Bánh mì được rất nhiều người ưa thích sử dụng cho bữa sáng và thậm chí là cả bữa trưa, bữa tối bởi chúng rất tiện lợi, dễ tìm mua, dễ bảo quản mà lại giúp no lâu. Tuy nhiên nhiều người tin rằng ăn nhiều bánh mì thực sự không tốt cho sức khỏe và cả làn da. Vậy bị mụn có nên ăn bánh mì không? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé!
Bánh mì chứa những thành phần dinh dưỡng nào?
Thực tế hiện nay có rất nhiều loại bánh mì khác nhau như: bánh mì thường, bánh mì ngọt, bánh mì nhân dừa, bánh mì sữa, bánh sandwich,… Ngoài ra còn có bánh mì ngũ cốc, bánh mì nguyên cám, bánh mì đen dành cho người ăn kiêng. Tuy nhiên, nội dung dưới đây chủ yếu đề cập đến bánh mì thường – loại bánh mì quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt.
Một ổ bánh mì trung bình có kích thước 86 – 90g sẽ chứa khoảng 236 Kcal. Nếu ăn bánh mì có nhân thịt hoặc pate, trứng, xúc xích,… lượng calo có thể lên tới 400 – 579 Kcal. Do đó ăn bánh mì sẽ giúp cung cấp đủ năng lượng để ta có thể tham gia các hoạt động thường ngày.
Dù vậy, bánh mì thực sự không chứa nhiều chất dinh dưỡng. Một số thành phần có thể kể đến gồm: tinh bột, protein, lipid, sắt, natri, kali, canxi,… Trong đó tinh bột hay chất bột đường (Glucid) là thành phần chính của bánh mì. Chúng có vai trò cốt lõi trong việc cung cấp năng lượng cho cơ thể (chiếm 55 – 65% tổng năng lượng). Nghiên cứu cho thấy Glucid có mặt trong các tế bào, tổ chức, giúp điều hòa hoạt động của cơ thể như chuyển hóa chất béo, hạn chế phân hủy protein. Ngoài ra, thành phần này cũng giúp tạo cảm giác no lâu hơn.
Tuy nhiên theo khuyến cáo ta không nên nạp quá nhiều Glucid. Cụ thể, lượng chất bột đường dư thừa sẽ chuyển hóa thành mỡ để tích trữ năng lượng, dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì cùng nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngoài ra ăn quá nhiều chất bột đường cũng có thể gây bệnh tiểu đường và máu nhiễm mỡ,…
Bị mụn có nên ăn bánh mì?
Chất bột đường trong bánh mì là loại tinh bột dễ hấp thụ. Nếu ăn nhiều có thể thúc đẩy cơ thể sản sinh insulin, khiến nồng độ hormone IGF-1 tăng lên, kích thích sản xuất bã nhờn, làm tình trạng mụn trứng cá trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, trong bánh mì còn có chất gluten – một loại protein được sử dụng như chất kết dính, giúp tăng độ dẻo, độ đàn hồi, định hình cấu trúc cho bánh. Việc tiêu thụ 1 lượng lớn gluten có thể thúc đẩy phản ứng viêm và gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa. Điều này rất không tốt cho da mụn.
Chính vì vậy khi bị mụn bạn không nên ăn bánh mì. Tuy nhiên điều này không có nghĩa bạn phải từ bỏ hoàn toàn những ổ bánh mì thơm ngon, nóng giòn mà thay vào đó hãy ăn với 1 lượng vừa phải và không nên dùng quá thường xuyên. Ngoài ra, bạn cũng có thể thay thế bánh mì thường bằng một số loại bánh mì như: bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên cám, bánh mì lúa mạch đen,… Theo chuyên gia, những loại bánh mì này sẽ tốt cho sức khỏe hơn so với các loại được làm từ bột mì tinh chế. Chúng chứa carbohydrate phức hợp và giàu chất xơ nên có thể giúp lượng đường trong máu ổn định định hơn, tránh làm mụn bùng phát.
Đọc thêm:
Bị mụn không nên ăn gì?
Ngoài việc hạn chế sử dụng các loại bánh mì giàu carbohydrate tinh chế, khi bị mụn ta cũng nên tránh một số loại đồ ăn thức uống như:
- Đồ ăn cay nóng: Những món ăn cay nóng có thể làm tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn, đồng thời làm tăng tiết mồ hôi, khiến lỗ chân lông dễ bị bít tắc, dẫn đến nổi mụn nhiều hơn.
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ: Những món chiên xào nhiều dầu mỡ thường chứa nhiều chất béo bão hòa, khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn và kích thích các phản ứng viêm làm mụn thêm trầm trọng.
- Đồ ăn nhiều muối: Ăn mặn sẽ khiến các tế bào trong cơ thể tích nước, đồng thời làm da không đào thải được các chất độc ra ngoài và bị xỉn màu. Ngoài ra, natri dư thừa cũng góp phần gây nên tình trạng viêm, làm mụn xuất hiện nhiều hơn.
- Thực phẩm nhiều đường: Đường sẽ kích thích cơ thể sản sinh insulin, đồng thời khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, gây bít tắc lỗ chân lông và nổi mụn.
- Đồ uống có ga: Các loại đồ uống có ga thường chứa nhiều aspartame – chất có khả năng gây mụn nên nếu sử dụng nhiều có thể khiến mụn bùng phát.
- Rượu bia: Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rượu, bia cũng khiến nồng độ hormone estradiol (một dạng estrogen) tăng mạnh, gây mất cân bằng nội tiết tố và kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, gây bít tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện cho mụn xuất hiện.
- Cà-phê: Trong cafein có chứa chất có khả năng kích thích hoạt động của hormone gây căng thẳng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khiến da nổi mụn.
Song song với việc tránh sử dụng các thực phẩm ảnh hưởng xấu đến da mụn, ta cũng cần tăng cường bổ sung một số dưỡng chất dưới đây để có làn da khỏe đẹp hơn:
- Omega-3: Omega-3 có khả năng chống viêm, chống oxy hóa, có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm nhiễm trên da, từ đó cải thiện mụn hiệu quả.
- Chất xơ: Chất xơ sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy đào thải độc tố ra bên ngoài cơ thể. Ngoài ra, chúng cũng góp phần kiểm soát đường huyết, hỗ trợ giảm viêm, từ đó làm giảm mụn trứng cá.
- Kẽm: Kẽm có đặc tính chống viêm mạnh, đồng thời giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương, từ đó cải thiện và ngăn ngừa mụn.
- Vitamin C: Ngoài tác dụng tăng cường đề kháng cho cơ thể, vitamin C còn có đặc tính chống oxy hóa mạnh, giúp củng cố hàng rào bảo vệ da và chống lại gốc tự do, kích thích tái tạo tổn thương da, từ đó cải thiện các vấn đề trên da, bao gồm mụn trứng cá.
- Probiotic: Probiotic là vi khuẩn sống có vai trò quan trọng trong việc cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Không những vậy chúng còn có tác dụng ngăn ngừa mụn trên da nhờ khả năng giảm viêm, chống lại quá trình oxy hóa.
Ngoài việc quan tâm đến chế độ ăn uống, để cải thiện mụn hiệu quả, chúng ta cần chú ý chăm sóc khoa một cách khoa học. Xem chi tiết: Bí quyết chăm sóc da mụn lỗ chân lông to.