Các tuyến nội tiết trong cơ thể thực hiện nhiệm vụ sản xuất và giải phóng các hormone giúp kiểm soát hoạt động sống của cơ thể và cung cấp năng lượng cho các tế bào, cơ quan. Hãy cùng tìm hiểu các tuyến nội tiết trong cơ thể trong bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
- 1. Tuyến yên – tuyến nội tiết trung ương
- 2. Tuyến giáp – tuyến nội tiết quan trọng nhất
- 3. Tuyến cận giáp – tuyến nội tiết điều hòa canxi
- 4. Tuyến tụy – tuyến nội tiết đa năng
- 5. Tuyến thượng thận – tuyến nội tiết điều hòa stress
- 6. Tuyến sinh dục nam – tuyến nội tiết điều hòa sinh sản ở nam giới
- 7. Tuyến sinh dục nữ – tuyến nội tiết điều hòa sinh sản ở nữ giới
1. Tuyến yên – tuyến nội tiết trung ương
Tuyến yên hay còn được biết đến là tuyến não thùy là một tuyến nội tiết nhỏ, có kích thước bằng hạt đậu với khối lượng chỉ 0.5kg. Tuyến yên nằm ở sàn não thất ba, trong hố yên của xương bướm, được chia làm ba thùy là thùy trước, thùy giữa và thùy sau.
Thùy trước tuyến yên chiếm khoảng 80% trọng lượng, làm nhiệm vụ tổng hợp và giải phóng một số hormone cần thiết cho sự phát triển và hoạt động của các tuyến đích khác, bao gồm:
- ACTH (hormone kích thích vỏ thượng thận)
- TSH (hormone kích thích tuyến giáp)
- LH (hormone lutein hóa)
- FSH (hormone kích thích nang trứng)
- GH (hormone tăng trưởng)
- Prolactin
- Các hormone khác
Thùy sau tuyến yên tiết hai loại hormone, đó là:
- ADH (hay còn gọi là vasopressin, hormone chống bài niệu)
- Oxytocin (hormone kích thích co bóp tử cung và tăng tình cảm gắn kết)
Rối loạn hoạt động của tuyến yên có thể liên quan đến sự mất một phần hoặc toàn bộ chức năng của tuyến yên. Các triệu chứng lâm sàng sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại hormone cụ thể bị thiếu hụt. Để đưa ra các chẩn đoán cụ thể, người bệnh cần được kiểm tra hình ảnh, đo nồng độ hormone cơ bản và thực hiện một số thử nghiệm kích thích khác nhau.
Một số bệnh liên quan đến rối loạn hoạt động tuyến yên có thể kế đến như:
- U tuyến yên, suy tuyến yên
- Bệnh Cushing, bệnh Addison, bệnh Basedow
- Suy giáp, cường giáp
- Chậm tăng trưởng ở trẻ em
- Rối loạn tình dục ở cả nam giới và nữ giới
2. Tuyến giáp – tuyến nội tiết quan trọng nhất
Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất, giữa vai trò quan trọng và ảnh hưởng đến nhiều hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Tuyến giáp là tuyến nhỏ có hình con bướm nằm phía trước cổ, với nhiệm vụ tiết ra hai hormone chính là T3 (Triiodothyronine) và T4 (Thyroxine).
Các hormone được tuyến giáp tiết ra hoạt động trên hầu hết mọi mô trong cơ thể, đóng góp vào quá trình phát triển của mô não, mô sinh trưởng ở bào thai và trẻ sơ sinh. Ở người lớn, hormone tuyến giáp điều chỉnh quá trình trao đổi chất đạm, carbohydrate và chất béo. Cụ thể hơn:
- Hệ thống tim mạch: Tuyến giáp điều chỉnh lượng máu lưu thông trong hệ tuần hoàn, điều hòa nhịp tim, sức co bóp của cơ tim.
- Hệ thống thần kinh: Phát triển não bộ, điều hòa tâm trạng và cảm xúc.
- Hệ thống tiêu hóa: Ảnh hưởng đến nhu động ruột đường tiêu hóa.
- Hệ thống sinh sản: Hormone tuyến giáp điều hòa sức khỏe sinh sản ở cả nam giới và nữ giới.
Các bệnh tuyến giáp thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới do sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể cũng như sinh lý. Các bệnh tuyến giáp thường gặp có suy giáp, cường giáp, bướu giáp, ung thư giáp, bệnh Basedow….
Có thể bạn muốn biết: Tìm hiểu 4 loại hormone : Cuốn Lật Trang Mới về Sức Khỏe Tinh Thần
3. Tuyến cận giáp – tuyến nội tiết điều hòa canxi
Tuyến cận giáp nằm gầm tuyến giáp ở cổ, có kích thước nhỏ bằng hạt đậu nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nồng độ canxi của cơ thể. Các tế bào tuyến cận giáp sản xuất, lưu trữ và tiết ra hormone PTH với các tác dụng:
- Làm tăng canxi huyết thanh thông qua tăng hấp thu canxi ở thận và ruột, huy động canxi và photphat từ xương, tăng tái hấp thu canxi ở thận.
- Làm giảm sự hấp thu photphat và tăng thải photphat ở thận.
Khi tuyến cận giáp giải phóng quá nhiều hoặc quá ít hormone PTH đều có thể gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe theo nhiều cách khác nhau, bao gồm: bệnh cường tuyến cận giáp, suy tuyến cận giáp, u cận giáp, loãng xương,…
4. Tuyến tụy – tuyến nội tiết đa năng
Tuyến tụy là cơ quan nội tiết nằm ở phía sau dạ dày, bao gồm thùy ngoại và thùy nội thực hiện nhiệm vụ tiết dịch tụy đổ vào ruột giúp tiêu hóa thức ăn và tiết hormone điều hòa đường huyết.
Tuyến tụy bao gồm các tiểu đảo tụy với nhiệm vụ tiết ra các hormone điều hòa hoạt động sống của cơ thể. Tiểu đảo beta chiếm số lượng nhiều nhất với chức năng sản xuất insulin. Tiểu đảo alpha sản xuất glucagon và tiểu đảo delta sản xuất somatostatin. Các hormone có các chức năng cụ thể như sau:
- Insulin: có tác dụng giảm đường huyết, nếu thiếu sẽ gây rối loạn trao đổi gluxit, tăng đường huyết, gây ra bệnh đái tháo đường.
- Glucagon: có tác dụng làm tăng đường huyết.
- Somatostatin: làm giảm nồng độ glucagon và insulin trong máu.
Bên cạnh hoạt động nội tiết, tụy còn làm nhiệm vụ ngoại tiết thông qua việc sản xuất các enzyme tiêu hóa bao gồm trypsinogen, chymotrysinogen, lipase tụy và amylase. Các dịch tụy này thực hiện nhiệm vụ phân giải và hấp thu chất dinh dưỡng.
Các bệnh lý tuyến tụy có thể bị ảnh hưởng bởi ký sinh trùng, nhiễm trùng hoặc chấn thương, gây ra một số tình trạng như u tụy, ung thư tuyến tụy, viêm tụy, đái tháo đường, giun chui ống tụy.
5. Tuyến thượng thận – tuyến nội tiết điều hòa stress
Tuyến thượng thận có hình mũi tên nằm ở trên hai thận, bao gồm phần vỏ và phần ruột. Vỏ thượng thận và tủy thượng thận có chức năng nội tiết riêng biệt.
Vỏ thượng thận sản xuất 3 hormone chính:
- Glucocorticoid (chủ yếu cortisol) có khả năng chống viêm, tăng quá trình đường phân ở gan, điều hòa tâm trạng và quá trình trao đổi chất.
- Mineralocorticoid (chủ yếu aldosterone) điều hòa quá trình vận chuyển muối nước trong cơ thể.
- Androgens (chủ yếu dehydroepiandrosterone và androstenedione) tham gia vào quá trình sinh sản.
Tủy thượng thận làm nhiệm vụ tổng hợp và tiết ra các hormone gồm adrenaline và noradrenaline. Đây là những hormone có tác động lên hệ thần kinh giao cảm, điều hòa lực co bóp cơ tim, lực giãn phế quản, co mạch ngoại biên và nhiều quá trình chuyển hóa chất.
Các bệnh lý liên quan đến rối loạn tuyến thượng thận bao gồm hội chứng Cushing, cường aldosterone, u tế bào ưa crom, u phiochromocytoma và u aldosteronoma,…
6. Tuyến sinh dục nam – tuyến nội tiết điều hòa sinh sản ở nam giới
Tuyến sinh dục nam là hai tinh hoàn nằm ở bìu dưới, có nhiệm vụ tiết ra hormone testosterone. Tinh hoàn ở nam giới bắt đầu hoạt động khi bước vào tuổi dậy thì, dưới tác động của các hormone từ tuyến yên, các tế bào trong ống sinh tinh ở tinh hoàn sẽ tiết ra hormone sinh dục testosterone. Testosterone tạo ra những biến đổi ở cơ thể như lớn nhanh, mọc râu, mọc lâu mu, mọc ria mép, cơ bắp phát triển, bộ phận sinh dục ngoài to ra, mọc mụn trứng cá, xuất tinh lần đầu.
Testosterone còn là nội tiết tố nam cần thiết cho các hoạt động tình dục như kích thích tinh hoàn sản xuất tinh trùng đủ chất lượng và số lượng, làm cương dương vật và kích thích xuất tinh.
Ngoài testosterone, tuyến sinh dục nam còn tiết inhibin làm nhiệm vụ ức chế sự tiết FSH từ tuyến yên để điều hòa quá trình sản xuất tinh trùng và duy trì cân bằng nội tiết của cơ thể.
Khi tuyến sinh dục nam suy yếu, các chức năng chính liên quan đến tinh hoàn sẽ suy giảm do giảm hoặc không thể sản xuất testosterone. Lúc này, người bệnh sẽ phải đối mặt với một số tình trạng như u tinh hoàn, rối loạn hormone sinh dục nam, suy giảm chức năng tinh hoàn và vô sinh.
7. Tuyến sinh dục nữ – tuyến nội tiết điều hòa sinh sản ở nữ giới
Tuyến sinh dục nữ là hai buồng trứng nằm ở hai bên tử cung, có nhiệm vụ tiết ra ba hormone chính bao gồm estrogen, progesterone và inhibin.
Estrogen là nội tiết tố nữ được sản xuất chủ yếu từ buồng trứng, chỉ một lượng nhỏ được sản xuất tại tuyến thượng thận và tế bào mỡ. Estrogen giúp định hình giới tính phái nữ như mọc lông mu, ngực nở nang và có kinh nguyệt. Ở mỗi giai đoạn, nồng độ estrogen ở nữ giới sẽ có sự thay đổi khác nhau, trong chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ estrogen sẽ tăng cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mang thai. Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen sẽ giảm dần.
Progesterone được sản xuất ở buồng trứng sau khi rụng trứng xảy ra với nhiệm vụ điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, chuẩn bị lớp lót niêm mạc tử cung để trứng làm tổ, duy trì lớp niêm mạc tử cung trong thời gian mang thai, ngăn sự rụng trứng cho tới khi thai kỳ kết thúc, ngăn các cơ co bóp tử cung, kích thích mô vú tiết sữa và tăng cường co bóp vùng chậu trong quá trình chuyển dạ.
Cuối cùng, hormone inhibin được biết đến với tác dụng ức chế sự tiết FSH từ tuyến yên để điều hòa quá trình sản xuất trứng.
Khi hoạt động nội tiết của tuyến sinh dục nữ bị rối loạn, có thể dẫn tới một số bệnh như u buồng trứng, u nang buồng trứng, rối loạn hormone sinh dục và vô sinh.
Đọc thêm: Biểu hiện suy giảm nội tiết tố nữ
Lời kết:
Bài viết trên đây của chúng tôi đã chia sẻ cho bạn đọc những thông tin cần thiết về các tuyến nội tiết trong cơ thể. Hy vọng rằng các bạn đã có thêm được những kiến thức bổ ích, hiểu hơn về cơ thể mình và có những cách chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất.