Đau bụng kinh là vấn đề thường gặp ở nữ giới, gây đau đớn, mệt mỏi và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần. Khi bị đau bụng kinh, một số chị em lựa chọn cách uống rượu với mong muốn giúp giảm đau, thư giãn. Tuy nhiên, liệu rượu có làm giảm đau bụng kinh được không? Nó có lợi hay hại cho chu kỳ kinh nguyệt? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
1. Bị đau bụng kinh có nên uống rượu không?
Rượu là loại đồ uống có cồn, được sản xuất từ quá trình lên men tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của cây và hoa quả hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm. Rượu thường được nhiều người sử dụng với mục đích thư giãn tinh thần, làm dịu bớt căng thẳng, lo âu và giúp ngủ ngon hơn.
Do đó, một số chị em phụ nữ đã tin rằng uống rượu có thể làm giảm cơn đau bụng kinh cũng như giúp thư giãn, xoa dịu tâm trạng khó chịu trong những ngày đèn đỏ. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm. Việc uống rượu để giảm đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt là hoàn toàn không nên. Rượu không chỉ không khiến những cơn đau bụng kinh biến mất mà còn có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của triệu chứng đau, đồng thời gây ra nhiều tác hại khác đối với chu kỳ kinh nguyệt của chị em.
Một số ảnh hưởng không tốt khi uống rượu trong kỳ kinh nguyệt có thể kể đến như:
1.1. Đau bụng kinh nghiêm trọng hơn
Rượu có thể làm triệu chứng đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt của bạn tăng lên bằng cách tăng cường sản xuất prostaglandin.
Prostaglandin là một hormon tự nhiên được sản sinh ra trong cơ thể nhằm giúp co thắt tử cung và đẩy máu ra ngoài trong những ngày đèn đỏ. Tuy nhiên, tác dụng này cũng là nguyên nhân gây ra những cơn đau bụng kinh khó chịu cho chị em phụ nữ. Nồng độ prostagladin càng cao, những cơn co thắt của tử cung càng trở nên mạnh hơn, khiến tình trạng đau bụng kinh cũng tăng lên.
Bên cạnh đó, uống rượu còn khiến cơ thể bị mất nước, khiến cho máu và dịch kinh nguyệt đặc lại, sau đó hình thành những cục máu đông. Điều này khiến việc đẩy máu ra khỏi cơ thể gặp khó khăn và khi chảy ra ngoài, chúng có thể mang theo sự đau đớn tồi tệ hơn.
1.2. Mất cân bằng hormone
Rượu có thể gây tăng nồng độ hormone testosterone và estrogen tạm thời. Đây là những hormone cần thiết cho quá trình rụng trứng. Sự mất cân bằng nồng độ các hormone này có thể dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều, thậm chí là mất kinh. Tuy nhiên, tình trạng này thường chỉ xảy ra nếu bạn uống quá nhiều rượu.
1.3. Gây mệt mỏi
Sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt thường khiến chị em phụ nữ cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Rượu được ví như một chất gây trầm cảm, có tác dụng ức chế hệ thống thần kinh của bạn. Ngoài ra, rượu còn gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể, khiến lượng đường trong máu giảm thấp. Điều này khiến sự mệt mỏi sẵn có trong những ngày đèn đỏ thậm chí còn tăng cao hơn.
1.4. Tâm trạng thất thường
Bằng cách thay đổi mức độ hormone sinh dục trong cơ thể, rượu có thể khiến tâm trạng chị em phụ nữ thay đổi thất thường nghiêm trọng hơn trong kỳ kinh nguyệt. Bạn có thể cảm thấy vui vẻ, hưng phấn hơn khi uống rượu nhưng cùng với đó, những tâm trạng buồn bã, lo lắng cũng có thể tăng lên khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn.
Hơn nữa, rượu còn gây ra nhiều phản ứng không mong muốn khác cho cơ thể sau khi uống như chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau đầu, đau dạ dày,…. Uống rượu cũng có thể làm giảm tác dụng, tương tác với các loại thuốc giảm đau bạn đang dùng trong chu kỳ kinh nguyệt, từ đó có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, thậm chí gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Chính vì vậy, trong thời gian kinh nguyệt, bạn nên tránh uống rượu và sử dụng các biện pháp giảm đau bụng kinh an toàn, hiệu quả khác như chườm ấm, nghỉ ngơi, sử dụng thuốc giảm đau, tập thể dục nhẹ nhàng,… để cải thiện tình trạng này.
Hỏi đáp: Có phải sinh con xong sẽ hết đau bụng kinh?
2. Đau bụng kinh nên uống gì?
“Đau bụng kinh nên uống gì cho đỡ?” Đây chắc hẳn là câu hỏi mà rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm trong những đèn đỏ. Dưới đây là một số loại đồ uống giúp cải thiện đáng kể tình trạng đau bụng kinh khó chịu bạn có thể tham khảo và áp dụng:
2.1. Nước ấm
Cung cấp đủ nước cho cơ thể mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và điều này sẽ càng quan trọng hơn trong kỳ kinh nguyệt. Nước giúp hỗ trợ tiêu hóa, tránh đầy hơi gây khó chịu và khiến bạn đau đớn. Nước cũng hỗ trợ tuần hoàn máu tốt hơn, đưa máu giàu chất dinh dưỡng đến nơi cần trong những ngày đèn đỏ.
Cung cấp nước còn hỗ trợ giảm co thắt cơ bụng, tử cung và giúp làm loãng máu, dịch nhầy, nhờ đó giúp cơ thể đào thải chúng ra ngoài dễ dàng hơn. Do đó, uống đủ 2 – 3l nước mỗi ngày trong chu kỳ kinh nguyệt có thể giúp bạn cải thiện đáng kể tình trạng đau bụng kinh.
Hỏi đáp: Đau bụng kinh có nên uống cà phê?
2.2. Trà hoa cúc
Trà hoa cúc có chứa glycine – một chất hóa học có hiệu quả trong việc giảm co thắt cơ và thư giãn thần kinh, nhờ đó giúp giảm bớt những cơn đau bụng kinh khó chịu. Bên cạnh đó, uống trà hoa cúc còn có tác dụng an thần, giúp tinh thần thoải mái, giảm cảm giác mệt mỏi và cải thiện giấc ngủ của bạn trong những ngày kinh nguyệt.
Sau khi uống một ly trà, bạn có thể nằm nghỉ an tĩnh giúp cơ thể bớt mệt mỏi. Đối với những người bị đau bụng kinh, chọn đúng tư thế nằm rất quan trọng để cải thiện triệu chứng. Mời bạn đọc tiếp bài viết: Đau bụng kinh nên nằm nghiêng bên nào?
2.3. Trà gừng
Trà gừng rất giàu các hợp chất chống viêm, giảm đau như gingerole, zingerone, shogaol,… Một số nghiên cứu cũng chứng minh gừng có hiệu quả tương tự với ibuprofen – một loại thuốc giảm đau được sử dụng trong giảm đau bụng kinh.
Trà gừng cũng có tác dụng chống nôn, nhờ đó có thể làm giảm các triệu chứng buồn nôn, nôn trong thời kỳ kinh nguyệt.
2.4. Mật ong
Một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Archives of Gynecology and Obstetrics của Mỹ đã chỉ ra rằng mật ong có hiệu quả tương đương với acid mefenamic – một loại thuốc giảm đau thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid trong việc làm giảm triệu chứng đau bụng kinh.
Bên cạnh đó, mật ong còn chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất có lợi như magie, canxi, kali,… giúp nhuận tràng, tăng cường sức đề kháng cơ thể, từ đó hỗ trợ giảm đau bụng kinh hiệu quả.
Xem thêm: Cách sử dụng mật ong giảm đau bụng kinh
2.5. Sữa quế
Trong quế có chứa thành phần cinnamaldehyde có tác dụng chống co thắt và eugenol có khả năng ngăn chặn quá trình sinh tổng hợp prostaglandin và giảm viêm. Nhờ đó, quế có hiệu quả đáng kể trong việc giảm đau, giảm lượng máu kinh, buồn nôn và nôn mà ít gây ra tác dụng phụ cho cơ thể.
Do đó, một ly sữa ấm pha bột quế sẽ giúp cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, tăng cường miễn dịch và giảm cơn đau bụng kinh của bạn một cách nhanh chóng.
2.6. Nước ép cam
Cam rất giàu vitamin C – chất đóng vai trò quan trọng trong hấp thu sắt của cơ thể. Điều này khiến chúng trở thành loại trái cây lý tưởng nên ăn trong thời kỳ kinh nguyệt – thời điểm mà bạn có xu hướng mất sắt do chảy máu.
Ngoài ra, cam còn chứa nhiều magie và kali có tác dụng hỗ trợ giảm co thắt cơ trơn tự nhiên. Nhờ đó, uống nước cam có thể cải thiện đáng kể triệu chứng đau bụng kinh, đồng thời cải thiện hoạt động tiêu hóa và giúp cơ thể tràn đầy năng lượng
2.7. Nước dừa
Trong nước dừa có chứa lượng dưỡng chất vô cùng phong phú như vitamin, chất chống oxy hóa và các khoáng chất magie, canxi, kali,… nhờ đó đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cũng như chu kỳ kinh nguyệt của chị em phụ nữ. Uống nước dừa trước và trong ngày đèn đỏ giúp tránh hiện tượng mất nước, đồng thời giúp điều hòa hoạt động của tử cung, khiến tử cung co thắt nhẹ nhàng hơn, nhờ đó làm thuyên giảm các cơn đau khó chịu.
Rượu không phải thức uống giảm đau bụng kinh và chị em phụ nữ nên tránh uống rượu trong chu kỳ kinh nguyệt của minh. Thay vào đó, chị em có thể lựa chọn những thức uống thơm ngon, dễ làm, tốt cho cơ thể đã được gợi ý để giúp giảm bớt đau đớn trong những ngày đèn đỏ. Đừng quên xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, Oeneva gợi ý bạn danh sách 25 món ăn tốt cho kỳ kinh nguyệt.