Hiện tượng đau bụng kinh vốn không có gi xa lạ với chị em phụ nữ. Chúng có thể âm ỉ hoặc dữ dội, tuy nhiên một số chị em khi đến “ngày ấy” lại cảm thấy đau bụng kinh như gãy xương. Vậy đây là dấu hiệu của bệnh gì? Phải làm sao khi gặp tình trạng này?
Nội dung bài viết
1. Tìm hiểu về các cấp độ đau bụng kinh
Đau bụng kinh có thể được chia thành 4 mức độ khác nhau dựa trên thang điểm VAS và MSS. Cụ thể:
Mức độ 0: Chị em không bị đau bụng, không ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày.
Mức độ 1: Chị em bị đau nhẹ, đạt 1 – 3 điểm theo thang đo, có cảm giác âm ỉ ở bụng dưới, hoạt động hàng ngày ít bị ảnh hưởng, hiếm khi cần đến thuốc giảm đau.
Mức độ 2: Những cơn đau bụng kinh đạt từ 4 – 7 điểm với khả năng ảnh hưởng đến sinh hoạt, hiệu suất công việc ở mức vừa phải. Bên cạnh đó, chị em có thể gặp phải một số triệu chứng khác như mệt mỏi, đau đầu… Sử dụng thuốc giảm đau sẽ giúp các triệu chứng thuyên giảm đáng kể.
Mức độ 3: Đây là mức độ đau nhiều nhất, đạt 8 – 10 điểm. Những cơn đau dữ dội, kéo dài, làm gián đoạn giấc ngủ và các hoạt động thường ngày.
Chị em cũng có thể bị nhức đầu, nôn mửa, tiêu chảy, mệt mỏi… Thuốc giảm đau cũng không thể phát huy tác dụng tốt trong trường hợp này.
2. Đau bụng kinh như gãy xương là dấu hiệu của bệnh gì?
Đau bụng kinh như gãy xương là tình trạng đau bụng dữ dội, có thể xếp vào mức độ 3. Tình trạng này có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như:
2.1. Viêm phần phụ
Viêm phần phụ nói một cách dễ hiểu hơn là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại phần phụ với các cơ quan như vòi trứng, buồng trứng, hệ thống dây chằng tại buồng trứng và tử cung.
Ban đầu, tình trạng viêm phần phụ có khả năng gây ra những cơn đau nhẹ, âm ỉ ở vùng bụng dưới. Tuy nhiên, khi bệnh trở nặng, chị em có thể cảm nhận được những cơn đau như gãy xương sườn ở vùng bụng dưới mỗi khi tới tháng hoặc thậm chí cả khi chưa đến ngày.
Viêm phần phụ cũng làm xuất hiện một số triệu chứng khác như sốt, rối loạn kinh nguyệt, âm đạo tiết dịch bất thường, tiểu buốt…
Bệnh thường khởi phát do vệ sinh vùng kín không đúng cách, quan hệ tình dục không an toàn hoặc biến chứng sản khoa. Ngoài ra, viêm phần phụ cũng có thể là hệ quả của các viêm nhiễm phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung…
2.2. U xơ tử cung
U xơ tử cung làm xuất hiện các khối u tại cơ trơn tử cung. Các khối này có thể chèn ép lên thành tử cung, làm ảnh hưởng đến hoạt động co bóp của tử cung, gây ra những cơn đau nghiêm trọng như gãy xương sườn trong ngày “đèn đỏ”.
Ngoài tác động đến chu kỳ kinh nguyệt và gây đau bụng, u xơ tử cung cũng khiến chị em bị đau hạ vị hoặc bí tiểu, tiểu són…
Thực tế, phần lớn các khối u xơ tử cung đều lành tính và có thể điều trị bằng cách sử dụng thuốc ức chế sự phát triển của chúng hoặc loại bỏ bằng việc can thiệp phẫu thuật trong trường hợp cần thiết.
2.3. Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng những tế bào nội mạc tử cung nằm ở bên ngoài tử cung. Các tế bào này có thể phát triển khá nhanh, gây sưng viêm, chảy máu, đồng thời làm chị em bị đau bụng dữ dội, nhất là khi tới kỳ kinh nguyệt.
Đây được xem là bệnh phụ khoa nguy hiểm, chúng có thể gây ra một số vấn đề như: tắc ống dẫn trứng, tăng nguy cơ hình thành u nang…
Ngoài ra, lạc nội mạc tử cung cũng có thể để lại sẹo kết dính gây đau vùng chậu, đặc biệt làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thụ thai.
2.4. Hẹp cổ tử cung
Hẹp cổ tử cung cũng có thể là nguyên nhân khiến chị em bị đau bụng kinh quằn quại trong những ngày ấy.
Cổ tử cung bị hẹp sẽ khiến dòng chảy của kinh nguyệt bị cản trở. Điều này vô tình làm tăng áp lực bên trong tử cung, gây những cơn đau nghiêm trọng, thậm chí kéo dài.
Ngoài ra, những chị em bị hẹp cổ tử cung cũng dễ bị chảy máu bất thường hoặc đau khi làm “chuyện ấy”.
Hẹp cổ tử cung có thể do bẩm sinh hoặc là hậu quả của các vấn đề như viêm cổ tử cung hoặc hình thành sẹo kết dính sau khi nạo phá thai…
Tình trạng này được xếp vào một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh, hiếm muộn. Ngoài ra, chúng cũng làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non.
2.5. Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung khởi phát do việc sản sinh bất thường của các tế bào cổ tử cung, tạo thành những tế bào ác tính.
Thời điểm mới khởi phát, các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng, thậm chí người bệnh hoàn toàn không nhận thấy các dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, khi khối u bắt đầu phát triển và lớn dần, bệnh nhân có thể bị đau bụng cực nghiêm trọng vào ngày kinh nguyệt.
Một số triệu chứng khác của ung thư cổ tử cung có thể kể đến gồm: âm đạo tiết dịch hoặc ra máu bất thường, đau khi sinh hoạt tình dục…
Với các trường hợp phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
3. Phải làm gì khi đau bụng kinh như gãy xương?
Khi bị đau bụng kinh nghiêm trọng, chị em có thể áp dụng những biện pháp xử lý nhanh tại nhà như nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau không kê đơn, uống nước ấm, massage bụng…
☛ Tìm hiểu thêm: Cách giảm đau bụng kinh hiệu quả
Sau đó cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám, làm rõ nguyên nhân và điều trị kịp thời, đúng cách, tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị phù hợp hoặc phẫu thuật trong một số trường hợp cần thiết. Chị em cần tuân thủ phác đồ, đồng thời kết hợp chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học để cơ thể phục hồi tốt hơn.
Lời kết:
Đau bụng kinh như gãy xương có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm, chị em không nên chủ quan. Hãy tạo thói quen theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, ghi lại những bất thường và chủ động thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu thấy tình trạng này diễn ra thường xuyên.