Khám nội tiết định kỳ ngày càng trở nên phổ biến và quen thuộc giúp bạn kiểm soát tình trạng sức khỏe của bản thân. Tuy nhiên, người người vẫn chưa hiểu rõ khám nội tiết là khám những gì và quy trình khám như thế nào. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Nội dung bài viết
1. Khi nào cần khám nội tiết?
Khám nội tiết là hoạt động được tiến hành nhằm kiểm tra khả năng hoạt động của các tuyến nội tiết trong cơ thể bạn, từ đó sớm phát hiện các bệnh lý nội tiết hoặc các yếu tố nguy cơ. Các cơ quan nội tiết bao gồm tuyến yên, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến tụy, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục nam và nữ. Một số bệnh lý liên quan đến tuyến nội tiết có thể kể đến như:
- Bệnh liên quan tuyến giáp: Cường giáp, suy giáp, nang tuyến giáp, bướu giáp…
- Bệnh liên quan tuyến thượng thận: Suy tuyến thượng thận, hội chứng Cohn, u tủy thượng thận…
- Bệnh liên quan tuyến tụy: u tụy, viêm tụy, đái tháo đường, ung thư tuyến tụy…
- Bệnh liên quan tuyến yên: Suy tuyến yên, đái tháo nhạt, rối loạn mỡ máu…
- Bệnh liên quan tuyến sinh dục nam: u tinh hoàn, rối loạn hormone sinh dục, suy giảm chức năng tinh hoàn, vô sinh…
- Bệnh liên quan tuyến sinh dục nữ: u buồng trứng, u nang buồng trứng, rối loạn nội tiết tố, vô sinh…
Nếu bạn đang mắc các bệnh nội tiết, bạn nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra định kỳ và đánh giá các chỉ số liên quan đến hoạt động nội tiết của cơ thể. Ngoài ra, khi có thấy cơ thể có các triệu chứng bất thường liên quan đến rối loạn nội tiết, bạn cũng nên thăm khám và kiểm tra sớm để xác định nguyên nhân. Một số dấu hiệu cảnh báo chung có thể kể đến như: khát nước, đi tiểu nhiều, đặc biệt là hay tiểu đêm, sụt cân, tăng cân bất thường, vết thương lâu lành, dễ bị táo bón…
2. Khám nội tiết là khám những gì?
Quy trình thăm khám nội tiết có thể diễn ra trong thời gian từ 20 – 40 phút. Bao gồm các bước sau:
2.1. Khám lâm sàng trong quy trình khám nội tiết
Khám lâm sàng là bước đầu tiên trong quy trình thăm khám sức khỏe nội tiết. Ở bước này, bạn sẽ được bác sĩ hỏi bộ câu hỏi nhằm khai thác các vấn đề liên quan đến bệnh sử và các triệu chứng nếu có. Cùng với đó, bạn sẽ được kiểm tra cân nặng, chiều cao, huyết áp, mạch, nhịp tim, tình trạng da, tóc, sức khỏe răng miệng, kiểm tra bên ngoài âm đạo, khai thác chu kỳ kinh nguyệt, số lần mang thai (đối với nữ giới), tình trạng da vùng cổ (nếu bạn có triệu chứng của bệnh tuyến giáp).
Mục tiêu của bước khám lâm sàng là đưa ra những nhận diện ban đầu về tình trạng của bệnh nhân và đưa ra các chỉ định thăm khám cận lâm sàng tiếp theo.
2.2. Khám cận lâm sàng trong quy trình khám nội tiết
Sau khi thăm khám lâm sàng, kiểm tra cận lâm sàng với xét nghiệm máu và các phương pháp thăm dò, chẩn đoán hình ảnh như siêu âm tuyến giáp, chụp X-quang tim phổi, chụp cộng hưởng từ sẽ được thực hiện.
Các xét nghiệm máu đóng vai trò quan trọng trong thăm khám nội tiết có:
Xét nghiệm định lượng HbA1c, đường huyết lúc đói, lúc no, đường huyết ngẫu nhiên (đối với người nghi ngờ tiểu đường)
Xét nghiệm FSH: Đây là hormone đóng vai trò điều hòa tiết estrogen và kích thích sự phát triển của nang trứng, FSH cao hơn trung bình có khả năng chị em đang gặp hội chứng buồng trứng đa nang hoặc suy buồng trứng.
Xét nghiệm LH: Hormone điều hòa estrogen, kích thích sự phát triển của nang trứng và điều hòa quá trình rụng trứng.
Xét nghiệm testosterone: Hormone đóng vai trò với sức khỏe sinh sản nam giới, ở nữ giới chỉ có một lượng nhỏ testosterone. Nồng độ testosterone bất thường ở nữ giới có thể là dấu hiệu của buồng trứng đa nang hay một số dạng u hiếm gặp khác.
Xét nghiệm estradiol: Đây là hormone được sản xuất ở buồng trứng, nếu estradiol quá cao thì có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và nhiều bệnh rối loạn khác.
Xét nghiệm prolactin máu: Prolactin đóng vai trò quan trọng trong khả năng sinh sản của nữ giới thông qua việc kích thích sự phát triển của trứng và kích hoạt quá trình rụng trứng. Prolactin cao có thể là nguyên nhân khiến nữ giới bị vô sinh.
Xét nghiệm AMH: Đây là xét nghiệm quan trọng giúp đánh giá phần nào khả năng sinh sản của buồng trứng. AMH phản ánh khả năng dự trữ nang noãn của buồng trứng, do đó, nếu AMH quá thấp thì sẽ tương ứng với khả năng thụ thai thấp, hoặc ít cơ hội thành công khi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Ngược lại, AMH quá cao thường gặp trong buồng trứng đa nang và thụ tinh trong ống nghiệm dễ gặp hội chứng quá kích.
Xét nghiệm cortisol máu: Được thực hiện đối với người có triệu chứng bệnh tuyến thượng thận, nồng độ cortisol cao có thể là dấu hiệu của hội chứng Cushing, cường thượng thận,…
Xét nghiệm TSH máu: TSH là hormone kích thích tuyến giáp được thực hiện để kiểm tra khi có triệu chứng bệnh tuyến giáp.
Bên cạnh xét nghiệm máu, bạn có thể được chỉ định để thực hiện một số kiểm tra như:
Siêu âm tuyến giáp: Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được thực hiện với người có bệnh lý tuyến giáp bằng cách sử dụng sóng âm và cung cấp những hình ảnh chi tiết về đặc điểm, tính chất của tuyến giáp, các cấu trúc lân cận vùng cổ.
Chụp X-quang tim phổi: Chụp X-quang tim phổi cung cấp hình ảnh chi tiết của các cơ quan lồng ngực gồm phổi, tim, mạch máu, đường thở, được thực hiện đối với người có bệnh lý tim mạch liên quan đến nội tiết.
Chụp cộng hưởng từ: Chụp cộng hưởng từ (hay MRI) sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để phác họa hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể, từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán cho người có bệnh lý tuyến yên.
Xem thêm: Khám suy giảm nội tiết tố ở đâu uy tín?
Lời kết:
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết liên quan đến khám nội tiết. Hy vọng rằng bạn đã có thêm được những thông tin cần thiết, biết cách nhận biết các dấu hiệu bất thường và được điều trị bằng các phương án phù hợp.