Mụn trứng cá dạng nang có tính chất phức tạp, nếu không được xử lý đúng cách chúng rất dễ gây viêm nhiễm trên diện rộng và để lại các vết sẹo vô cùng xấu xí, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ làn da. Vậy mụn trứng cá dạng nang là gì? Điều trị và phòng ngừa bằng cách nào? Hãy cùng Oeneva.com tìm hiểu ngay trong nội dung dưới đây nhé!
Nội dung bài viết
1. Mụn trứng cá dạng nang là gì?
Mụn trứng cá dạng nang có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến nhất là giai đoạn dậy thì. Chúng xuất hiện nhiều nhất ở hai đường viền hàm, cằm và hai bên má, trong một số ít trường hợp mụn nang cũng có thể tấn công da ở vùng cánh tay, ngực hoặc lưng.
Đây là dạng mụn nghiêm trọng nhất, hình thành do lỗ chân lông bị tắc nghẽn và sự tấn công của vi khuẩn. Cụ thể, cơ chế hình thành mụn nang được các chuyên gia giải thích như sau: lỗ chân lông được kết nối với các tuyến dầu dưới da qua một ống gọi là nang, khi lỗ chân lông bị bít tắc, dầu thừa, tế bào chết và vi khuẩn tích tụ trong nang, gây nhiễm trùng sâu trong da. Từ đó khiến xuất hiện các nốt mụn đỏ, sưng to, bên trong có dịch mủ, kèm theo cảm giác đau, ngứa ngáy tại chỗ, vô cùng khó chịu.
Thời gian đầu, mụn trứng cá dạng nang thường cứng, sau đó dần trở nên mềm hơn. Nếu không áp dụng chế độ chăm sóc, điều trị đúng cách, mụn nang rất dễ tiến triển nặng, đòi hỏi bạn phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để “xóa sổ” chúng.
Đặc biệt, khi mụn nang vỡ ra có thể gây nhiễm trùng lan rộng, làm bùng phát nhiều mụn mới. Thậm chí, các nốt mụn này còn có thể để lại sẹo thâm, sẹo lõm vô cùng xấu xí, khiến bạn mất tự tin trong cuộc sống, giao tiếp hàng ngày.
2. Nguyên nhân gây mụn trứng cá dạng nang
Mụn trứng cá dạng nang hình thành do nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy khác nhau. Ví dụ như:
2.1. Vệ sinh da không đúng cách
Bụi bẩn, bã nhờn, vi khuẩn và tạp chất tích tụ trên da không được làm sạch đúng cách sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là lỗ chân lông bị bít tắc, viêm nhiễm, từ đó hình thành mụn viêm, mụn bọc, mụn nang,…
2.2. Nặn mụn sai cách
Thói quen cậy mụn, nặn mụn không đảm bảo vệ sinh hoặc nặn mụn khi nhân chưa chín, không lấy hết nhân mụn,… sẽ khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên nặng nề hơn, gây mụn nang, mụn mủ nghiêm trọng, lây lan trên diện rộng.
2.3. Mất cân bằng nội tiết tố
Mất cân bằng nội tiết tố được xác định là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hình thành mụn trứng cá dạng nang. Cụ thể, khi các tuyến nội tiết sản sinh quá nhiều hoặc quá ít hormone, chức năng hoạt động của các cơ quan tương ứng sẽ bị rối loạn. Lúc này tuyến bã nhờn dưới da sẽ bị kích thích hoạt động mạnh hơn, khiến da luôn trong tình trạng bóng nhờn. Cùng với đó, lượng dầu thừa sẽ làm tích tụ bụi bẩn, tạo môi trường hoạt động cho các loại vi khuẩn, khiến da dễ bị viêm nhiễm, nổi mụn.
Rối loạn nội tiết có thể gây mụn trứng cá dạng nang ở cả nam và nữ, phổ biến nhất là những người ở tuổi dậy thì, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt và giai đoạn mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh, mãn kinh.
☛ Tham khảo: Rối loạn nội tiết gây mụn phải làm sao?
2.4. Nhiễm độc corticoid
Nhiễm độc corticoid là tình trạng phổ biến ở những người thường xuyên sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ như kem trộn, kem tắm trắng,… làm mụn nang bùng phát mạnh mẽ, tấn công da. Bên cạnh đó, lạm dụng những loại kem trị mụn chứa corticoid cũng là nguyên nhân khiến mụn nang xuất hiện, gây viêm nhiễm, lây lan trên diện rộng.
Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, nhiễm độc corticoid có thể khiến hình thành những túi mủ lớn, sưng to, tấy đỏ, đau nhức,… Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn có thể ăn vào máu, cực kỳ nguy hại cho sức khỏe.
2.5. Các yếu tố khác
Mụn trứng cá dạng nang cũng có thể xuất hiện do các yếu tố khác như:
- Di truyền: Nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ bị mụn trứng cá dạng nang thì người con cũng có nguy cơ cao mắc phải loại mụn này.
- Căng thẳng, stress: Khi chúng ta bị stress, lo âu kéo dài, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều hormone Cortisol khiến quá trình sản sinh hyaluronic bị ảnh hưởng, làm da mất đi hàng rào bảo vệ tự nhiên, tạo điều kiện cho vi khuẩn và các tác nhân gây hại từ bên ngoài tấn công da. Ngoài ra, Cortisol còn kích thích sản xuất Androgen, làm tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, khiến lỗ chân lông dễ bị bít tắc, gây mụn.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh, thuốc corticoid,… cũng có thể khiến da xuất hiện mụn nang.
Hỏi đáp: Tại sao nhiều người không có mụn?
3. Điều trị mụn trứng cá dạng nang bằng cách nào?
Mụn trứng cá dạng nang có thể để lại những tổn thương nặng nề trên da. Chính vì vậy khi gặp phải loại mụn này bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị đúng cách. Đặc biệt là những trường hợp mụn nang nghiêm trọng, tái đi tái lại.
Dưới đây là những cách điều trị mụn trứng cá dạng nang phổ biến:
3.1. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc là cách điều trị mụn nang hiệu quả, được áp dụng rộng rãi. Tùy vào tình trạng mụn thực tế, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các thuốc dưới đây:
- Thuốc tránh thai: Một số loại thuốc tránh thai nội tiết có thể được sử dụng để kiểm soát hormone, cải thiện mụn trứng cá dạng nang trên da.
- Thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc này thường được sử dụng để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, loại bỏ vi khuẩn gây hại trên da.
- Retinoids: Retinoids là một dạng dẫn xuất của vitamin A, có tác dụng làm thông thoáng lỗ chân lông, giúp các thuốc kháng sinh có thể phát huy tối đa hiệu quả. Do đó, sữa rửa mặt hoặc kem bôi có chứa retinoids chính là trợ thủ đắc lực giúp cải thiện mụn trứng cá dạng nang.
- Thuốc Isotretinoin: Với tính trạng mụn nang nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng Isotretinoin để kiểm soát dầu trên da, tác động vào cơ chế gây mụn, từ đó bỏ lũ mụn đáng ghét. Tuy nhiên, Isotretinoin có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng nên chỉ được dùng trong trường hợp các thuốc kể trên không đem lại hiệu quả.
- Thuốc Spironolactone: Có tác dụng ức chế hormone, cải thiện tình trạng mụn nang do rối loạn nội tiết gây ra. Thuốc có thể gây lợi tiểu, khiến bạn đi tiểu nhiều hơn trong thời gian sử dụng.
3.2. Các biện pháp khác
Một số biện pháp kỹ thuật khác cũng được áp dụng để kiểm soát sự phát triển của mụn nang, đồng thời giúp da nhanh lành và hạn chế hình thành sẹo. Ví dụ như:
- Rạch nang dẫn lưu thoát mủ: Thủ thuật này sẽ lấy đi toàn bộ mủ, làm sạch tổn thương do nang mụn gây ra, giúp quá trình phục hồi tổn thương diễn ra hiệu quả hơn, giảm nguy cơ biến chứng.
- Tiêm corticosteroid: Với những mụn nang lớn, không thể xử lý bằng phương pháp nặn mụn hoặc dẫn lưu mủ thì bác sĩ có thể chỉ định tiêm corticosteroid với liều lượng phù hợp để làm xẹp mụn nhanh chóng.
- Trị liệu bằng laser hoặc ánh sáng sinh học: Các bước sóng ánh sáng sẽ tác động trực tiếp đến vùng da bị tổn thương do mụn nang, loại bỏ vi khuẩn gây mụn, thúc đẩy quá trình phục hồi và hạn chế hình thành – cải thiện mô sẹo.
4. Biện pháp cải thiện, phòng ngừa mụn trứng cá dạng nang
Mụn nang là loại mụn cứng đầu, gây khó khăn cho việc điều trị. Chính vì vậy, để cải thiện và phòng ngừa mụn trứng cá dạng nang hiệu quả, bạn không nên bỏ qua những lưu ý dưới đây:
Vệ sinh da sạch sẽ:
Vệ sinh da là bước cơ bản nhưng rất quan trọng trong việc cải thiện, phòng ngừa mụn trứng cá. Theo đó, bạn nên tẩy trang vào cuối ngày ngay cả khi không trang điểm, đồng thời duy trì thói quen rửa mặt với sữa rửa mặt 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối.
Không sờ tay lên mụn hoặc tự ý nặn mụn:
Bàn tay là nơi ẩn chứa rất nhiều vi khuẩn, bụi bẩn, hành động sờ tay lên mặt dễ khiến mụn lây lan và trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, nặn mụn sai cách sẽ khiến cấu trúc da bị tổn thương nặng nề hơn, làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng, bội nhiễm. Đặc biệt, đây cũng là nguyên nhân hình thành các vết sẹo vĩnh viễn trên da.
Dùng kem dưỡng ẩm phù hợp với làn da:
Da không được cung cấp đủ độ ẩm sẽ dẫn đến tăng tiết dầu, gây bít tắc lỗ chân lông và nổi mụn. Vì vậy bạn nên chọn cho mình những dòng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, phù hợp để làn da được bổ sung độ ẩm tốt nhất.
Thoa kem chống nắng:
Tia UV có thể gây ra những tổn thương nặng nề trên da và khiến mụn trứng cá trở nên tồi tệ hơn. Do đó bạn hãy tạo cho mình thói quen thoa kem chống nắng và che chắn thật kỹ trước khi ra ngoài vào ban ngày.
Kiểm soát stress:
Stress có thể khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, đồng thời làm hàng rào bảo vệ da suy yếu, dẫn đến hình thành mụn. Để kiểm soát stress, bạn hãy bắt đầu bằng cách sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, mỗi lúc rảnh có thể đi dạo, uống 1 tách trà hoặc nghe nhạc, xem tivi, tán gẫu với bạn bè,…
Ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya:
Ban đêm chính là thời gian quá trình tái tạo da và đào thải độc tố của cơ thể diễn ra hiệu quả nhất. Do đó, bạn nên tránh thức khuya và ngủ đủ giấc từ 7-8 tiếng một ngày để có làn da khỏe đẹp, sạch mụn.
Bổ sung dinh dưỡng hợp lý: Một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý sẽ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và làn da. Theo chuyên gia, để ngăn ngừa và cải thiện mụn trứng cá hiệu quả, bạn nên tăng cường ăn các thực phẩm giàu vitamin E, A, C, omega-3 và kẽm, đồng thời tránh xa đồ ăn cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc nhiều đường,…
Uống đủ nước: Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày sẽ giúp bổ sung độ ẩm tự nhiên cần thiết cho da, đồng thời hỗ trợ quá trình đào thải độc tố diễn ra hiệu quả hơn, góp phần kiểm soát mụn trứng cá.
Hy vọng những thông tin Oeneva cung cấp trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng mụn trứng cá dạng nang. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngại để lại bình luận bên dưới hoặc liên hệ với chúng mình qua tổng đài miễn cước 1800 1190 để được hỗ trợ nhanh nhất.