẩy trang vào buổi tối mỗi ngày. Tẩy trang đúng cách giúp loại bỏ hoàn toàn lớp trang điểm, sản phẩm chăm sóc da và bụi bẩn, nhờ đó ngăn chặn tình trạng bít tắc lỗ chân lông.
Bạn có thể lựa chọn một số dạng dùng khác nhau như: nước tẩy trang, dầu tẩy trang hoặc sáp tẩy trang. Tuy nhiên, hãy tìm hiểu kỹ để lựa chọn sản phẩm phù hợp với loại da của mình. Với làn da mụn, bạn nên hạn chế dùng những sản phẩm tẩy trang chứa cồn hoặc dầu.
Rửa mặt
Rửa mặt là bước quan trọng thứ hai trong quy trình chăm sóc da, giúp làm sạch hoàn toàn lỗ chân lông. Tuy nhiên, rửa mặt quá nhiều lại có thể khiến da kích ứng, tổn thương và tăng nguy cơ nổi mụn. Theo các chuyên gia, bạn chỉ nên rửa mặt khoảng 2 lần/ ngày vào sáng – tối là đủ.
Ngoài ra, bạn cũng nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, độ pH dịu nhẹ (khoảng 5.5 – 7.5) để tránh gây khô da, kích ứng da.
Dưỡng da
Tối giản các bước chăm sóc da là lựa chọn phù hợp cho những người dễ nổi mụn. Tuy nhiên, tối giản không có nghĩa là bỏ qua. Bạn vẫn nên thực hiện đầy đủ các bước dưỡng da với: toner – serum – kem dưỡng ẩm.
Lý giải về điều này, các bác sĩ cho biết khi da khô, mất nước sẽ kích thích các tuyến dầu tăng tiết nhiều hơn để giữ ẩm. Cơ chế này vô tình làm tăng nguy cơ bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn. Do đó, bạn cần chắc chắn rằng da được dưỡng ẩm đầy đủ mỗi ngày.
Sử dụng sản phẩm trị mụn
Các sản phẩm trị mụn có thể được bào chế dưới dạng: viên uống, kem, gel hoặc dung dịch bôi ngoài da. Bạn hãy hỏi bác sĩ để nắm được quy trình sử dụng đúng, đảm bảo sản phẩm phát huy tối đa tác dụng.
Bảo vệ da
Các tác nhân từ môi trường như: ánh nắng mặt trời, bụi bẩn, khói xe,… có thể khiến da bị tổn thương, tăng nguy cơ viêm và tạo điều kiện cho mụn hình thành. Bởi vậy, nếu muốn ngăn mụn hình thành bạn cần:
- Thoa kem chống nắng mỗi ngày ngay cả khi làm việc trong nhà.
- Sử dụng các biện pháp che chắn vật lý như: áo nắng, mũ, khẩu trang khi ra ngoài.
- Tránh gây cọ xát mạnh trên da.
Hỏi đáp: Đeo khẩu trang có thể bị lên mụn không?
Tẩy tế bào chết
Tế bào da chết được tạo ra mỗi ngày có thể tích tụ ở trên da. Các bước rửa mặt và tẩy trang không thể loại bỏ hoàn toàn da chết. Do đó, bạn nên thực hiện tẩy da chết đều đặn khoảng 2 lần/ tuần.
Nếu da ít hoặc không có mụn, bạn có thể lựa chọn sản phẩm tẩy da chết hóa học hoặc vật lý tùy theo thói quen của mình. Tuy nhiên, nếu da đang có nhiều mụn hoặc vết tổn thương, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn được sản phẩm phù hợp.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Đã có những nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa thực phẩm và mụn trứng cá. Theo đó, một số nhóm thực phẩm giàu đường, giàu chất béo, nhiều gia vị cay nóng có thể khiến mụn hình thành hoặc trở nên trầm trọng hơn.
Nếu bạn muốn xây dựng một chế độ ăn ngăn ngừa mụn, hãy chú ý:
- Tránh thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như: bánh kẹo ngọt, các loại tinh bột đã được tinh chế, bánh mì, nước ngọt,…
- Hạn chế sử dụng sữa và sản phẩm từ sữa như: sữa tươi, sữa bột, sữa đặc, kem, phô mai,…
- Tránh dùng các sản phẩm kích thích như: nước uống chứa cồn, cafein, thuốc lá,…
- Bổ sung acid béo có lợi như Omega 3 và Omega 6 có nhiều trong: các loại cá béo, các loại hạt khô và dầu gan cá.
- Tăng cường rau – củ – quả tươi giúp bổ sung vitamin, chất khoáng và chất chống oxy hóa bảo vệ da.
- Bổ sung các sản phẩm chứa men vi sinh giúp cân bằng hệ khuẩn, giảm tình trạng mụn trứng cá bùng phát.
☛Hỏi đáp: Bị mụn có ăn đồ nếp được không?
Tăng cường tập luyện
Các bài tập luyện thể chất đem lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể nói chung và làn da nói riêng. Trong quá trình vận động, tuần hoàn máu diễn ra nhanh hơn nhờ đó, da nhận được nhiều oxy và dinh dưỡng, giúp các tổn thương trên da phục hồi nhanh hơn.
Bên cạnh đó, vận động kích thích các lỗ chân lông mở ra giúp tăng khả năng đào thải cặn bã, hạn chế nguy cơ bít tắc lỗ chân lông. Nếu không có vấn đề về sức khỏe, bạn có thể lựa chọn đa dạng các môn thể thao tùy theo sở thích của mình. Tuy nhiên, hãy cố gắng vận động ít nhất 30 phút/ ngày để có hiệu quả tốt nhất.
Tâm lý tích cực
Duy trì một tâm lý tích cực rất cần thiết nếu bạn muốn có một làn da đẹp, không mụn và chậm lão hóa. Có nhiều phương pháp để ổn định cảm xúc, kiểm soát tâm trạng tốt hơn như:
- Các bài tập như: thiền định, yoga, thể dục dưỡng sinh,…
- Trò chuyện cùng người thân, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý.
- Tham gia hoạt động giải trí hoặc hoạt động tập thể.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, thực hiện sở thích cá nhân như: ngủ, đọc sách, xem phim, nấu ăn,…
Mụn trứng cá có thể hình thành và phát triển do nhiều yếu tố khác nhau. Nếu cũng đang là một “nạn nhân” của mụn, bạn cần hiểu rõ nguyên nhân khiến mình gặp phải tình trạng này là gì để tìm được phương pháp điều trị phù hợp, đừng vội nôn nóng thưc hiện các mẹo trị mụn tại nhà lợi bất cập hại.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.healthline.com/health/skin/acne#risk-factors
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acne/symptoms-causes/