Đau bụng kinh là tình trạng phổ biến ở nhiều chị em phụ nữ. Một số người vẫn truyền tai nhau rằng tình trạng này sẽ biến mất sau khi sinh con. Vậy sinh con xong có hết đau bụng kinh không? Hay cùng Oeneva.com tìm hiểu nhé!
Nội dung bài viết
1. Sinh con xong có hết đau bụng kinh không?
Vào kỳ kinh nguyệt, tình trạng co bóp tử cung sẽ khiến chị em cảm thấy đau ở vùng bụng dưới.
Mức độ của những cơn đau có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng, chúng thường xuất hiện trước kỳ kinh 1 – 2 ngày hoặc trong ngày đầu hành kinh.
Đau bụng kinh có thể chia thành 2 loại:
- Đau bụng kinh nguyên phát: Không liên quan đến tổn thương tại vùng chậu, không gây nguy hiểm.
- Đau bụng kinh thứ phát: Khởi phát bởi các yếu tố liên quan đến bệnh phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, viêm dính tử cung, u xơ tử cung…
Thực tế, tình trạng đau bụng kinh ở một số chị em có thể thuyên giảm nhiều sau sinh.
Theo đó, những người bị đau bụng kinh do co thắt tử cung bẩm sinh hoặc có tử cung nằm tại vị trí bất thường, nếu trải qua việc sinh nở bằng phương pháp tự nhiên, trong quá trình thai nhi di chuyển qua ống sinh, bé sẽ giúp mẹ mở rộng tử cung, đồng thời cải thiện vị trí tử cung. Điều này sẽ giúp các cơn đau bụng kinh biến mất sau sinh.
Tuy nhiên, đây chỉ là một số ít trường hợp, sau sinh nhiều chị em cho biết họ vẫn bị đau bụng kinh như trước khi mang thai.
Như vậy “sinh con xong có hết đau bụng kinh không?” sẽ còn phụ thuộc vào từng trường hợp.
2. Đau bụng kinh đi kèm biểu hiện bất thường khác có thể là dấu hiệu của bệnh lý
Như đã đề cập ở trên, tình trạng đau bụng kinh cũng có thể xuất hiện do các yếu tố bệnh lý. Dưới đây là một số bệnh lý chị em có thể tham khảo:
2.1. Viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại các cơ quan thuộc vùng chậu như buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, âm đạo…
Khi bị viêm vùng chậu, đôi khi chị em sẽ bị đau ở bụng dưới, những cơn đau này thường âm ỉ và có thể gia tăng mức độ theo thời gian. Đặc biệt, đến kỳ kinh nguyệt thì cảm giác đau càng thêm dữ dội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.
Viêm vùng chậu cũng gây ra một số triệu chứng khác như đau nhức thắt lưng, âm đạo tiết khí hư bất thường, tiểu buốt, xuất huyết âm đạo giữa kỳ kinh hoặc khi “yêu”, cảm thấy đau khi quan hệ tình dục…
Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, viêm vùng chậu có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn như: áp xe buồng trứng, mang thai ngoài tử cung, vô sinh, đau vùng chậu mãn tính…
Phương pháp điều trị viêm vùng chậu phổ biến nhất là sử dụng kháng sinh. Một hoặc nhiều loại kháng sinh sẽ được kết hợp nhằm loại bỏ nhiễm trùng và giảm các triệu chứng viêm. Ngoài ra, trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
2.2. U xơ tử cung
U xơ tử cung là một trong những bệnh lý phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Khi bị bệnh, chị em có thể có những triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, đau bụng dưới mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp phải các vấn đề như: viêm âm đạo, kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài, đau thắt lưng, mệt mỏi, gặp khó khăn khi đi tiểu, đau khi quan hệ tình dục…
U xơ tử cung có thể được điều trị bằng các biện pháp như sử dụng thuốc nội tiết hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u.
2.3. Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là thuật ngữ chỉ tình trạng tế bào nội mạc tử cung được tìm thấy ở bên ngoài tử cung.
Lạc nội mạc tử cung có thể làm vòi trứng, ống dẫn trứng bị tổn thương, khiến quá trình phóng noãn bị rối loạn, đồng thời hoạt động ở nhu động ống dẫn trứng cũng bị cản trở, làm tăng nguy cơ vô sinh.
Khi bị lạc nội mạc tử cung, chị em thường gặp phải những cơn đau mãn tính tại vùng chậu, đặc biệt là thời điểm ngay trước hoặc trong kỳ kinh. Cảm giác đau cũng có thể xuất hiện khi giao hợp.
Ngoài ra, lạc nội mạc tử cung cũng có thể gây tình trạng ra máu kinh nhiều bất thường, đau khi đi tiểu…
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể, lạc nội mạc tử cung có thể được điều trị bằng cách sử dụng thuốc để ức chế quá trình phát triển của các mô nội mạc tử cung, đồng thời ngăn kết dính. Một số trường hợp cũng được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ các mô tử cung ở những vị trí khác nhau trong cơ thể.
☛ Đọc thêm: Đau bụng kinh muốn đi ngoài là bị làm sao?
3. 4 mẹo giảm đau bụng kinh tại nhà
Các trường hợp đau bụng kinh có liên quan đến yếu tố bệnh lý, chỉ cần chị em điều trị bệnh đúng cách, các cơn đau sẽ thuyên giảm và biến mất. Trong trường hợp xuất hiện những cơn đau sinh lý vào “ngày ấy”, chị em có thể tham khảo các mẹo sau:
3.1. Chườm ấm bụng dưới
Chườm ấm là một phương pháp tự nhiên và dễ thực hiện để giảm đau bụng kinh. Nhiệt độ ấm tác động lên phần bụng dưới có thể giúp giãn các cơ và mạch máu, từ đó giảm cơn co thắt tử cung và làm giảm đau bụng kinh.
Chị em có thể sử dụng túi chườm, đổ nước ấm vào và nhẹ nhàng đặt lên vùng bụng dưới. Trong quá trình chườm ấm, hãy giữ tư thế thật thoải mái, chú ý nhiệt độ nước để tránh bị bỏng. Nếu nước trong túi nguội, có thể thay nước ấm để tiếp tục chườm.
Ngoài phương pháp chườm ấm bụng dưới, chị em cũng có thể xoa dịu những cơn đau bụng kinh bằng việc giữ ấm cơ thể như uống nước ấm, tắm nước ấm…
Nếu không có túi chườm, có thể thay thế bằng cách xoa dầu gió lên bụng. Bôi dầu gió có thể giúp giảm đau bụng kinh do thành phần tinh dầu trong dầu gió có khả năng làm ấm vùng bụng, từ đó giúp thư giãn các cơ tại đây, đồng thời cải thiện lưu thông máu, hỗ trợ xoa dịu cơn đau.
3.2. Massage bụng
Việc massage bụng có thể giúp cơ bụng được thư giãn, hạn chế tình trạng co thắt đột ngột ở tử cung, xoa dịu những cơn đau bụng kinh. Các bước thức hiện như sau:
- Nằm ngửa trên giường, thảm hoặc nệm, toàn thân thả lỏng, giữ tinh thần thoải mái
- Đặt tay lên bụng dưới, lòng bàn tay úp xuống, hít thở đều
- Dùng lực ấn nhẹ bàn tay, massage nhẹ nhàng theo vòng tròn, thực hiện liên tục khoảng vài phút
- Vòng tay ra sau thắt lưng, đặt các đầu ngón tay ở hai bên cột sống, massage theo hướng từ trong ra ngoài, dọc từ thắt lưng xuống xương cụt.
Hỏi đáp: Đau bụng kinh xoa môi trên có khỏi không?
3.3. Áp dụng mẹo dân gian
Có rất nhiều mẹo dân gian có thể giúp xoa dịu những cơn đau bụng kinh một cách an toàn, chị em có thể thử một số mẹo như:
Uống nước ấm mật ong: Mật ong có thể giúp làm giảm tình trạng co thắt tử cung, đồng thời cung cấp dưỡng chất cho cơ thể, cải thiện tình trạng mệt mỏi. Chị em chỉ cần chuẩn bị một ly nước ấm, thêm 3 muỗng canh mật ong, khuấy đều và thưởng thức.
Uống trà gừng: Trà gừng có khả năng làm ấm cơ thể, hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt và giảm đau bụng kinh. Để làm trà gừng, chị em hãy đun sôi nước cùng vài lát gừng, sau đó thêm vào một chút mật ong cho dễ uống.
Uống trà quế: Quế có đặc tính chống viêm, chống đông máu nên cũng được sử dụng để giảm đau bụng kinh. Cách pha trà quế rất đơn giản, chỉ cần cho một thìa cà phê bột quế vào nước nóng khoảng 2 – 3 phút, sau đó thêm một chút mật ong, khuấy đều là có thể dùng được ngay.
3.4. Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt
Việc duy trì lối sống, thói quen sinh hoạt khoa học, lành mạnh, sẽ giúp chị em có một sức khỏe tốt và trải qua những “ngày ấy” nhẹ nhàng hơn.
1/ Đảm bảo chất lượng giấc ngủ
Nên ngủ 7 – 8 giờ đồng hồ mỗi ngày, tránh thức khuya.
2/ Uống nước
Uống 2 lít nước, trong những ngày “đèn đỏ” chị em nên uống nước ấm thay vì dùng nước lạnh
3/ Kết hợp vận động nhẹ nhàng
Bạn có thể thử một số động tác yoga giảm đau bụng kinh như tư thế em bé, tư thế cây cầu, tư thế lạc đà…
☛ Xem chi tiết: 8 bài tập Yoga giảm đau bụng kinh
4/ Ăn uống khoa học
Tăng cường bổ sung chất xơ, omega-3, canxi, magie… Tránh sử dụng đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, rượu bia, cafe, thuốc lá…
☛ Tham khảo: Đau bụng kinh nên ăn trái cây gì?
Lời kết:
Sinh con xong có hết đau bụng kinh không sẽ phụ thuộc vào tình trạng của từng người. Nếu chị em gặp phải những cơn đau nghiêm trọng hoặc các dấu hiệu bất thường trong kỳ kinh nguyệt, hãy đến gặp bác sĩ sản phụ khoa để được thăm khám và tư vấn.