Sự thay đổi nội tiết tố là nguyên nhân khiến làn da của mẹ bầu sạm đen và mọc nhiều mụn hơn. Vậy khi mang bầu có được nặn mụn không? Đâu là giải pháp trị mụn an toàn, hiệu quả cho phụ nữ đang mang thai? Mời bạn tìm hiểu thêm thông tin trong bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
Mẹ bầu nổi mụn thường do đâu?
Nổi nhiều mụn ở mẹ bầu là trường hợp thường thấy, đặc biệt nhất trong 3 tháng đầu thai kỳ và có thể kéo dài suốt thời gian mang thai. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi nội tiết tố estrogen, progesterone và hormone androgen kích thích cơ thể sản sinh nhiều bã nhờn trên da gây bít tắc lỗ chân lông, đồng thời tạo điều kiện cho vi khuẩn P.acnes sinh sôi phát triển và gây mụn.
Bên cạnh đó, mẹ bầu có thể nổi nhiều mụn hơn do một số nguyên nhân như:
- Chế độ ăn uống không khoa học: Trong thời kỳ mang thai, khẩu vị của mẹ thường thay đổi do sự tăng sinh hormone HCG và gonadotropin trong cơ thể. Đó là lý do vì sao mẹ bầu thèm ăn những món chua, cay, ngọt mà trước đó từng không thích. Việc tiêu thụ thức ăn một cách ngẫu hứng có thể gây hại đến làn da và là nguyên nhân khiến da nổi mụn.
- Stress: Khi mang thai, cơ thể có nhiều sự thay đổi dẫn đến đau nhức, mệt mỏi, khó chịu, mất ngủ. Điều này khiến mẹ bầu lo lắng, căng thẳng trong thời gian dài khiến da dần xấu đi, các tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ, đổ dầu nhiều hơn, từ đó mụn hình thành.
- Suy giảm hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch suy giảm khiến làn da của mẹ bầu trở nên nhạy cảm và yếu ớt. Đây được coi là thời điểm vàng cho các yếu tố bên ngoài xâm nhập và gây hại đến làn da.
- Không dùng sản phẩm chăm sóc da: Nhiều mẹ bầu cho rằng các thành phần trong sản phẩm chăm sóc da có thể gây hại đến thai nhi nên thường bỏ qua bước skincare mỗi ngày. Điều này khiến da bị thiếu dưỡng chất, nhạy cảm và dễ nổi mụn hơn.
Có thể bạn quan tâm: Nổi mụn nhiều là dấu hiệu sinh bé trai hay gái?
Mẹ bầu có được nặn mụn không?
Mụn ở phụ nữ mang thai thường là mụn nội tiết, sưng đau và có ổ vi khuẩn lớn. Việc nặn mụn tại nhà hay đi spa đều không giải quyết được nguyên nhân gây mụn, mụn vẫn có thể mọc lại ngay sau đó. Ngoài ra, nặn mụn còn khiến da bị tổn thương, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và lây sang các vùng da khác, tạo điều kiện cho mụn phát triển nặng hơn. Cách trị mụn này còn khiến da dễ bị thâm và để lại sẹo kém thẩm mỹ.
Do đó, không nên nặn mụn trong thời gian mang bầu hay trong bất kỳ trường hợp nào. Thay vào đó, hãy áp dụng những cách cải thiện mụn tự nhiên và khoa học.
☛ Đọc thêm: Mụn viêm bị vỡ phải xử lý thế nào?
Một số cách giảm mụn an toàn cho mẹ bầu
Thực hiện lối sống lành mạnh
Thực hiện lối sống lành mạnh là cách nuôi dưỡng cơ thể và làn da khỏe mạnh từ sâu bên trong. Mẹ bầu nên chú ý đến chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya để làn da có thời gian nghỉ ngơi và tái tạo.
Ngoài ra, lên kế hoạch ăn uống khoa học cũng là cách giúp làn da bớt mụn, trở nên mịn màng và tràn đầy sức sống. Mẹ bầu bổ sung một số hoạt chất dưới đây trong bữa ăn hàng ngày để cải thiện sức khỏe của bản thân cũng như của thai nhi:
- Kẽm: Kẽm có nhiều trong đậu, các loại hạt, sữa chua, thịt bò… có tác dụng chống viêm tự nhiên, ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn trứng cá.
- Omega-3: Omega-3 nổi tiếng với khả năng kháng viêm, giảm mụn, ngăn ngừa tình trạng khô da, ngứa da. Ngoài ra, omega-3 còn góp phần không nhỏ trong sự hình thành và phát triển hệ thần kinh của thai nhi. Mẹ bầu có thể bổ sung omega-3 từ cá hồi, cá thu, hạt chia, quả óc chó…
- Vitamin C: Vitamin C là một chất chống oxy hóa, bảo vệ làn da khỏi các tác nhân có hại từ môi trường, đồng thời tăng hệ miễn dịch của cơ thể. Việc thiếu vitamin C có thể gây ra bệnh Barlow ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, mẹ bầu đừng quên bổ sung vitamin C từ cam quýt, dâu tây, đu đủ, bông cải xanh, cà chua…
Một số điều cần lưu ý mỗi ngày để hạn chế bị mụn khi mang thai:
- Giữ cho mái tóc của bạn luôn sạch và nên buộc tóc gọn gàng, vì tóc dễ tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn, khi tiếp xúc với da mặt thường xuyên làm tăng nguy cơ bị mụn.
- Sử dụng khăn bông thấm khô nước sau khi rửa mặt, không nên lau mặt quá mạnh để tránh da bị tổn thương, các nốt mụn có thể vỡ ra, viêm nhiễm và tái phát nặng hơn.
- Thường xuyên thay vỏ gối, chăn, ga giường vì đây là nơi tích tụ nhiều bụi bẩn, vi khuẩn và tiếp xúc trực tiếp với làn da nhạy cảm của bạn.
- Không tự ý chạm tay lên mặt vì bàn tay chứa nhiều vi khuẩn khiến da viêm nhiễm và nổi nhiều mụn hơn.
Quy trình skincare phù hợp
Các bước skincare của mẹ bầu cũng tương tự như quy trình bình thường bao gồm:
➤ Làm sạch da: Tẩy trang và dùng sữa rửa mặt để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, vi khuẩn, bã nhờn, giúp bề mặt da thông thoáng và hạn chế bít tắc lỗ chân lông gây mụn.
➤ Dưỡng ẩm: Mẹ bầu dùng lần lượt toner, serum, kem dưỡng để làn da luôn đủ độ ẩm, căng mịn, giảm tình trạng đổ dầu.
➤ Thoa kem chống nắng: Thoa kem chống nắng 30 phút trước khi ra đường và thoa lại sau 2 – 3 tiếng để bảo vệ da khỏi các tác nhân có hại, đặc biệt là tia cực tím, giúp da khỏe mạnh hơn.
Tuy nhiên, mẹ bầu cần lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, lành tính, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Sử dụng kem trị mụn
Phụ nữ mang thai có thể sử dụng kem trị mụn để cải thiện làn da. Tuy nhiên, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn những sản phẩm có thành phần lành tính, không chứa chất chống chỉ định cho phụ nữ có thai.
Mẹ bầu có thể dùng kem trị mụn được chiết xuất từ trà xanh, lô hội, trái cây chứa nhiều vitamin C… Ngoài ra, một số hoạt chất trị mụn đã được kiểm định đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi như:
- BHA (Acid salicylic, Beta hydroxybutanoic acid): BHA có khả năng kháng khuẩn, tẩy tế bào chết giúp bề mặt da thông thoáng, giảm mụn.
- Niacin (Dẫn xuất vitamin B3): Hoạt chất có tác dụng điều chỉnh quá trình tiết bã nhờn, kháng viêm, điều trị mụn và làm mờ thâm nám hiệu quả.
Các thành phần chống chỉ định cho phụ nữ có thai là: Adapalene (Differin), Tazarotene (Tazorac) và Tretinoin (Retin-A), Benzoyl Peroxide, Hydroquinone hoặc các dạng peel da, lột sừng.
Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Bầu có được nặn mụn không?”. Từ đó, các mẹ có thể tìm được phương pháp trị mụn hiệu quả, lấy lại làn da mịn màng mà vẫn đảm bảo an toàn cho bản thân và thai nhi.
☛ Phần tiếp theo: Hé lộ cách trị mụn sau sinh cho mẹ bỉm
Tài liệu tham khảo:
- https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/acne/acne-during-pregnancy-treatments-causes
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/326661#is-acne-a-sign-of-pregnancy