Đau bụng kinh muốn đi ngoài là triệu chứng chị em dễ gặp phải trong chu kỳ kinh nguyệt. Vậy tình trạng này xuất hiện do đâu? Có nguy hiểm không? Làm cách nào để phòng ngừa? Hãy cùng Oeneva tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!
Nội dung bài viết
1. Đau bụng kinh muốn đi ngoài là bị làm sao?
Khi đến kỳ kinh nguyệt, nhiều chị em sẽ gặp phải tình trạng đau bụng dưới, kèm theo đó là cảm giác muốn đi ngoài. Nguyên nhân hàng đầu khiến chị em gặp phải tình trạng này là do sự thay đổi của hormone Prostaglandin.
Đến kỳ kinh, hormone này sẽ tiết ra nhiều hơn, kích thích sự co bóp của tử cung, giúp đẩy máu kinh ra ngoài. Điều này tạo ra những cơn co thắt ở tử cung, gây cảm giác đau đớn.
Hormone Prostaglandin cũng kích thích hệ tiêu hóa, khiến nhu động ruột co bóp mạnh hơn, dẫn đến hiện tượng muốn đi ngoài.
Mặt khác, tình trạng đau bụng kinh muốn đi ngoài cũng có thể xuất hiện do các yếu tố nguy cơ như:
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Thường xuyên ăn đồ nhiều dầu mỡ, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, đồ ăn tái sống, sử dụng rượu bia, nước ngọt…
- Cơ thể bị lạnh: Vào “ngày ấy”, hệ thống nội tiết diễn ra nhiều thay đổi làm cơ thể chị em dễ bị lạnh, dẫn đến tình trạng đau bụng và đi ngoài.
☛ Đọc thêm: Đau bụng kinh có giống đau đẻ không?
2. Đau bụng kinh muốn đi ngoài có nguy hiểm không?
Đau bụng kinh muốn đi ngoài được xem là hiện tượng sinh lý tự nhiên, ta không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, tình trạng này có thể gây phiền toái, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, nếu đau bụng kinh muốn đi ngoài kèm theo các triệu chứng bất thường như đau bụng dữ dội, đau thắt vùng bụng dưới, cơ thể mệt mỏi, kiệt sức do mất máu… thì rất có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về sức khỏe, bệnh lý.
Do đó, chị em hãy chủ động trong việc theo dõi sức khỏe, thăm khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt.
☛ Tìm hiểu thêm: Các mức độ đau bụng kinh
3. Các mẹo phòng ngừa đau bụng kinh muốn đi ngoài
Để phòng ngừa, cải thiện tình trạng đau bụng kinh muốn đi ngoài chị em có thể tham khảo áp dụng các mẹo dưới đây:
3.1. Giữ ấm cơ thể
Cơ thể bị lạnh có thể khiến tình trạng đau bụng kinh trở nên tồi tệ hơn, kèm theo đó là có cảm giác muốn đi ngoài. Do đó, giữ ấm cơ thể là một trong những mẹo hiệu quả giúp chị em vượt qua những ngày “đèn đỏ” dễ dàng hơn.
Cụ thể, cơ thể được giữ ấm sẽ giúp quá trình lưu thông máu diễn ra thuận lợi hơn, hạn chế tình trạng tắc nghẽn, đồng thời làm giảm những cơn co thắt tại vùng chậu. Từ đó xoa dịu những cơn đau bụng kinh và cảm giác khó chịu, muốn đi ngoài.
Một số biện pháp giữ ấm cơ thể chị em có thể áp dụng gồm:
Chườm ấm bụng: Chị em có thể sử dụng nước ấm, cho vào túi chườm rồi đặt nhẹ lên vùng bụng dưới. Chườm ấm bụng sẽ giúp làm giãn các cơ và mạch máu ở vùng bụng, giảm co thắt tử cung, cải thiện chứng đau bụng kinh hiệu quả.
Uống nước ấm: Uống nước ấm sẽ giúp nhiệt độ ở bụng được cân bằng, đồng thời giúp máu lưu thông tốt hơn, góp phần điều tiết hoạt động của cơ thắt tử cung, hỗ trợ giảm đau bụng khi tới tháng.
Mặc đủ ấm: Vào những ngày thời tiết lạnh, việc ăn mặc phong phanh sẽ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, điều này có thể khiến thúc đẩy những cơn co bóp tại vùng chậu, khiến tình trạng đau bụng kinh muốn đi ngoài trở nên nghiêm trọng hơn.
Tắm nước ấm: Tắm nước ấm sẽ giúp thư giãn các nhóm cơ, giúp cơ thể thoải mái hơn, hỗ trợ giảm đau bụng kinh. Chị em có thể pha thêm chút muối và vài lát gừng để tăng hiệu quả.
Hỏi đáp: Bôi dầu gió làm ấm bụng có giảm đau bụng kinh không?
3.2. Sinh hoạt lành mạnh
Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh không chỉ tốt cho sức khỏe mà con giúp phòng ngừa, cải thiện các triệu chứng tiền kinh nguyệt, bao gồm cả tình trạng đau bụng kinh kèm đi ngoài.
Để giảm bớt cảm giác mệt mỏi trong những ngày ấy, chị em nên xây dựng và duy trì những thói quen như:
- Ngủ 7 – 8 tiếng/ngày, không nên thức khuya
- Thường xuyên vận động, tập luyện nhẹ nhàng với các bài tập như ngồi thiền, yoga
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, tuy nhiên trong những ngày “đèn đỏ” hãy nhớ uống nước ấm thay vì nước lạnh.
☛ Xem thêm: 8 bài tập yoga giảm đau bụng kinh hiệu quả
3.3. Bổ sung dinh dưỡng khoa học
Trong những “ngày ấy”, chị em cũng nên chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng. Ngoài việc ăn uống cân bằng các nhóm chất, hãy tăng cường bổ sung những chất như:
Canxi: Canxi có khả năng làm giảm co thắt cơ tử cung, góp phần giảm triệu chứng đau bụng kinh. Các nguồn canxi tốt bao gồm: Sữa, sữa chua, sữa đậu nành, hạt chia, hạt lanh, các loại rau có lá xanh đậm.
Chất xơ: Chất xơ giúp duy trì sự cân bằng hormone, từ đó giảm triệu chứng đau bụng kinh. Nguồn chất xơ dồi dào có thể kể đến gồm: Bông cải xanh, cà rốt, cải bó xôi, cải xoăn, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt…
Omega-3: Các nguồn omega-3 tự nhiên như cá hồi, cá mòi, hạt lanh, hạt chia và dầu cá… sẽ là lựa chọn tuyệt vời để cải thiện cảm giác khó chịu trong mỗi kỳ kinh nguyệt bởi khả năng chống viêm hữu hiệu.
Magiê: Magiê có khả năng giảm co thắt cơ tử cung và làm giảm triệu chứng đau bụng kinh. Một số thực phẩm giàu magiê bao gồm hạt điều, hạt bí, hạt chia, hạt lanh…
Bên cạnh đó, chị em cũng nên hạn chế ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị cay nóng hoặc các món ăn gỏi sống. Đồng thời tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
3.4. Massage bụng
Những động tác massage nhẹ nhàng có thể làm giãn cơ bụng, ngăn co thắt tử cung một cách đột ngột, từ đó giảm cảm giác đau bụng kinh.
Bạn có thể thử tự massage như sau:
Chuẩn bị: Trước khi massage hãy nằm ngửa trên thảm, giường hoặc nệm, thả lỏng cơ thể và giữ tâm trạng thật thoải mái, đặt tay lên vùng bụng dưới, hít sâu, thở đều.
Massage bụng dưới: Đặt tay lên bụng dưới, massage theo chuyển động vòng tròn xuôi chiều kim đồng hồ, lặp lại động tác khoảng vài phút, hơi dùng lực ấn và có thể dần mở rộng bán kính vòng tròn cần massage.
Massage hông và cột sống: Sau khi massage bụng dưới, chị em có thể vòng tay ra phía sau, đặt ở hai bên cột sống thắt lưng, dùng lực vừa phải và massage theo chiều từ cột sống hướng ra ngoài. Lặp lại động tác 3 lần. Sau đó massage dọc theo cột sống thắt lưng xuống đến xương cụt trong khoảng 2 phút.
Ngoài ra, chị em cũng có thể giảm đau bụng kinh bằng cách tạo áp lực lên vùng bụng. Với cách làm này, chỉ cần dùng bàn tay ấn một lực vừa phải vào vị trí bị đau 30 giây rồi thả lỏng từ từ, lặp lại khoảng 5 lần. Trong quá trình thực hiện, hãy nằm hoặc ngồi thật thoải mái.
Có thể bạn muốn biết: Xoa môi trên có phải mẹo chữa đau bụng kinh hiệu quả?
4. Một vài vấn đề sức khỏe khác trong kỳ kinh nguyệt
Ngoài tình trạng đau bụng kinh muốn đi ngoài, trong kỳ kinh nguyệt phụ nữ có thể gặp phải các vấn đề khác như:
4.1. Cơ thể mệt mỏi, uể oải
Trong những kinh nguyệt diễn ra, cơ thể phụ nữ sẽ mất đi một lượng máu đáng kể, dẫn đến tình trạng thiếu sắt. Điều này khiến khả năng tái tạo hồng cầu giảm, đồng thời lượng oxy dự trữ cho cơ thể cũng bị ảnh hưởng.
Do đó, vào những ngày “đèn đỏ” nhiều chị em thường cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt… ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và công việc.
4.2. Đau ngực
Trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt, nhiều chị em thường có cảm giác căng tức, đau nhức tại vòng 1. Trong những ngày này, kích thước “núi đôi” cũng có thể to hơn một chút.
Tình trạng này được xác định là do sự thay đổi của các hormone nội tiết. Các cơn đau sẽ biến mất khi kỳ kinh nguyệt kết thúc.
4.3. Đau lưng
Sự thay đổi của nội tiết tố và các cơn co bóp tử cung cũng khiến chị em bị đau lưng trước kỳ kinh nguyệt.
Những cơn đau này sẽ xuất hiện ở vùng thắt lưng. Chúng thường khởi phát âm ỉ, khó chịu trước ngày “đèn đỏ” vài ngày, sau đó dần thuyên giảm vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 của kỳ kinh. Tuy nhiên, một số trường hợp chị em cũng có thể bị đau cấp tính, dữ dội.
4.4. Thay đổi tâm trạng
Bước vào kỳ kinh nguyệt, nồng độ estrogen giảm xuống, đồng thời serotonin tăng lên, khiến tâm trạng của chị em bị tác động đáng kể.
Các vấn đề về tâm trạng và cảm xúc nữ giới thường gặp phải trong những ngày này bao gồm: căng thẳng, lo lắng, buồn bã, dễ cáu gắt, tâm lý thay đổi thất thường…
Mặt khác, chị em cũng dễ bị mất tập trung, khó ngủ… làm ảnh hưởng đến công việc và chất lượng đời sống.
Lời kết:
Đau bụng kinh muốn đi ngoài là hiện tượng sinh lý tự nhiên có thể gặp ở nhiều chị em và không quá đáng ngại. Tuy nhiên, nếu gặp những bất thường như đau bụng dữ dội, rối loạn kinh nguyệt trong 2 – 3 kỳ kinh liên tiếp, thường xuyên đau đầu, chóng mặt… hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Bên cạnh đó đừng quên duy trì một lối sống khoa học, bổ sung dinh dưỡng hợp lý và chú ý lắng nghe cơ thể, yêu bản thân hơn một chút trong những “ngày ấy”.