Đau ngực là một trong những triệu chứng tiền kinh nguyệt điển hình. Vì vậy một số chị em không nhận thấy dấu hiệu này thường thắc mắc “sắp đến tháng nhưng không đau ngực có bình thường không?”. Vậy tình trạng này liệu có đáng lo? Hãy cùng Oeneva tìm hiểu nhé!
Nội dung bài viết
1. Tại sao đến tháng lại bị đau ngực?
Đau ngực trước khi tới tháng là hiện tượng thường gặp ở nhiều chị em phụ nữ. Tình trạng này xảy ra chủ yếu do sự thay đổi hormone trong cơ thể.
Cụ thể, vào khoảng ngày thứ 21 của chu kỳ, nồng độ estrogen sẽ bắt đầu tăng cao, làm mô ngực trở nên căng tròn và cứng hơn, khiến chị em cảm thấy tức và đau khi chạm vào. Điều này hoàn toàn bình thường và không đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, nếu chị em đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày mà ngừng sử dụng thì cũng có thể khiến hormone thay đổi dẫn đến việc đau ngực trước kỳ kinh.
Ngoài ra, một số trường hợp đau ngực khi sắp tới tháng cũng có thể xuất hiện bởi các yếu tố như lối sống thiếu lành mạnh, thừa cân hoặc lao động, làm việc quá sức…
Mức độ đau mỗi người cảm nhận có thể khác nhau, có những người cảm thấy ngực căng tức, đau và khó chịu, trong khi đó số khác lại cảm thấy ngực chỉ hơi tức nhẹ.
2. Sắp đến tháng nhưng không đau ngực có sao không?
Mặc dù đau ngực là dấu hiệu phổ biến và thường gặp ở nhiều chị em khi sắp đến tháng, tuy nhiên cần nhớ rằng mỗi người là một cá thể riêng biệt và không phải tất cả phụ nữ đều trải qua triệu chứng này.
Theo đó, mỗi người sẽ có những dấu hiệu tiền kinh nguyệt khác nhau, bao gồm cả tần suất và mức độ của các triệu chứng. Sự khác biệt này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, sức khỏe và cơ địa từng người…
Vì vậy, câu trả lời cho việc “sắp đến tháng nhưng không đau ngực có sao không?” là “KHÔNG“. Đây là điều hoàn toàn bình thường và bạn không cần phải lo lắng hay sợ hãi vì mình không cảm thấy đau ngực như người khác.
3. Một số dấu hiệu khác khi sắp đến tháng
Ngoài triệu chứng đau ngực, chị em sắp đến tháng có thể gặp phải các dấu hiệu dưới đây:
3.1. Đau bụng dưới
Đây được xem là triệu chứng tiền kinh nguyệt phổ biến nhất ở nữ giới.
Trước ngày hành kinh khoảng 2 – 3 ngày cho đến hết ngày đầu hoặc giữa kỳ kinh (2-3 ngày), chị em sẽ gặp phải những cơn đau nhói hoặc âm ỉ ở vùng bụng dưới.
Điều này là do hoạt động co thắt, giãn nở của các cơ tử cung để đẩy trứng không được thụ tinh và các phần niêm mạc tử cung bị bong tróc ra bên ngoài.
Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, tuy nhiên nếu xuất hiện các cơn đau nghiêm trọng, kéo dài, chị em nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và nhận sự tư vấn phù hợp.
☛ Xem thêm: Đau bụng kinh muốn đi ngoài có sao không?
3.2. Nổi mụn
Khi chu kỳ kinh chuẩn bị bắt đầu, sự gia tăng nồng độ hormone trong cơ thể sẽ kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, làm da đổ nhiều dầu, gây tắc nghẽn lỗ chân lông và dẫn đến nổi mụn.
Bên cạnh đó, trước “ngày đèn đỏ”, chị em cũng có thể nhận thấy làn da của mình trở nên sần sùi, lỗ chân lông to hơn.
3.3. Đau thắt lưng
Trước và trong thời kỳ kinh nguyệt, sự gia tăng đột ngột của hormone Prostaglandin là nguyên nhân gây ra các cơn co thắt trong cơ thể, đặc biệt là co bóp cơ tử cung để đẩy máu kinh ra ngoài.
Những cơn co thắt này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lưng phía sau tử cung, gây ra đau thắt lưng trong giai đoạn trước và trong kỳ kinh nguyệt.
3.4. Thay đổi tâm trạng
Trong giai đoạn tiền kinh nguyệt, nồng độ estrogen tăng cao để kích thích sự rụng trứng, sau đó nhanh chóng giảm xuống. Đồng thời, nồng độ Progesterone trong cơ thể cũng tăng lên.
Sự thay đổi đột ngột của cả hai hormone này đều góp phần vào sự biến đổi tâm trạng, tạo ra những biểu hiện tinh thần không ổn định, cảm xúc buồn rầu, khó chịu xuất hiện thường xuyên hơn, các nàng cũng dễ cáu gắt hơn.
3.5. Thèm ăn
Nhiều chị em cho biết, họ cảm thấy thèm ăn nhiều hơn vào những ngày sắp đến kỳ kinh nguyệt.
Sự biến đổi về nồng độ hormone estrogen và progesterone trong cơ thể chính là “thủ phạm” gây ra tình trạng này. Chúng khiến bạn cảm thấy thèm ăn những thực phẩm chứa nhiều carbohydrate, những món có vị cay hoặc ngọt hơn so với ngày thường.
Một điều thú vị là khi ăn những thực phẩm này, cơ thể sẽ tạo ra Serotonin – một chất hóa học góp phần làm bạn cảm thấy hạnh phúc và giảm đi các triệu chứng tiền kinh nguyệt một cách đáng kể. Tuy nhiên, hãy thưởng thức chúng một cách có kiểm soát, tránh làm ảnh hưởng tới sức khỏe và vóc dáng.
☛ Đọc thêm: Đau bụng kinh có nên uống cà phê?
3.6. Đầy hơi
Sự thay đổi nồng độ hormone estrogen và progesterone trước và trong kỳ kinh nguyệt có thể gây ra cảm giác đầy hơi.
Theo đó, mức độ tăng của estrogen trong những ngày trước kỳ kinh có khả năng làm ảnh hưởng đến các thụ thể estrogen trong dạ dày và ruột non, dẫn đến các triệu chứng như trướng bụng, đầy hơi, táo bón…
3.7. Tiết dịch âm đạo
Khi sắp đến ngày kinh nguyệt, chị em sẽ nhận thấy “cô bé” tiết nhiều dịch (khí hư) hơn.
Lượng dịch tiết âm đạo của mỗi người vào từng độ tuổi sẽ khác nhau phụ thuộc vào nồng độ hormone sinh dục. Thường ở những người trẻ, khoảng 20 – 30 tuổi, lượng khí hư sẽ ở mức nhiều nhất, sau đó giảm dần theo độ tuổi cùng sự suy giảm của hormone sinh dục.
3.8. “Cô bé” nhạy cảm hơn
Trong giai đoạn tiền kinh nguyệt, sự thay đổi nội tiết cũng làm ảnh hưởng đến sự cân bằng hệ vi sinh vùng kín, khiến “cô bé” trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị viêm nhiễm nếu không được chăm sóc đúng cách.
Đặc biệt, chị em có thể cảm thấy khó chịu nếu thực hiện các tác động lên khu vực tam giác, cảm giác đau sẽ gia tăng khi cạo lông, wax lông.
Điều quan trọng là hãy luôn chăm sóc vùng kín thật nhẹ nhàng, sử dụng các sản phẩm vệ sinh lành tính và tránh wax lông hay cạo lông ngay trước, trong và sau kỳ kinh nguyệt nhé!
Ngoài các dấu hiệu trên, khi sắp đến ngày “đèn đỏ”, các nàng còn có thể gặp phải các triệu chứng tiền kinh nguyệt khác như mệt mỏi, mất ngủ, khó ngủ, táo bón hoặc tiêu chảy…
Tìm hiểu đầy đủ: 14 triệu chứng tiền kinh nguyệt và cách khắc phục
Kết luận
Trên thực tế triệu chứng tiền kinh nguyệt ở mỗi người là khác nhau. Không phải ai cũng bị đau ngực khi sắp tới tháng. Do đó, thay vì lo lắng về vấn đề này, bạn hãy dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân nhiều hơn để vượt qua những “ngày ấy” một cách thật nhẹ nhàng.
Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!