Mỗi khi “bà dì” ghé thăm, các cô nàng lại cảm thấy lo lắng và mất tự tin với những nốt mụn đáng ghét xuất hiện “ồ ạt” trên mặt. Nhiều nàng thắc mắc tới tháng có nên nặn mụn không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi trên.
Nội dung bài viết
Vì sao trong kỳ kinh nguyệt da dễ nổi mụn?
Ngay trước kỳ kinh nguyệt khoảng 1 tuần, nồng độ hormone estrogen và progesterone trong cơ thể biến động, kích thích các tuyến bã nhờn khiến chúng hoạt động mạnh mẽ và tiết nhiều dầu thừa hơn. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông và gây mụn. Ngoài ra, hormone còn làm tăng viêm da, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mụn phát triển mạnh hơn.
Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể còn chịu trách nhiệm cho những điều thú vị khác, đặc biệt nhất là hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). PMS là các triệu chứng khó chịu về thể chất và tinh thần, khiến nàng cảm thấy căng thẳng, dễ cáu gắt. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến mụn mọc nhiều hơn.
Tìm hiểu: Vị trí mọc mụn trên mặt nói lên điều gì?
Tới tháng có nên nặn mụn không?
Mụn mọc trước và trong những ngày “đèn đỏ” thường là mụn do nội tiết và hầu hết đều tự biến mất mà không để lại bất kỳ biến chứng nào ngay sau khi kết thúc kỳ kinh nguyệt. Việc nặn mụn tại nhà hay đi spa đều không giải quyết được nguyên nhân gây mụn, mụn vẫn có thể mọc lại ngay sau đó.
Ngoài ra, làn da trong kỳ kinh nguyệt thường rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương khi nặn mụn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và lây sang các vùng da khác khiến mụn phát triển nặng hơn. Cách trị mụn này còn khiến da dễ bị thâm và để lại sẹo kém thẩm mỹ.
Vì vậy, các cô nàng không nên nặn mụn khi tới tháng. Thay vào đó, hãy áp dụng những cách cải thiện mụn tự nhiên và khoa học.
Cách chăm sóc da trong thời kỳ kinh nguyệt
1. Quy trình skincare phù hợp
Quy trình chăm sóc da trong những ngày “đèn đỏ” cũng tương tự như quy trình bình thường, bao gồm các bước cơ bản như sau:
➤ Bước 1: Làm sạch da mặt: Bạn dùng nước tẩy trang để loại bỏ hoàn toàn lớp trang điểm và kem chống nắng trên da. Sau đó, lấy lượng sữa rửa mặt vừa đủ, tạo bọt và thoa đều lên da mặt, lấy đi vi khuẩn, bụi bẩn, bã nhờn, làm thông thoáng lỗ chân lông. Nàng nên chọn các sản phẩm làm sạch da lành tính có độ pH khoảng 5 – 6 và thực hiện các thao tác thật nhẹ nhàng để không làm vỡ các nốt mụn hoặc gây tổn thương da.
➤ Bước 2: Dùng nước hoa hồng cân bằng da: Nước hoa hồng lấy đi bụi bẩn, dầu thừa còn sót lại, cung cấp độ ẩm và cân bằng độ pH giúp da mềm mịn, dễ dàng hấp thu dưỡng chất ở các bước sau.
➤ Bước 3: Thoa kem trị mụn: Nếu các nốt mụn “đáng ghét” xuất hiện quá nhiều và khiến bạn mất tự tin, bạn có thể sử dụng một số sản phẩm chứa thành phần như: AHA, Benzoyl peroxide, Retinol/Retinoid, Salicylic acid, Azelaic acid…
Đọc thêm: Vì sao bôi kem trị mụn bị rát da?
➤ Bước 4: Dùng serum và kem dưỡng da: Nàng thoa serum trước, khoảng 1 – 2 phút sau thì dùng kem dưỡng ẩm. Đây là bước khóa ẩm ngăn chặn các dưỡng chất bốc hơi, giúp làn da mịn màng và khỏe mạnh hơn.
➤ Bước 5: Thoa kem chống nắng: Thoa kem chống nắng mỗi ngày là bước bảo vệ da vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với làn da nhạy cảm trong kỳ kinh nguyệt. Bạn nên thoa kem chống nắng 30 phút trước khi ra đường và thoa lại sau 2 – 3 tiếng.
2. Chế độ sinh hoạt lành mạnh
Lối sống khoa học là chìa khóa cải thiện sức khỏe làn da từ sâu bên trong. Nàng nên quan tâm đến chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya để làn da có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi.
Kiểm soát tốt cảm xúc, tránh căng thẳng, lo âu quá mức cũng là cách giảm mụn trong những ngày “đèn đỏ” ẩm ương. Để thực hiện tốt điều này, bạn có thể đọc sách, nghe nhạc thư giãn, tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga. Các bài tập không chỉ cải thiện tâm trạng, mà còn giúp bạn giải tỏa những cơn đau bụng kinh khó chịu.
Ngoài ra, thực đơn ăn uống khoa học cũng là một yếu tố quan trọng mang lại làn da mịn màng, bớt mụn trong kỳ kinh nguyệt. Một số hoạt chất tốt cho da bạn nên bổ sung là:
- Omega-3: Omega-3 có nhiều trong cá hồi, cá thu, hạt chia, quả óc chó… có tác dụng kháng viêm, giảm mụn, ngăn ngừa tình trạng khô da, ngứa da.
- Kẽm: Kẽm có nhiều trong thịt bò, đậu, lòng đỏ trứng, ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua… nổi tiếng với khả năng chống viêm tự nhiên, ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn.
- Probiotic: Probiotic làm giảm viêm toàn thân và có lợi cho làn da, thường xuất hiện trong sữa chua, dưa chua, kim chi, súp miso…
- Polyphenols: Đây là chất chống oxy hóa tốt cho da được tìm thấy ở nhiều loại thực phẩm khác nhau như: trà xanh, nho, chocolate…
- Vitamin C: Vitamin C có nhiều trong cam quýt, dâu tây, đu đủ, bông cải xanh, cà chua… là một chất chống oxy hóa, bảo vệ làn da khỏi các tác nhân có hại từ môi trường, đồng thời tăng hệ miễn dịch của cơ thể.
Một số thực phẩm bạn nên tránh để hạn chế bị mụn khi đến tháng:
- Đồ ăn nhiều đường: Bánh ngọt, nước ngọt, cơm trắng, bánh mì trắng, ngũ cốc đã qua chế biến… làm tăng lượng đường trong máu, khiến lượng hormone của cơ thể biến động nhiều hơn. Từ đó, tuyến bã nhờn bị kích thích tiết ra nhiều dầu thừa làm bít tắc lỗ chân lông gây mụn.
- Đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ: Những thực phẩm này khiến cơ thể nóng trong, tăng tiết bã nhờn trên da và làm cho tình trạng viêm mụn thêm trầm trọng.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Sữa và các chế phẩm từ sữa, đặc biệt là sữa bò thường chứa nhiều thành phần kích thích sự tăng trưởng và hormon, khiến cơ thể sản sinh nhiều hormon insulin, tăng tiết bã nhờn gây mụn.
- Chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá, cà phê… là nguyên nhân khiến da mất nước, khô sạm, bong tróc và dễ nổi mụn.
Một số vấn đề cần lưu ý để hạn chế bị mụn khi đến tháng:
- Không tự ý chạm tay lên mặt vì bàn tay chứa nhiều vi khuẩn khiến da viêm nhiễm và nổi nhiều mụn hơn.
- Uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày tùy vào nhu cầu của bản thân để da luôn đủ ẩm và nhanh phục hồi sau mụn.
- Không lau mặt quá mạnh để tránh da bị tổn thương, các nốt mụn có thể vỡ ra, viêm nhiễm và tái phát nặng hơn. Thay vào đó, bạn dùng khăn bông mềm thấm khô nước sau khi rửa mặt.
- Thường xuyên thay vỏ gối, chăn, ga giường vì đây là nơi chứa nhiều bụi bẩn, vi khuẩn và tiếp xúc trực tiếp với làn da nhạy cảm của bạn.
- Tóc dễ tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn, khi tiếp xúc với da mặt thường xuyên làm tăng nguy cơ bị mụn. Vì vậy, hãy giữ cho mái tóc của bạn luôn sạch và nên buộc tóc gọn gàng.
Mụn khi tới tháng đa phần là mụn viêm, nhiều người thường tự chữa tại nhà bằng các biện pháp trị mụn thiên nhiên. Tuy nhiên những cách làm này hoàn toàn không giúp loại bỏ mụn, thậm chí có thể khiến mụn trầm trọng hơn. Xem chi tiết: Những cách chữa mụn sai lầm tại nhà cần tránh
Lời kết
Chúng ta chỉ nên nặn mụn khi mụn đã chín, và nên thực hiện tại các cơ sở nặn mụn đảm bảo để có thể được lấy nhân mụn đúng cách và tránh được nguy cơ bị nhiễm trùng.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ đến tổng đài miễn cước 1800 1190 để được các chuyên gia giải đáp chi tiết hơn. Chúc bạn sớm loại bỏ hoàn toàn các nốt mụn đáng ghét này và nhanh chóng phục hồi làn da trắng sáng, rạng rỡ!
Tài liệu tham khảo:
https://www.healthline.com/health/period-acne#identification
https://www.everydayhealth.com/acne/wellness-bloggers-tips-taming-period-acne/