Phụ huynh có con gái thường lo lắng khi trẻ bước vào độ tuổi dậy thì, đó là lúc bé thay đổi rất nhiều từ hình dáng cho đến tâm sinh lý. Vậy con gái dậy thì ở tuổi nào? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu về cách nhận biết khi trẻ bước vào giai đoạn này nhé.
Nội dung bài viết
1. Độ tuổi dậy thì của con gái
Tuổi dậy thì là giai đoạn phát triển sinh lý và tâm lý từ một đứa trẻ trở thành người lớn. Cơ thể của trẻ sẽ bắt đầu phát triển và thay đổi rõ rệt, bao gồm tăng trưởng về xương và cơ, thay đổi hình dáng và kích thước của cơ thể, phát triển các bộ phận sinh dục, thay đổi tính cách, tâm lý, tư duy.
Ở giai đoạn này, bộ não sẽ phát tín hiệu đến các bộ phận khác nhau để đánh dấu sự phát triển và thay đổi. Những tín hiệu ấy được gọi là hormone và chúng kiểm soát nhiều chức năng của cơ thể. Con trai và con gái cũng có những biểu hiện khác nhau ở giai đoạn dậy thì. Đối với con gái thì dưới tác động của nội tiết tố estrogen, còn đối với con trai thì là testosterone.
Với câu hỏi “Con gái dậy thì ở độ tuổi nào?” thì rất khó để đưa ra câu trả lời chính xác. Thông thường, con gái dậy thì ở độ tuổi từ 8 – 13 tuổi. Bên cạnh đó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác (ví dụ như chế độ ăn uống, môi trường, di truyền,…) thì nhiều bé gái có thể dậy thì sớm hoặc muộn hơn. Ở thời gian này các giai đoạn phát triển cũng sẽ khác nhau tùy vào mỗi người.
2. Cách nhận biết con gái dậy thì
Con gái bước vào độ tuổi dậy thì thường có những thay đổi như:
2.1. Tăng chiều cao
Sự phát triển của xương và chiều cao là một trong những dấu hiệu rõ ràng của giai đoạn dậy thì ở con gái. Trong thời kỳ này, bé gái có thể đạt được khoảng 17-18% chiều cao của người trưởng thành. Thông thường, trong khoảng thời gian 2 đến 3 năm khi học cấp 2, con gái phát triển chiều cao nhanh hơn so với con trai.
Khi bắt đầu ngực phát triển, bé gái sẽ trải qua giai đoạn tăng trưởng chiều cao nhanh nhất. Tuy nhiên khi có kinh lần đầu, tốc độ phát triển chiều cao sẽ bắt đầu giảm đi. Sau khi có kinh nguyệt lần đầu tiên, bé gái thường có thể tăng thêm khoảng 2,5 – 5 cm chiều cao.
2.2. Ngực phát triển
Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất ở tuổi dậy thì của con gái là sự phát triển ngực. Điều này sẽ khiến cho trẻ cảm thấy rất lo lắng, đặc biệt là khi trẻ so sánh mình với bạn bè hoặc bị chú ý và nhận xét bởi những người khác.
Khi vòng ngực của trẻ phát triển sẽ xuất hiện các cục nhỏ ở dưới một hoặc cả hai núm vú. Trẻ sẽ cảm thấy khó chịu và đau. Tuy nhiên theo thời gian, cơn đau sẽ dần dần biến mất khi vòng ngực phát triển trong vài năm. Đồng thời, núm vú của bé gái có thể chuyển sang màu hồng hoặc nâu, hoặc đôi khi có thể mọc lông. Quầng vú (vùng da tối màu xung quanh núm vú) sẽ lan to ra.
Cân nặng của trẻ cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến kích thước và hình dạng của ngực. Trong vòng 1-2 năm đầu tiên của giai đoạn dậy thì, mô ngực sẽ tăng kích thước và trở nên mềm hơn. Thường thì ngực sẽ bắt đầu phát triển ở một bên trước trước khi phát triển đều. Nếu trẻ gặp phải tình trạng này, đừng lo lắng quá nhiều vì nó thường sẽ tự cải thiện theo thời gian.
2.3. Xuất hiện mụn trứng cá
Nội tiết tố trong cơ thể của trẻ thay đổi khiến cho các tuyến mồ hôi, bã nhờn cũng phát triển và hoạt động mạnh hơn. Dầu nhờn tiết ra nhiều hơn làm tắc lỗ chân lông và gây mụn ở tuổi dậy thì. Mụn thường xuất hiện ở những vùng da tập trung tuyến dầu nhờn như: mặt, lưng, ngực,… Tùy vào từng cơ địa của trẻ, mụn trứng cá sẽ xuất hiện ở những vị trí và mức độ khác nhau.
☛ Đọc thêm: 10 cách kiểm soát mụn tuổi dậy thì
2.4. Cơ thể có mùi
Trong giai đoạn dậy thì, tuyến mồ hôi phát triển dẫn đến việc đổ mồ hôi dưới cánh tay và xuất hiện mùi cơ thể. Đây cũng là một trong những biểu hiện thường gặp và được xem là dấu hiệu của sự phát triển ở cơ thể các bé gái.
2.5. Khung xương chậu phát triển
Khung xương chậu của con gái cũng phát triển hơn ở tuổi dậy thì, chúng sẽ tăng kích thước, rộng và tròn hơn. Cùng với đó, tử cung của con gái sẽ bắt đầu phát triển hơn khiến vòng 3 nở nang hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy nữ giới đã sẵn sàng cho việc mang thai và sinh nở.
2.6. Mọc lông ở vùng kín
Trong giai đoạn dậy thì, cơ thể của con gái sẽ trải qua nhiều sự thay đổi, trong đó có sự phát triển lông. Lông thường xuất hiện ở nách, quanh vùng kín hoặc thậm chí là ở tay chân. Ban đầu lông ở những vùng này sẽ thưa và có màu nhạt, sau đó theo thời gian sẽ trở nên rậm và có màu đậm hơn.
2.7. Tiết dịch âm đạo và có kinh nguyệt
Một số bạn gái sẽ thấy xuất hiện dịch âm đạo có màu trắng hoặc trong suốt (đây được gọi là khí hư), điều này xảy ra do sự gia tăng estrogen trong cơ thể. Dịch thường xuất hiện trước kỳ kinh nguyệt đầu tiên khoảng 6-12 tháng.
Thông thường, kỳ kinh nguyệt sẽ xuất hiện chậm hơn khoảng 2-3 năm so với các dấu hiệu thay đổi khác của cơ thể ở tuổi dậy thì. Điều này cho thấy cơ thể của con gái đã trưởng thành, cơ quan sinh sản đã hoàn thiện và có khả năng thụ thai. Trong những ngày đầu của chu kỳ, lượng máu kinh sẽ ra nhiều và có thể kéo dài trong khoảng 7 ngày.
Trong vòng 3 năm đầu, con gái có kinh nguyệt không đều là hiện tượng bình thường. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường có thể dao động từ 21-35 ngày hoặc nhiều trường hợp bé gái có chu kỳ đều nhưng vài tháng lại không có. Nguyên nhân là vì cơ thể đang thích nghi với sự thay đổi sinh lý.
☛ Tham khảo thêm: Các dấu hiệu khi phụ nữ đến tháng
2.8. Tâm lý thay đổi
Thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn dậy thì có thể làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ. Khi dậy thì, trẻ sẽ phát triển mạnh về mặt cảm xúc, trí tuệ và tình dục.
3. Cha mẹ cần làm gì khi con bước vào tuổi dậy thì?
Con gái khi bước vào độ tuổi dậy thì sẽ có cảm giác khó chịu, không thoải mái, khó chia sẻ. Vì thế, cha mẹ cần phải để ý và chuẩn bị những kiến thức cho con để tránh những bỡ ngỡ:
- Cha mẹ cần tâm sự, lắng nghe về những thay đổi của con ở tuổi dậy thì. Động viên con vượt qua những căng thẳng trong cuộc sống mà con đang gặp phải.
- Mẹ nên hướng dẫn con gái cách chăm sóc vùng kín, thay băng vệ sinh đúng cách trong kỳ kinh nguyệt đầu tiên.
- Dạy con cách làm sạch lông ở những vùng da nhạy cảm, cách chăm sóc vòng 1 và những vấn đề về mụn dậy thì.
- Duy trì lối sống khoa học, bổ sung những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn của con để giúp trẻ có sức khỏe tốt hơn.
- Cha mẹ nên giáo dục giới tính cho con để giúp con có thêm những kiến thức ở giai đoạn mới lớn này.
- Tôn trọng không gian riêng của con như: gõ cửa trước khi vào phòng, hỏi ý trước khi động đồ của con,… để giúp trẻ cảm nhận được mình đang được tôn trọng.
- Không nên so sánh con với người khác, nói ra những lời làm con cảm thấy xấu hổ, không nên dạy con bằng cách la mắng, dùng đòn roi.
- Khi bước vào tuổi dậy thì, bé gái rất quan tâm tới ngoại hình, muốn mình trở nên xinh đẹp hơn trong mắt mọi người. Những tips nhỏ sau đây có thể giúp bé thêm tự tin trước hành trình bước vào ngưỡng cửa trưởng thành. Đọc chi tiết: Những cách tuyệt vời để con gái trở nên xinh đẹp hơn.
Lời kết
Trên đây là những thông tin giúp cha mẹ biết thêm về độ tuổi dậy thì của con và các dấu hiệu nhận biết. Mong rằng qua bài viết này, cha mẹ sẽ tìm được cách nuôi dạy và trở thành bạn đồng hành cùng con trong quá trình trưởng thành.