Đau bụng dưới là dấu hiệu phổ biến báo hiệu kỳ kinh nguyệt sắp đến. Đọc bài viết Nhận diện đầy đủ: 14 dấu hiệu khi phụ nữ đến tháng để xem có phải bạn sắp tới ngày rụng râu. Nếu không cùng tìm hiểu các nguyên nhân bị đau bụng dưới mà không phải do kỳ kinh nguyệt gây ra.
Nội dung bài viết
1. 10 nguyên nhân bị đau bụng dưới mà không có kinh
Tình trạng đau bụng dưới âm ỉ mặc dù không trong thời gian kinh nguyệt có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số tình trạng và bệnh lý liên quan đến triệu chứng đau bụng dưới.
1.1. Mang thai
Bị đau bụng dưới âm ỉ mà không đi kèm với kinh nguyệt có thể là dấu hiệu của việc mang thai. Thông thường, lớp niêm mạc tử cung được tạo ra mỗi tháng để chuẩn bị môi trường thuận lợi cho trứng đã thụ tinh vào làm tổ. Nếu không được thụ tinh, lớp niêm mạc sẽ bong ra gây hiện tượng kinh nguyệt.
Trong trường hợp bạn có quan hệ tình dục trong thời gian trước đó mà không thấy kinh nguyệt có thể do trứng đã được thụ tinh và làm tổ ở tử cung. Lúc này, bạn sẽ có cảm giác đau âm ỉ ở vùng bụng dưới giống như đau bụng kinh.
Đau bụng dưới do mang thai còn có thể đi kèm với máu báo thai. Khác với máu kinh, máu báo thai có số lượng ít hơn, màu hồng nhạt hoặc nâu đậm, không chứa nhiều dịch, không bị vón cục và không có mùi.
☛ Đọc thêm: Đau bụng kinh có giống đau đẻ không?
1.2. Mang thai ngoài tử cung
Bên cạnh mang thai thông thường, đau bụng dưới cũng là triệu chứng bạn có thể gặp khi mang thai ngoài tử cung. Theo Dịch vụ Y tế quốc gia của Anh Quốc, đây là trường hợp trứng đã được thụ tinh làm tổ ở nơi khác thay vì trong tử cung, thường gặp nhất là ống dẫn trứng.
Bên cạnh các dấu hiệu giống thai kỳ bình thường như buồn nôn, nôn, căng tức ngực.. chị em có thể bị chảy máu âm đạo bất thường, đau bụng dưới và vùng chậu ở một bên với cơn đau âm ỉ, thỉnh thoảng đau nhói. Mang thai ngoài tử cung gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng và đe dọa tính mạng của người thai phụ nếu không được can thiệp kịp thời.
1.3. Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng phát triển của nội mạc tử cung (phần mô lót bên trong tử cung) ở những bộ phận khác của cơ thể như buồng trứng, mặt ngoài tử cung, ống dẫn trứng, dây chằng hỗ trợ tử cung, bọng đái…
Mô nội mạc tử cung bị lạc vẫn hoạt động với chức năng của nó làm ảnh hưởng đến nội tiết tố trong cơ thể phái nữ. Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp một số tình trạng gồm đau dai dẳng ở lưng dưới và vùng chậu, đau vùng chậu trong và trước khi quan hệ tình dục, đi tiểu đau rát…
1.4. U xơ tử cung
U xơ tử cung là u tử cung lành tính thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đây là những khối u được cấu tạo bởi các tế bào cơ trơn và mô liên kết dạng sợi, phát triển trong tử cung của người bệnh.
Hầu hết u xơ tử cung không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và không cần điều trị đặc biệt, tuy nhiên, những trường hợp có khối u xơ lớn có thể gây ra các triệu chứng như chu kỳ kinh nguyệt không đều, chảy máu giữa các kỳ kinh, khí hư ra nhiều và có mùi hôi, đau rát khi quan hệ tình dục, đau bụng dưới, khó mang thai.
1.5. Viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu (PID) là bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh sản của phụ nữ xảy ra ở cổ tử cung, tử cung, vòi trứng và buồng trứng. Bệnh thường lây qua đường tình dục với tác nhân chính là vi khuẩn Chlamydia trachomatis hay Neisseria.
Người bệnh viêm buồng trứng gặp triệu chứng điển hình là đau do co thắt từ mức độ nhẹ đến nặng ở vùng bụng dưới, đau tăng lên khi quan hệ tình dục, sốt, đau khi đi tiểu, vùng kín tiết dịch có mùi, kinh nguyệt kéo dài… Viêm vùng chậu thường gặp ở nữ giới dưới 35 tuổi, hiếm khi xảy ra trước kỳ kinh nguyệt đầu tiên, sau khi mãn kinh và trong thời gian mang thai.
1.6. Ung thư buồng trứng
Buồng trứng là một trong những cơ quan sinh sản của nữ giới với chức năng sản xuất tế bào trứng để thụ tinh và sản xuất nội tiết tố estrogen, progesterone. Ung thư buồng trứng là bệnh ung thư bắt đầu từ buồng trứng, thường không được phát hiện cho đến khi bệnh lan rộng tới khung chậu và bụng. Bệnh thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi và có yếu tố di truyền.
Người bệnh thường có một hoặc nhiều triệu chứng như đầy bụng, đi tiểu thường xuyên, đau lưng, đau vùng chậu, táo bón hoặc tiêu chảy, kinh nguyệt không đều, tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân…
☛ Đọc thêm: Chu kỳ kinh nguyệt 40 ngày có bất thường không?
1.7. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là bệnh nhiễm trùng phổ biển xảy ra do vi khuẩn từ da hoặc trực tràng xâm nhập vào niệu đạo và gây viêm nhiễm. Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến một số bộ phận của đường tiết niệu, phổ biến nhất là bàng quan hoặc bể thận.
Nữ giới có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn nam giới vì niệu đạo phái nữ ngắn hơn và gần trực tràng hơn, khiến cho vi khuẩn xâm nhập dễ dàng hơn. Các triệu trứng cảnh báo nhiễm trùng đường tiết niệu gồm đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, thường xuyên đi tiểu, nước tiểu có máu, sốt, đau lưng và bụng dưới…
1.8. Rối loạn tiêu hóa
Các nguyên nhân làm thay đổi, cản trở, đảo lộn quá trình tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa đều được gọi là rối loạn tiêu hóa. Đây không phải một bệnh lý mà là hậu quả của một số bệnh như viêm ruột, đại tràng kích thích, loét dạ dày tá tràng…
Rối loạn tiêu hóa thường biểu hiện qua nhiều triệu chứng ở mức độ nặng nhẹ khác nhau, bao gồm chướng bụng, buồn nôn, nôn, ợ nóng, ợ hơi, đau bụng âm ỉ ở vùng dạ dày và bụng dưới, đại tiện bất thường…
1.9. Sỏi thận hoặc bàng quang
Thông thường, hệ tiết niệu có hiện tượng lắng và kết tinh sỏi, những tinh thể và viên sỏi nhỏ sẽ đi theo đường tiểu ra ngoài. Tuy nhiên, tại vị trí bất kỳ nào trên đường niệu, những tinh thể và viên sỏi có thể bị vướng lại, tiếp tục lắng đọng và kết tinh tạo thành những viên sỏi lớn.
Khi hiện tượng kết tinh ở thận xảy ra sẽ tạo sỏi thận, sỏi thận có kích thước lớn sẽ cản trở lưu thông của nước tiểu và làm giãn phình nhiều vị trí vị tắc nghẽn. Tại những vị trí này có thể xảy ra biến chứng như nhiễm trùng, hình thành thêm sỏi và dần dần phá hủy cấu trúc thận.
Tương tự sỏi thận, sỏi bàng quang là những kết tinh được hình thành trong bàng quang. Có đến 80% sỏi bàng quang là do những sỏi thận di chuyển xuống niệu quản và rơi vào bàng quang.
Sỏi thận và sỏi bàng quang thường gây một số triệu chứng như đau bụng dưới, đau khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên, có máu trong nước tiểu, nước tiểu đục hoặc có màu sắc bất thường…
1.10. Dùng thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai hằng ngày và khẩn cấp với thành phần chính là các hormone sinh dục như estrogen và progesterone sẽ kiểm soát hoạt động của tử cung, buồng trứng, từ đó ngăn cản việc thụ thai. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc tránh thai có thể khiến chị em gặp một số tác dụng không mong muốn như buồn nôn, nôn, đau bụng dưới, căng tức ngực, thay đổi tâm trạng…
Đa số trường hợp sử dụng thuốc tránh thai không gặp quá nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Với thuốc tránh thai hằng ngày, ban đầu chị em gặp tác dụng phụ có thể do cơ thể chưa thích nghi với sự thay đổi nội tiết tố, sau khoảng 2 – 3 tháng sử dụng, các triệu chứng khó chịu sẽ dần biến mất.
2. Bị đau bụng dưới mà không có kinh cần làm gì?
Tình trạng đau bụng dưới có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều xuất phát từ các bệnh lý.
Nếu hiện tượng này chỉ xuất hiện một vài lần thì chị em không cần quá lo lắng mà hãy điều chỉnh lại lối ăn uống và sinh hoạt, tập luyện thể thao nhẹ nhàng mỗi ngày, giữ gìn vệ sinh vùng kín, quan hệ tình dục an toàn và thử thai để kiểm tra xem mình có mang thai không.
Chị em cũng có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau như chườm ấm vùng bụng dưới hoặc uống thuốc giảm đau theo chỉ định của dược sĩ, bác sĩ.
Nếu bạn thường xuyên bị đau bụng dưới âm ỉ, kéo dài nhiều ngày kèm một số dấu hiệu bất thường như buồn nôn, nôn, đi ngoài ra máu, tiểu buốt, tiểu rát, kinh nguyệt bất thường… thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, tìm nguyên nhân và điều trị sớm.
Lời kết:
Bài viết trên đây là một số thông tin xoay quanh tình trạng đau bụng dưới mà không có kinh, mong rằng chị em đã bổ sung thêm được nhiều kiến thức bổ ích và có những phương án phù hợp để bảo vệ sức khỏe của bản thân.