Nhiều chị em cảm thấy lo lắng khi bôi thuốc trị mụn bị rát da mà không rõ tình trạng này là bình thường hay bất thường và nguyên nhân do đâu. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.
Nội dung bài viết
Nguyên nhân bôi thuốc trị mụn bị rát da
Một số loại thuốc thường được dùng để bôi trực tiếp lên vùng da bị mụn như:
Clindamycin 1%: Hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn Propionibacterium acnes, giảm các tổn thương do mụn mủ, sần mủ gây ra, ít có hiệu quả với nhân mụn và nang mụn.
Erythromycin 4%: Trị mụn và ngăn ngừa nhiễm khuẩn ngoài da.
Benzoyl peroxide: Kìm hãm sự tăng trưởng của vi khuẩn gây mụn Propionibacterium acnes, đồng thời giảm lượng acid béo tự do trong nang tuyến bã giúp tiêu nhân mụn.
Tretinoin: Mở các nang chứa nhiều vi khuẩn Propionibacterium acnes, Staphylococcus epidermis gây mụn, tránh ứ đọng chất bã và giúp nhân mụn trồi ra ngoài.
Bên cạnh những lợi ích được nêu trên, trong quá trình sử dụng thuốc trị mụn, nhiều người có cảm giác rát da, ngứa da, châm chích. Tình trạng này thường bắt nguồn từ một trong những nguyên nhân sau:
- Thuốc đang phát huy tác dụng: Trong trường hợp này, hiện tượng rát da là bình thường và chỉ kéo dài khoảng 5 – 10 phút là tự biến mất.
- Da bị kích ứng: Kích ứng da xảy ra khi sử dụng thuốc trị mụn không phù hợp với loại da hoặc dùng quá liều lượng bác sĩ chỉ định.
- Tiếp xúc vết thương hở: Người dùng bôi thuốc vào nốt mụn bị nặn trước đó hoặc vùng da tổn thương dẫn đến tình trạng bỏng rát.
Một số hiện tượng có thể gặp khi bôi thuốc trị mụn
Trước khi dùng thuốc trị mụn, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ da liễu để lựa chọn loại thuốc và liều lượng sử dụng phù hợp với tình trạng da hiện tại.
Không tự ý mua thuốc và dùng thuốc theo lời giới thiệu của người không có chuyên môn để tránh da bị kích ứng mạnh, tình trạng mụn tiến triển xấu đi và khó khắc phục hơn.
Dưới đây là một số hiện tượng có thể gặp khi bôi thuốc trị mụn:
Hiện tượng bình thường
Sau khi bôi thuốc trị mụn, da hơi nóng rát, châm chích kéo dài khoảng 5 – 10 phút rồi tự biến mất là hiện tượng bình thường, chứng tỏ thuốc đang thấm vào da và phát huy tác dụng.
Trong trường hợp này, bạn không cần quá lo lắng và tiếp tục sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Dưới đây là một số mẹo giảm rát da khi bôi thuốc trị mụn:
- Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ làm sạch da mặt, thoa thêm toner giúp cân bằng độ pH cho da trước khi dùng thuốc trị mụn.
- Lấy lượng thuốc vừa đủ, bôi một lớp mỏng lên da, tránh các nốt mụn bị vỡ hoặc vết thương hở.
- Trong thời gian đầu, bạn có thể trao đổi với bác sĩ da liễu giảm tần suất sử dụng như bôi cách ngày hoặc giảm từ 2 lần/ngày xuống 1 lần/ngày để da quen dần với thuốc. Sau đó, trở lại với tần suất bôi bình thường để thuốc phát huy tối đa tác dụng trị mụn.
Đọc thêm: Đang trị mụn bằng isotretinoin có uống oeneva được không?
Hiện tượng bất thường
Bôi thuốc trị mụn bị rát da trong thời gian dài, có thể kèm theo một số triệu chứng khác như: khô, ngứa, sưng da, bong tróc, phồng rộp, nhói đau, nổi mụn nước… là hiện tượng bất thường, chứng tỏ da bạn đang bị kích ứng nặng.
Lúc này, bạn nên dừng thuốc ngay lập tức và đến bác sĩ da liễu để thăm khám, tìm phương án khắc phục như: giảm tần suất sử dụng, thay đổi thuốc mới dịu nhẹ hơn, hoặc thay thế bằng phương pháp trị mụn khác như:
➤ Uống thuốc trị mụn: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh (tetracyclin, macrolid), thuốc kháng androgen, isotretinoin… tùy vào tình trạng mụn của mỗi người.
➤ Áp dụng công nghệ trị mụn: Một số công nghệ trị mụn hiện đại được ưa chuộng nhất hiện nay là:
- Trị mụn bằng công nghệ Q – Plus Evo: Dùng hai bước sóng 532nm và 1064nm tác động lên da, giảm viêm đỏ, bã nhờn và phân tán mảnh sắc tố để trị thâm sau mụn.
- Trị mụn bằng xung ánh sáng cường độ cao IPL: Xung ánh sáng cường độ cao IPL có khả năng tiêu diệt hoàn toàn ổ vi khuẩn Propionibacterium acnes, giảm viêm, không tổn thương vùng da xung quanh, không để lại sẹo hoặc vết thâm.
- Trị mụn bằng Laser CO2 vi điểm: Chùm tia laser cực nhỏ với bước sóng 10.600nm đi sâu vào lớp hạ bì, loại bỏ vi khuẩn gây mụn, điều tiết bã nhờn. Đây còn là phương pháp kích thích mô tăng sinh collagen làm đẹp da, ngăn ngừa lão hóa, trị sẹo sau mụn.
Lưu ý khi bôi thuốc trị mụn
Để thuốc trị mụn mang lại nhiều hiệu quả, bạn lưu ý những vấn đề sau:
- Mua thuốc tại cơ sở uy tín, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng xấu đến da bạn.
- Duy trì sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ da liễu, không tự ý ngừng thuốc hoặc dùng thêm thuốc khác khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ
- Bổ sung hoạt chất tốt cho da như kẽm có trong cá biển, thịt đỏ, đậu, ngũ cốc nguyên hạt… có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm mụn hiệu quả. Ngoài ra, bạn nên bổ sung thêm vitamin A trong bông cải xanh, rau bina, xoài… và vitamin D trong trứng, nấm, sữa, các loại cá béo… bảo vệ da khỏi các tác nhân có hại, tăng sức đề kháng giúp da khỏe mạnh hơn.
- Không tự ý nặn mụn, chạm tay lên mặt để tránh bụi bẩn, vi khuẩn khiến da nổi nhiều mụn hơn.
- Lựa chọn kem dưỡng ẩm phù hợp và dùng mỗi ngày để kiểm soát quá trình sản xuất bã nhờn, hạn chế tắc nghẽn lỗ chân lông gây mụn.
- Sử dụng kem chống nắng thường xuyên bảo vệ da khỏi ánh sáng mặt trời, nhất là khi dùng thuốc trị mụn da trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương hơn.
Có thể bạn quan tâm: Uống thuốc trị mụn có gây vô sinh?
Lời kết
Thuốc bôi ngoài da có thể giúp bạn loại bỏ những nốt mụn đáng ghét, nhưng cũng có thể khiến da tổn thương hơn nếu không dùng đúng loại và đúng cách.
Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân khiến da bị rát khi bôi thuốc trị mụn và có phương án điều trị phù hợp. Chúc bạn nhanh chóng đánh bay những nốt mụn kém sắc, lấy lại làn da mịn màng, sáng khỏe!
Tài liệu tham khảo
https://suckhoedoisong.vn/thuoc-boi-tri-mun-luu-y-can-thiet-khi-su-dung-169145747.htm