Màu sắc kinh nguyệt là một trong những yếu tố phản ánh tình trạng sức khỏe của chị em. Tình trạng máu kinh màu đen khiến không ít người cảm thấy tò mò và lo lắng. Nhiều người cũng tự hỏi: “Kinh nguyệt màu đen có thai không?” hay “Kinh nguyệt màu đen là bị làm sao?”… Trong bài viết dưới đây, Oeneva.com sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc xoay quanh những vấn đề này.
Nội dung bài viết
1. Kinh nguyệt màu đen có thai không?
Thực tế, vào giai đoạn đầu tiên của thai kỳ nhiều chị em sẽ bị ra một chút máu âm đạo và chúng được gọi là “máu báo thai”. Đây là một trong những dấu hiệu sớm nhất cho thấy quá trình thụ thai đã diễn ra.
Theo đó, khi trứng đã được thụ tinh và bám vào niêm mạc tử cung, sự xuất hiện và chuyển động của phôi thai trong tử cung có thể làm phá vỡ các mạch máu nhỏ, gây ra hiện tượng chảy máu âm đạo.
Máu báo thai thường xuất hiện vào khoảng từ ngày 10 đến ngày 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Chúng có thể có màu hồng nhạt, nâu hoặc đen và thường chỉ là một đốm nhỏ xuất hiện ở đáy quần lót.
Do đó, nếu bạn thấy kinh nguyệt có màu đen với một lượng rất ít vào thời điểm này, kèm theo các dấu hiệu khác của thai kỳ như mệt mỏi, nhạy cảm với mùi, đi tiểu nhiều, thay đổi núm vú và vùng ngực… thì có khả năng bạn đã mang thai.
Tuy nhiên, tình trạng máu kinh có máu đen cũng có thể là dấu hiệu bất thường, đặc biệt là khi chúng xuất hiện thường xuyên kèm theo các dấu hiệu như xuất hiện cục máu đông, đau bụng dữ dội…
☛ Tìm hiểu thêm: Đau bụng kinh ra máu cục có nguy hiểm không?
2. Kinh nguyệt màu đen nói lên điều gì?
Nếu tình trạng kinh nguyệt có màu đen hoặc nâu vào ngày đầu kỳ kinh thì đây là hiện tượng bình thường, khá phổ biến ở chị em và không có gì đáng lo ngại. Tình trạng này xảy ra do lượng máu nhỏ còn sót lại từ kỳ kinh trước bị oxy hóa, chuyển sang màu nâu, nâu đen hoặc đen.
Tương tự, vào ngày cuối cùng của kỳ kinh chị em cũng có thể gặp phải tình trạng kinh nguyệt có màu đen nếu máu kinh mất nhiều thời gian để rời khỏi cơ thể.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân phổ biến khiến kinh nguyệt có màu đen là do tình trạng rối loạn nội tiết. Điển hình là sự tăng hoặc giảm quá mức của hormone estrogen và progesterone.
Những rối loạn này có thể tác động đến quá trình phát triển niêm mạc tử cung, đồng thời sự đông máu trong tử cung cũng bị ảnh hưởng, máu kinh sẽ có xu hướng đông nhanh hơn và có màu đen.
Đặc biệt, nếu bạn phát hiện có khí hư màu đen trước kỳ kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt hoặc máu kinh có máu đen kèm với những dấu hiệu bất thường, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ vì có thể đó là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nguy hiểm như:
2.1. Buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang là tình trạng cơ thể sản xuất quá nhiều hormone nam (androgen), trong khi đó hormone nữ (estrogen và progesterone) lại không đủ để đảm bảo quá trình rụng trứng diễn ra bình thường. Điều này dẫn đến rối loạn kinh nguyệt và khiến màu sắc máu kinh thay đổi.
Triệu chứng thường gặp của buồng trứng đa nang thường là tình trạng vô kinh (2 tháng không có kinh nguyệt, thậm chí lâu hơn). Ngoài ra, người bệnh còn có một số triệu chứng khác như: rậm lông, mụn trứng cá, tăng cân không ro nguyên nhân.
2.2. U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là sự phát triển không bình thường của một hoặc nhiều khối u chứa chất lỏng, có vỏ bọc bên ngoài ở trong buồng trứng. Chúng có thể tạo áp lực lên tử cung, khiến máu kinh không thoát ra được một cách bình thường, gây ra sự oxy hóa và làm máu có màu đen.
Các rối loạn hormone được xác định là nguyên nhân hàng đầu gây u nang buồng trứng. Phổ biến nhất là tình trạng tăng tiết androgen, giảm tiết estrogen và progesterone. Những thay đổi này có thể gây ra sự phát triển không bình thường của khối u nang.
Triệu chứng của u nang buồng trứng bao gồm kinh nguyệt không đều, đau vùng chậu hoặc bụng dưới, trướng bụng, tiểu khó…
☛ Đọc thêm: U nang uống dầu hoa anh thảo được không?
2.3. Polyp tử cung
Polyp là những tế bào phát triển quá mức trong niêm mạc tử cung và có thể làm thay đổi màu sắc của máu kinh. Bệnh thường xuất hiện do sự gia tăng nhanh chóng của các hormone estrogen trong cơ thể.
Ngoài ra, polyp tử cung cũng có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác bao gồm sự thay đổi nội tiết do tuổi tác, viêm nhiễm tử cung, hoặc vấn đề liên quan đến cơ tử cung….
Khi bị polyp tử cung, chị em có thể gặp phải các triệu chứng như ra máu kinh nhiều hơn, máu kinh có màu nâu hoặc đen, chảy máu giữa chu kỳ, chảy máu khi quan hệ tình dục…
2.4. Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng khi các mô tế bào nội mạc tử cung không nằm đúng vị trí mà xuất hiện ngoài tử cung. Các tế bào này có thể tăng trưởng nhanh, làm ảnh hưởng đến sự rụng trứng và màu sắc kinh nguyệt.
Rối loạn nội tiết do sự tăng tiết estrogen quá mức có thể là nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung. Ngoài ra, tình trạng này cũng liên quan đến các yếu tố di truyền và miễn dịch.
Ngoài những thay đổi về màu sắc và chu kỳ kinh nguyệt, lạc nội mạc tử cung còn gây ra các vấn đề như đau bụng dữ dội trong kỳ kinh nguyệt, mệt mỏi, buồn nôn, đau khi khi quan hệ tình dục…
2.5.Cấu tạo tử cung bất thường
Cấu trúc tử cung không bình thường cũng có thể khiến kinh nguyệt có màu đen.
Cụ thể, cấu trúc bất thường của tử cung khiến máu kinh bị giữ lại trong tử cung lâu hơn, dẫn đến hiện tượng oxy hóa và có màu đen. Đồng thời, các dấu hiệu kèm theo có thể bao gồm kinh nguyệt không đều, ra máu kinh kéo dài, đau bụng kinh…
2.6. Viêm nhiễm phụ khoa
Viêm nhiễm phụ khoa là tình trạng viêm hoặc nhiễm khuẩn trong âm đạo, tử cung, hoặc buồng trứng, gây ra những tổn thương cho niêm mạc tử cung, làm thay đổi máu sắc máu kinh.
Các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa phổ biến có thể kể đến gồm: viêm hoặc nấm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm tắc vòi trứng, viêm vùng chậu…
Khi mắc các bệnh lý này, chị em sẽ cảm thấy ngứa, rát và khó chịu ở vùng kín, âm đạo tiết nhiều khí hư và màu của chúng có thể thay đổi từ trắng đến vàng hoặc xám tùy vào loại vi khuẩn gây nhiễm.
Tình trạng viêm nhiễm cũng khiến khí hư và âm đạo có mùi hôi, đau khi quan hệ tình dục…
2.7. Sảy thai
Sảy thai là tình trạng thai kỳ bị chấm dứt do thai nhi không có khả năng tiếp tục phát triển trong tử cung, bị đẩy ra ngoài trước 20 tuần tuổi. Trong đó phần lớn các trường hợp sảy thai tự nhiên thường diễn ra trước tuần thai thứ 12.
Khi bị sảy thai, chị em có thể gặp phải các triệu chứng như đau bụng dữ dội, máu chảy rất nhiều, có cục máu đông. Trong nhiều trường hợp máu có thể xuất hiện màu nâu hoặc đen do chúng bị ứ đọng trong tử cung một thời gian.
Đây là biến chứng nguy hiểm của thai kỳ. Nếu nghi ngờ mình bị sảy thai hoặc có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, xử lý đúng cách.
☛ Xem thêm: Rối loạn nội tiết sau hút thai
2.8. Tổn thương từ tác động ngoại khoa
Một số trường hợp tử cung bị tổn thương do các tác động ngoại khoa như mổ đẻ, nạo phá thai, phẫu thuật điều trị các bệnh lý phụ khoa cũng có thể khiến kinh nguyệt có màu đen.
Điều này có thể do vết sẹo ở tử cung làm ảnh hưởng đến dòng chảy của kinh nguyệt, khiến máu kinh không thể thoát ra như bình thường.
2.9. Tác dụng phụ của thuốc
Sự tác động của một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc tránh thai nội tiết, thuốc chống viêm steroid, thuốc hóa trị… cũng có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, làm cho kinh nguyệt có màu đen.
Ngoài ra, những biện pháp tránh thai khác như cấy que, tiêm thuốc… cũng có thể tác động đến hệ thống nội tiết, làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và khiến màu sắc máu kinh thay đổi.
Đọc bài viết: Tại sao uống thuốc nội tiết hay bị rong kinh?
3. Kinh nguyệt màu đen khi nào cần đi khám?
Như đã nói ở trên, kinh nguyệt màu đen có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Do đó, chị em cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám ngay khi thấy nhận thấy các dấu hiệu bất thường, đặc biệt trong các trường hợp sau:
- Kinh nguyệt lẫn các cục máu đông lớn
- Đau dữ đội tại vùng bụng dưới trong kỳ kinh
- Ra máu kinh nhiều trên 7 ngày
- Tình trạng kinh nguyệt ra máu đen xuất hiện thường xuyên
- Lượng máu kinh ra quá nhiều, phải thay băng vệ sinh mỗi giờ
- Chảy máu bất thường giữa chu kỳ…
Hỏi đáp: Đang có kinh nguyệt có xét nghiệm máu được không?
4. Điều trị kinh nguyệt màu đen bằng cách nào?
Tùy trường hợp, các phương pháp điều trị kinh nguyệt màu đen có thể sẽ khác nhau:
Trường hợp kinh nguyệt màu đen do rối loạn nội tiết hoặc các bệnh lý liên quan bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc nội tiết, kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.
Trường hợp kinh nguyệt màu đen do viêm nhiễm phụ khoa, bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc đặt âm đạo, có thể kết hợp cùng thuốc uống hoặc một vài thủ thuật khác.
Nếu kinh nguyệt có màu đen do cấu trúc tử cung bất thường, hoặc các vấn đề sản khoa như sảy thai hoặc biến chứng nạo hút thai, di chứng sau mổ đẻ… bác sĩ có thể chỉ định can thiệp ngoại khoa kết hợp với các phương pháp nội khoa để quá trình điều trị đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Ngoài ra, chị em cũng cần chú ý giữ vệ sinh vùng kín thật sạch sẽ bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng 2 lần/ngày, nên chọn các sản phẩm dịu nhẹ, có độ pH cân bằng khoảng 4 – 5. Đồng thời hãy nhớ thay băng vệ sinh thường xuyên trong những ngày “đèn đỏ”.
Trên đây Oeneva đã giải đáp thắc mắc “Kinh nguyệt màu đen có thai không?”. Hy vọng những thông tin này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng kinh nguyệt màu đen. Hãy thường xuyên theo dõi Oeneva.com để cập nhật những thông tin hữu ích về sức khỏe, làm đẹp.