Nói về độ tuổi dậy thì người xưa có câu “nữ thập tam, nam thập lục” ý nói con gái 13 tuổi dậy thì còn con trai là 16. Tuy nhiên thực tế không phải ai cũng dậy thì vào đúng độ tuổi này. Vậy bé gái 11 tuổi có kinh nguyệt có sao không? Cần chuẩn bị gì cho bé khi bước vào tuổi dậy thì?
Nội dung bài viết
1. 11 tuổi có kinh nguyệt có sao không?
Trước đây tuổi dậy thì ở nữ giới thường bắt đầu từ 13 – 15 tuổi. Tuy nhiên hiện nay do chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt đã có nhiều khác biệt nên độ tuổi dậy thì ở trẻ gái sẽ có xu hướng bắt đầu sớm hơn, khoảng từ 9 – 13 tuổi.
Theo thống kê, bé gái sống ở thành thị thường có kỳ kinh nguyệt đầu tiên sớm hơn so với các bé ở nông thôn. Điều này là do trẻ được đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng.
Đặc biệt, những bé gái béo phì sẽ có nguy cơ bị dậy thì sớm (trước 8 tuổi).
Như vậy, việc bé gái 11 tuổi có kinh nguyệt là hoàn toàn bình thường, ba mẹ không cần lo ngại.
☛ Xem thêm: Dấu hiệu dậy thì ở nữ giới
2. Dậy thì ở bé gái khi nào được coi là sớm?
Như đã đề cập ở trên, dậy thì sớm ở bé gái là tình trạng quá trình dậy thì diễn ra trước 8 tuổi.
Khi bé gái trải qua giai đoạn dậy thì sớm, hệ thống tuyến sinh dục (bao gồm buồng trứng) cùng với các tuyến thượng thận (các tuyến nằm trên thận) sẽ khởi đầu việc sản xuất và giải phóng hormone, tạo nên một loạt các biến đổi trong cơ thể. Một số dấu hiệu có thể bao gồm:
- Sự phát triển của vùng ngực
- Xuất hiện mùi cơ thể
- Mọc lông ở nách và vùng kín
- Xuất hiện các nốt mụn trứng cá
- Bắt đầu có chu kỳ kinh nguyệt (thường xuất hiện sau khoảng 2-3 năm kể từ khi bắt đầu phát triển vùng ngực).
Dậy thì sớm ở bé gái có thể làm ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của trẻ, đồng thời còn làm tăng nguy cơ dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung…
Ngoài ra, một số trường hợp trẻ dậy thì sớm còn do các tổn thương não hoặc tủy sống.
Do đó, cha mẹ cần thường xuyên để ý, quan tâm đến sức khỏe của bé. Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào hoặc nghi ngờ trẻ bị dậy thì sớm, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám, điều trị.
Hỏi đáp: Tuổi dậy thì con gái có ham muốn không?
2. Dấu hiệu bé sắp đến kỳ kinh nguyệt
Khi bước vào tuổi dậy thì, không phải bé gái nào cũng có những dấu hiệu của việc sắp có kinh, nhất là trong kỳ kinh nguyệt đầu tiên.
Tuy nhiên, phần lớn trẻ có thể gặp phải một số vấn đề dưới đây:
- Xuất hiện mụn trứng cá ở mặt hoặc các vùng da khác trên cơ thể
- Cảm giác đau bụng hoặc khó chịu ở vùng bụng dưới
- Đau và nhạy cảm ở vùng ngực
- Cảm thấy đau ở thắt lưng
- Rối loạn tiêu hóa, có thể gặp tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy
- Cơ thể mệt mỏi hơn so với bình thường
- Dễ xúc động, cáu kỉnh
- Cảm giác thèm ăn tăng lên, đặc biệt là đồ ngọt…
Hỏi đáp: Kinh nguyệt đến sớm 10 ngày có sao không?
3. Cần làm gì khi bé có kinh nguyệt lần đầu?
Để bé trải qua kỳ kinh nguyệt đầu tiên thật nhẹ nhàng, suôn sẻ, mẹ hãy là người đồng hành cùng bé, hỗ trợ bé giải quyết các vấn đề gặp phải.
3.1. Chuẩn bị tâm lý cho trẻ
Khi bé có kinh nguyệt lần đầu đồng nghĩa với việc bé chính thức bước vào tuổi dậy thì. Nếu không được trang bị kiến thức và chuẩn bị tâm lý, trẻ sẽ rất dễ nảy sinh cảm giác sợ hãi, xấu hổ, tự ti.
Thời điểm này, mẹ cần tạo môi trường thoải mái, cởi mở để bé có thể chia sẻ cảm xúc, thắc mắc của mình.
Hãy trò chuyện với bé về sự thay đổi bên trong và bên ngoài cơ thể mà bạn gái nào cũng trải qua khi đến tuổi dậy thì. Đồng thời giải thích cho bé về ý nghĩa của kỳ kinh và tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn này.
Điều này có ý nghĩa đặc biệt quang trọng, giúp bé có thể đối mặt với tuổi dậy thì một cách tự tin và dễ chịu hơn, không còn cảm giác lo âu hay xấu hổ.
☛ Đọc thêm: Tìm hiểu tâm lý tuổi dậy thì ở con gái
3.2. Chuẩn bị băng vệ sinh phù hợp
Lần đầu tiên có kinh, trẻ sẽ rất lóng ngóng và không biết cách xử lý. Vì vậy, mẹ nên chuẩn bị băng vệ sinh cho bé, đồng thời hướng dẫn bé cách chọn băng vệ sinh phù hợp. Mẹ có thể cùng bé đi siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi để bé có thể tự do chọn các sản phẩm phù hợp với sở thích và nhu cầu.
Tiếp đến, mẹ cần chỉ cho bé cách sử dụng và băng vệ sinh đúng cách. Hãy giải thích cho bé về việc cần thay băng vệ sinh đều đặn và giữ vệ sinh cá nhân thật tốt trong những ngày kinh nguyệt.
3.3. Hướng dẫn bé chăm sóc vùng kín trong ngày đèn đỏ
Việc chăm sóc vùng kín là một phần quan trọng để bé có một cơ quan sinh dục khỏe mạnh, đặc biệt là trong kỳ kinh.
Mẹ nên hướng dẫn bé về những nguyên tắc cơ bản như:
Thay băng vệ sinh thường xuyên ít nhất 4 – 6 giờ/lần, hoặc thay khi cảm thấy ẩm ướt. Việc này sẽ giúp giữ vùng kín khô ráo và tránh vi khuẩn xâm nhập, tấn công gây viêm nhiễm.
Rửa vùng kín 2 lần/ngày với nước ấm và dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, phù hợp với làn da của bé. Ngoài ra, bé cũng cần rửa vùng kín bằng nước sạch mỗi lần thay băng vệ sinh. Điều này giúp giữ vùng kín sạch sẽ và hạn chế tình trạng vi khuẩn phát triển.
Chỉ rửa vùng kín ở phía bên ngoài, tuyệt đối không thụt rửa vào bên trong. Tránh tình trạng âm đạo bị tổn thương, đồng thời hạn chế vi khuẩn xâm nhập, tấn công khu vực nhạy cảm này.
Mặc quần lót thoải mái, có chất liệu thoáng mát, thấm hút tốt như cotton, không nên mặc quần lót chật bởi chúng có thế khiến vùng kín bí bách, tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Không dùng các sản phẩm vệ sinh có thành phần hóa học, chất tẩy rửa để vệ sinh vùng kín, không chà xát sữa tắm, xà phòng lên vùng da này. Tránh tình trạng vùng da nhạy cảm của bé bị kích ứng, tổn thương.
3.4. Áp dụng các biện pháp giảm triệu chứng tiền kinh nguyệt
Khi đến tuổi dậy thì, bé có thể bị làm phiền bởi các triệu chứng tiền kinh nguyệt ngay trong kỳ kinh đầu tiền hoặc những lần sau đó. Mẹ có thể giúp bé giảm bớt khó chịu trong ngày “đèn đỏ” bằng những cách sau:
Chườm ấm:
Nếu bé bị đau bụng, mẹ hãy sử dụng bình nước hoặc túi chườm ấm đặt lên vùng bụng cho bé. Nước ấm sẽ giúp tăng cường lưu thông máu, thư giãn cơ tử cung, hỗ trợ giảm nhẹ cơn đau.
Massage bụng:
Massage bụng với các chuyển động vòng tròn tại bụng dưới cũng là cách giúp giảm đau bụng ngày đèn đỏ hiệu quả mà mẹ có thể áp dụng cho bé.
Hỏi đáp: Đau bụng kinh xoa môi trên có đỡ không?
Uống nước ấm:
Uống nước ấm sẽ giúp làm ấm cơ thể, tạo điều kiện cho máu lưu thông tốt hơn, hỗ trợ giảm cảm giác khó chịu cho bé trong những “ngày ấy”.
Uống trà thảo dược:
Các loại trà thảo dược như trà hoa cúc, trà gừng… cũng có thể giúp giảm cảm giác đau và khó chịu trong ngày “đèn đỏ”.
Tắm nước ấm:
Hãy nhắc nhở bé về việc tắm nước ấm. Nhiệt độ của nước sẽ giúp làm giãn các cơ, đồng thời thư giãn tinh thần, làm giảm cảm giác đau lưng, đau bụng, mệt mỏi…
Bổ sung dinh dưỡng khoa học, hạn chế ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, không uống rượu bia, nước có gas… ☛ Xem thêm: Con gái tới tháng nên ăn, uống gì?
Kết luận:
11 tuổi có kinh nguyệt tuy không quá phổ biến nhưng cũng không phải hiện tượng bất thường. Thực tế, mỗi bé đều có cơ địa và sự phát triển khác nhau. Điều quan trọng là ba mẹ cần tạo môi trường thoải mái, đặc biệt là mẹ hãy đồng hành cùng bé để bé vượt qua giai đoạn này một cách tích cực.
Nếu bé có những dấu hiệu căng thẳng, lo âu quá mức hoặc gặp phải các triệu chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và chăm sóc thích hợp.