Chu kỳ kinh nguyệt là một trong những dấu hiệu cho thấy khả năng sinh sản ở nữ giới. Chính vì vậy nhiều người thắc mắc rằng “vô sinh có đến tháng không?”. Nếu bạn cũng quan tâm đến vấn đề này thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
1. Kinh nguyệt có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản?
Vô sinh là thuật ngữ chỉ việc con người mất khả năng sinh sản tự nhiên. Với nữ giới, khi bị vô sinh, chị em sẽ không thể mang thai dù vẫn quan hệ tình dục bình thường, đều đặn trong khoảng 6 – 12 tháng và không sử dụng biện pháp tránh thai.
Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý tự nhiên ở nữ giới, xuất hiện lặp đi lặp lại theo tính chu kỳ. Sự xuất hiện của kinh nguyệt vào tuổi dậy thì cũng được xem là yếu tố đánh dấu việc nữ giới bắt đầu có khả năng sinh sản.
Chu kỳ kinh nguyệt là sự thay đổi sinh lý định kỳ diễn ra bên trong cơ thể nữ giới, bao gồm sự thay đổi của các hormone sinh dục, bắt đầu từ thời kỳ dậy thì và kết thúc ở giai đoạn mãn kinh.
Trong chu kỳ kinh nguyệt sẽ diễn ra giai đoạn rụng trứng, nếu trứng gặp được tinh trùng, quá trình thụ tinh sẽ diễn ra và chuyển thành phôi thai. Ngược lại, nếu trứng không được thụ tinh, chu kỳ kinh nguyệt sẽ tiếp tục với sự xuất hiện của máu kinh.
2. Vô sinh có đến tháng không?
Kinh nguyệt có khả năng phản ánh khả năng sinh sản của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nữ giới bị vô sinh có đến tháng không còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Chẳng hạn nếu nguyên nhân gây vô sinh xuất phát từ việc không có buồng trứng hoặc tử cung, chị em sẽ không có kinh nguyệt.
Ngoài ra, nếu vô sinh có liên quan đến những bệnh lý như tắc vòi trứng, hẹp ống dẫn trứng… chị em vẫn có thể có kinh nguyệt bình thường, tuy nhiên khả năng thụ thai, mang thai sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Trong khi đó, nếu nguyên nhân gây vô sinh là do các vấn đề nội tiết như hội chứng đa nang buồng trứng, suy buồng trứng, rối loạn tuyến giáp hoặc tình trạng tăng prolactin… thì chị em có thể bị kinh nguyệt không đều, ít kinh hoặc vô kinh.
Trường hợp vô sinh xảy ra do sự bất thường về phóng noãn như trứng không rụng, rụng trứng không đều… thì nữ giới có thể bị rối loạn kinh nguyệt hoặc không có kinh.
Như vậy, không phải tất cả các trường hợp vô sinh đều bị vô kinh, có nhiều chị em vô sinh vẫn đến tháng bình thường. Để xác định chính xác tình trạng và nguyên nhân cụ thể gây vô sinh, chị em nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn.
Tìm hiểu chi tiết: Bệnh nội tiết nào dễ gây vô sinh?
3. Những dấu hiệu vô sinh qua kinh nguyệt
Kinh nguyệt là một trong những yếu tố cho thấy khả năng sinh sản ở nữ giới, do đó, nếu chị em bị vô sinh, kinh nguyệt có thể xuất hiện các bất thường như:
3.1. Rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra do những thay đổi sinh lý bình thường hoặc cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sự bất ổn của hệ thống sinh sản.
Theo đó, kinh nguyệt thường xuyên diễn ra không đều, ví dụ như chu kỳ ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày, có thể liên quan đến chứng vô sinh.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể bao gồm rối loạn hormone ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng, cấu trúc tử cung bất thường hoặc các bệnh lý như buồng trứng đa nang, u xơ tử cung, viêm vùng chậu…
Xem thêm: Làm gì khi 2 tháng không có kinh?
3.2. Vô kinh
Vô kinh là thuật ngữ chỉ tình trạng nữ giới không có chu kỳ kinh nguyệt hoặc bị mất kinh trong nhiều chu kỳ liên tiếp. Cụ thể:
- Vô kinh nguyên phát: Được xác định khi nữ giới đã qua tuổi dậy thì, thường là đủ 16 tuổi mà chưa có chu kỳ kinh nguyệt mặc dù các đặc điểm sinh dục đã phát triển đầy đủ.
- Vô kinh thứ phát: Là trường hợp đã có kinh trước đây nhưng bị mất kinh trong ít nhất liên tiếp 3 kỳ kinh trở lên dù chưa đến giai đoạn mãn kinh.
Tình trạng vô kinh có thể liên quan đến các bất thường về buồng trứng, dẫn đến việc không rụng trứng làm khả năng thụ thai giảm.
Mặt khác, một số trường hợp vô kinh nguyên phát có thể xuất hiện do những bất thường như không có tử cung thì hoàn toàn không có khả năng mang thai, sinh con.
3.3. Cường kinh hoặc thiểu kinh
Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường thường kéo dài từ 3 đến 7 ngày với tổng lượng máu kinh khoảng 50 – 80ml.
Trường hợp kinh nguyệt ra quá nhiều, kỳ kinh nguyệt kéo dài, máu kinh ra nhiều, cần thay băng vệ sinh liên tục 1 – 2 giờ/lần (cường kinh) hoặc quá ít, chỉ có vài giọt hay xuất hiện trong 1 – 2 ngày (thiểu kinh) đều có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới.
3.4. Rong kinh
Khi bị rong kinh, chu kỳ kinh nguyệt của chị em vẫn diễn ra như bình thường nhưng số ngày kinh nguyệt sẽ kéo dài hơn 7 ngày, thậm chí lên đến hơn 15 ngày (rong huyết).
Tình trạng này có thể là biểu hiện của vấn đề rối loạn nội tiết. Nghiêm trọng hơn chúng có thể liên quan đến các bệnh lý như u xơ tử cung, ung thư tử cung, viêm nội mạc tử cung, ung thư âm đạo… Nếu không điều trị kịp thời, có thể gây hậu quả cho khả năng sinh sản của phụ nữ.
Xem thêm: Kinh nguyệt dài 15 ngày – cẩn trọng sức khỏe!
3.5. Kinh nguyệt có màu đen, vón cục, có mùi khó chịu
Nếu bạn nhận thấy kinh nguyệt có màu đen, vón cục, có mùi hôi.. thì rất có thể hệ thống sinh sản của bạn đang có những bất thường.
Chúng có thể là dấu hiệu của những rối loạn của hệ thống nội tiết hoặc bệnh lý phụ khoa… khiến nang trứng không phát triển đầy đủ hoặc phóng noãn đúng chu kỳ. Những điều này sẽ cản trở quá trình thụ thai ở nữ giới, làm tăng nguy cơ vô sinh.
Đọc tiếp: Kinh nguyệt màu đen nói lên điều gì?
4. Một số dấu hiệu cảnh báo vô sinh khác
Khi khả năng sinh sản bị ảnh hưởng, tùy vào nguyên nhân cụ thể, chị em có thể gặp phải các dấu hiệu khác như:
Tiết dịch âm đạo bất thường: Dịch tiết âm đạo tăng lên, có màu vàng hoặc xanh, kèm theo mùi hôi khó chịu và cảm giác ngứa rát, khó chịu… có thể là biểu hiện của viêm nhiễm vùng kín hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng và bệnh lý nghiêm trọng, gây vô sinh.
Thường xuyên đau vùng chậu: Đau vùng chậu có thể là biểu hiện của chứng viêm vùng chậu. Nếu không được điều trị hiệu quả, viêm vùng chậu có thể gây áp xe vùng chậu, ảnh hưởng tới quá trình thụ thai.
Tiết dịch ở bầu ngực: Nếu phát hiện đầu ngực tiết dịch màu trắng đục giống sữa mà không liên quan đến thai kỳ, hay sinh nở thì đó có có thể đó là dấu hiệu của mức prolactin cao. Sự gia tăng prolactin có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, làm giảm khả năng thụ thai.
Các dấu hiệu khác:
Trường hợp nguyên nhân vô sinh xuất phát từ các vấn đề liên quan đến hormone, chị em còn có thể gặp phải các triệu chứng bao gồm:
- Da nổi nhiều mụn
- Lông mọc nhiều ở ngực, lưng, cằm và ria mép…
- Tăng cân nhanh…
Kết luận
Việc vô sinh có đến tháng hay không sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Để đảm bảo sức khỏe và khả năng sinh sản, chị em nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám nếu nghi ngờ bản thân bị vô sinh, hiếm muộn hoặc có các bất thường về kinh nguyệt.