Tuổi dậy thì của con cái là khoảng thời gian không hề dễ dàng đối với các bậc cha mẹ khi trẻ trải qua nhiều thay đổi lớn về thể chất, cảm xúc và nhận thức. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu tâm lý tuổi dậy thì ở con gái để các bậc cha mẹ có thể trở thành người bạn đồng hành tốt nhất cùng con nhé!
Nội dung bài viết
- 1. Đặc trưng của con gái tuổi dậy thì
- 2. Cách quan tâm con gái khi đến tuổi dậy thì
- 2.1. Dành cho con nhiều thời gian hơn
- 2.2. Giúp con tự tin hơn về bản thân
- 2.3. Động viên con cố gắng để theo đuổi ước mơ
- 2.4. Cung cấp cho con đủ kiến thức về giới tính
- 2.5. Chia sẻ với con tầm quan trọng của vệ sinh cá nhân
- 2.6. Nhắc nhở con tự bảo vệ bản thân
- 2.7. Dạy con cách quản lý tài chính
- 2.8. Tha thứ khi con phạm lỗi lầm
- 3. Những điều cần tránh khi tâm sự với con gái tuổi dậy thì
1. Đặc trưng của con gái tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì là thời gian phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát. Tùy vào những yếu tố như dinh dưỡng, sắc tộc, tình trạng sức khỏe, giới tính mà tuổi dậy thì của mỗi trẻ sẽ khác nhau.
Thông thường, bé gái sẽ dậy thì trong khoảng 8 – 13 tuổi và bé trai dậy thì khi 9 – 14 tuổi.
Trong thời gian dậy thì, các hormone giới tính bắt đầu được sản xuất ra từ tuyến sinh dục gồm buồng trứng và tinh hoàn, khiến cho trẻ có những thay đổi quan trọng về thể chất, tâm lý và cảm xúc. Đối với bé gái, có một số thay đổi gồm:
1.1. Độc lập hơn và muốn thể hiện cái tôi
Trẻ trong độ tuổi dậy thì thường thích thể hiện sự tự chủ trong suy nghĩ và hành động, muốn tự đưa ra ý kiến và cách giải quyết các vấn đề của bản thân mà không còn nhờ cậy vào cha mẹ như trước.
Con cái trong thời gian dậy thì thường muốn ở trong không gian riêng hoặc dành thời gian với bạn bè hơn là ở bên cha mẹ.
Tính độc lập của trẻ tùy thuộc vào từng giai đoạn.
- Trong giai đoạn 10 – 13 tuổi, trẻ bắt đầu độc lập hơn và tách dần khỏi cha mẹ.
- Trong giai đoạn 14 – 16 tuổi, trẻ có thể có những mâu thuẫn với cha mẹ và ít quan tâm hơn để gia đình. Phần lớn trẻ muốn được tự do khám phá thế giới, thể hiện cái tôi của bản thân và cảm thấy khó chịu nếu bị phụ huynh kiểm soát quá mức.
- Trong giai đoạn 17 – 19 tuổi, trẻ dần nhận thức được ý nghĩa của những lời khuyên đến từ gia đình, hiểu và tôn trọng cha mẹ nhiều hơn.
1.2. Thay đổi ngoại hình và thích làm đẹp
Khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ có những tò mò về thay đổi trên cơ thể, muốn tìm hiểu cấu tạo cơ thể của mình, sự khác biệt giới tính và dần có những nhu cầu làm đẹp. Những bé gái sẽ có sự thay đổi về ngoại hình, bao gồm:
- Ngực bắt đầu phát triển.
- Phần lông dưới cánh tay và lông mu bắt đầu mọc, sậm màu dần theo thời gian.
- Cơ thể có thể tiết mồ hôi.
- Có chu kỳ kinh nguyệt.
- Tăng chiều cao, cơ thể nảy nở hơn.
Ngoài ra, trong giai đoạn dậy thì trẻ có thể có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ khác như gầy hơn, béo hơn, bắt đầu mọc mụn trứng cá… Những thay đổi này có thể khiến một số trẻ cảm thấy tự ti về cơ bản thân so với bạn cùng trang lứa. Do đó, cũng trong thời gian này nhiều trẻ bắt đầu quan tâm đến nhu cầu làm đẹp, đặc biệt là con gái.
Xem thêm:
- 82 tuyệt chiêu giúp con gái dần trở nên xinh đẹp và có gu
- Teen muốn làn da trắng sáng hơn – bí kíp nào an toàn, khoa học?
1.3. Bắt đầu có tình cảm yêu đương
Dậy thì là giai đoạn phát triển và trưởng thành về mặt giới tính, do đó con có những tò mò về cơ thể mình và bắt đầu bị thu hút bởi người khác.
Không chỉ vậy, với sự phát triển của nhiều phương tiện điện tử ngày nay, trẻ dễ dàng bắt gặp những hình ảnh lãng mạn, tình cảm trên phim ảnh, sách truyện và cảm thấy hưng phấn, thích thú.
Trẻ có thể có tình cảm với bạn bè, muốn tương tác về thể xác và khám phá cơ thể. Lúc này, các bậc cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của con cũng như có phương án giáo dục giới tính phù hợp.
1.4. Tâm trạng nhạy cảm, thất thường
Dậy thì là giai đoạn thay đổi từ lúc vô tư, hồn nhiên thành một phiên bản trưởng thành hơn, do đó trẻ sẽ không có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm để vượt qua những áp lực trong cuộc sống. Các bé gái có thể nhạy cảm hơn trước bất kỳ sự thay đổi nào và xúc động khi đối mặt với những vấn đề mới.
Sự thay đổi của các hormone nội tiết tố cũng có thể khiến tâm trạng của trẻ thất thường, “sáng nắng, chiều mưa”, thay đổi từ vui vẻ sang cáu kỉnh, buồn chán trong một thời gian ngắn. Một số bé vốn hoạt bát, năng động có thể trở nên trầm tính, ít nói, khép mình hơn hoặc ngược lại.
2. Cách quan tâm con gái khi đến tuổi dậy thì
Tâm sự với con gái tuổi dậy thì không phải điều đơn giản với tất cả các bậc cha mẹ. Dưới đây là một số mẹo nhỏ để các bậc cha mẹ có thể trở thành bạn đồng hành cùng con gái trong độ tuổi ẩm ương này dễ dàng hơn.
2.1. Dành cho con nhiều thời gian hơn
Con cái trong độ tuổi dậy đặc biệt cần sự quan tâm, chăm sóc từ cha mẹ. Đối với con gái, các mẹ hãy dành nhiều thời gian hơn cho con để nhận biết được sự thay đổi của con trong ngoại hình, tính cách, từ đó có cách ứng xử phù hợp nhất với con.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên thường xuyên dành thời gian nói chuyện, chia sẻ với con về nhiều chủ đề như bạn bè, người yêu,… như một người bạn và cho con những lời khuyên chân thành nhất. Hãy giúp con biết rằng “dù có như thế nào thì cha mẹ vẫn luôn ở bên con và không bao giờ bỏ mặc con.”
2.2. Giúp con tự tin hơn về bản thân
Để tăng thêm sự gắn kết giữa cha mẹ và con gái trong độ tuổi dậy thì, cha mẹ hãy giúp con tin tưởng và tự tin hơn vào bản thân. Hãy dạy con nhớ rằng sự tự tin chính là chìa khóa để mở ra những cơ hội, hành công và hạnh phúc trong tương lai. Cha mẹ có thể cho con tham gia những lớp học năng khiếu con yêu thích hoặc trau dồi những kỹ năng mềm con mong muốn. Không chỉ vậy, hãy giúp con tự tin với ngoại hình của mình và hài lòng với những gì bản thân đang có.
2.3. Động viên con cố gắng để theo đuổi ước mơ
Giai đoạn tuổi dậy thì cũng là thời gian trẻ bắt đầu có những ước mơ của bản thân. Do đó, vai trò của cha mẹ trong việc định hướng và giúp con tìm ra mong muốn có bản thân trong tương lai là điều vô cùng quan trọng. Cha mẹ hãy dạy con cách trân trọng ước mơ dù đó có là gì và sẵn sàng theo tuổi đến cùng. Và hãy luôn động viên con rằng dù có vấn đề gì thì gia đình vẫn luôn là hậu phương vững chắc để con tựa vào.
2.4. Cung cấp cho con đủ kiến thức về giới tính
Gia đình và nhà trường có vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho trẻ những kiến thức về giáo dục giới tính. Điều này không chỉ liên quan đến sức khỏe thể chất, tinh thần và còn tác động đến hạnh phúc suốt đời của con. Hãy chỉ cho con biết những biểu hiện của tuổi dậy thì ở con gái như có kinh nguyệt, ngực phát triển, mọc lông mu và ở con trai gồm như tiểu đêm, mộng tinh, xung động tình dục từ đó tìm cách giúp đỡ con giải quyết những tình trạng trên.
Các cha mẹ đồng hành cùng con như những người bạn, giúp con xóa bỏ những nghi ngờ về tâm lý, thể chất và cung cấp cho con những kiến thức tình dục đúng đắn để con hiểu biết, sẵn sàng với những thay đổi của cơ thể và được lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc.
2.5. Chia sẻ với con tầm quan trọng của vệ sinh cá nhân
Kỳ kinh nguyệt đầu tiên có thể khiến nhiều bạn gái cảm thấy bối rối và lo lắng. Do đó, mẹ hãy nói chuyện và giúp đỡ con dần quen với chu kỳ sinh lý này. Cùng với đó, hãy dạy con cách vệ sinh vùng tam giác sao cho đúng cách, nên thay băng vệ sinh mỗi 4 – 6 giờ, thay quần lót hằng ngày và phơi nắng,…
Ngoài ra, một số trẻ có thể cảm thấy lo lắng về những sợi lông kém thẩm mỹ ở vùng dưới cánh tay, nên vội vàng tìm cách giải quyết như cạo hoặc dùng nhổ bằng nhíp. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ khiến cho lỗ chân lông ngày càng to và vùng nách thâm sạm hơn. Để tránh những tác động không đáng có, mẹ hãy hướng dẫn con những phương pháp dọn dẹp vi-ô-lông như dùng kem tẩy lông, triệt lông tại spa, wax lông…
2.6. Nhắc nhở con tự bảo vệ bản thân
Khi con gái bắt đầu có chu kỳ kinh nguyệt cũng là lúc trẻ có khả năng mang thai. Do đó, cha mẹ cần chia sẻ và nhắc nhở con kỹ lưỡng cách tự bảo vệ bản thân mình để không bị kẻ xấu lợi dụng. Hãy thẳng thắn chia sẻ với con những kiến thức về quan hệ tình dục, các biện pháp phòng tránh thai và cách bảo vệ bản thân để trang bị cho con đầy đủ kiến thức cần thiết nhất.
2.7. Dạy con cách quản lý tài chính
Trong thời đại hiện nay, việc độc lập tài chính là điều cần phải rèn luyện cho cả con trai và con gái. Các cha mẹ cần nhắc nhở để con biết rõ giá trị của đồng tiền, khuyến khích con cái làm thêm để tự chi trả cho việc mua sắm.
Đặc biệt, con gái trong độ tuổi dậy thì thường muốn mua sắm quần áo, trang sức, phụ kiện… cho bằng bạn bằng bè. Trong trường hợp thấy con mua sắm nhiều thứ không cần thiết, cha mẹ hãy nhẹ nhàng hướng dẫn, gợi ý cho con cách lập danh sách những đồ dùng cần thiết và không cần thiết, từ đó xây dựng một kế hoạch mua sắm, chi tiêu hợp lý.
2.8. Tha thứ khi con phạm lỗi lầm
Khi lớn lên, chắc hẳn trẻ sẽ không tránh khỏi những lỗi lầm đáng tiếc. Lúc này, cha mẹ không nên trách mắng, trừng phạt mà hãy tìm hiểu lý do con mắc lỗi và cùng con tìm ra cơ hội để sửa chữa, làm lại. Vì con gái trong độ tuổi dậy thì rất nhạy cảm và dễ xúc động nên các bậc phụ huynh nên hành xử nhẹ nhàng, đúng mực.
3. Những điều cần tránh khi tâm sự với con gái tuổi dậy thì
3.1. To tiếng và dùng roi vọt để dạy con
Trách mắng, to tiếng, thậm chí dùng roi vọt để dạy con gái tuổi dậy thì không phải phương pháp hiệu quả vì đây là giai đoạn trẻ có cái tôi cao, sẽ không còn muốn nghe phụ huynh nói gì nữa và tỏ thái độ chống đối cha mẹ. Do vậy, cách tốt nhất là cha mẹ cần giữ bình tĩnh, đặt mình vào vị trí của con và nói chuyện nhẹ nhàng để cùng giải quyết những khó khăn.
3.2. Không lắng nghe tâm sự của con gái
Con gái trong độ tuổi dậy thì có nhiều nỗi băn khoăn và lo lắng. Do vậy, cha mẹ cần dành nhiều thời gian đồng hành cùng con như một người bạn. Sự bận rộn trong công việc của cuộc sống có thể khiến nhiều bậc cha mẹ dành ít thời gian cho con cái, tuy nhiên, điều này sẽ khiến con cái lo ngại, không muốn chia sẻ và xin lời khuyên từ cha mẹ, từ đó dẫn đến sự xa cách trong gia đình.
3.3. Quá nghiêm khắc với con gái
Những bậc cha mẹ quá nghiêm khắc với con gái trong việc làm đẹp, vui chơi, chi tiêu… có thể dễ gây tác dụng ngược. Một số trẻ không được cha mẹ đáp ứng những mong muốn có thể đi vay mượn tiền của bạn bè hoặc tìm mọi cách để đạt được mong muốn của mình, từ đó dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Do vậy, cha mẹ không nên quá nghiêm khắc, hãy nhẹ nhàng lắng nghe những mong muốn của con, phân tích đâu là những khoản chi tiêu hợp lý, không hợp lý và dạy con cách chi tiêu phù hợp.
Lời kết:
Bài viết trên đây là những thông tin cơ bản dành cho các bậc phụ huynh để có thể thấu hiểu tâm lý con gái tuổi dậy thì. Chắc hẳn đây là khoảng thời gian khó khăn đối với các con, do vậy, cha mẹ hãy kiên nhẫn, sẵn sàng làm bạn và cùng con lớn lên một cách tốt nhất nhé!