Mang thai là hành trình thiêng liêng nhưng cũng đầy thử thách. Những thay đổi của cơ thể không chỉ gây mệt mỏi mà còn khiến mẹ bầu stress. Làn da sạm đen và nổi những đốm mụn đáng ghét. Vậy làm thế nào để cải thiện tình trạng này? Mời mẹ bầu tham khảo những phương pháp hiệu quả và an toàn trong bài viết hôm nay.
Nội dung bài viết
1. Nguyên nhân gây mụn khi mang thai
Mụn trứng cá là tình trạng khá phổ biến ở thai phụ, thường xuất hiện ở tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai.
Theo các chuyên gia, những phụ nữ dễ nổi mụn trong chu kỳ kinh nguyệt có nhiều khả năng bị nổi mụn trong thai kỳ. Tin tốt là tình trạng mụn trứng cá khi mang thai chỉ có tính tạm thời. Làn da của mẹ bầu sẽ trở về bình thường sau khi thai kỳ kết thúc, nội tiết tố trở lại bình thường.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây mụn khi mang thai thường là do:
- Rối loạn nội tiết tố: Sự gia tăng hormone nội tiết tố androgen có thể khiến da tiết nhiều bã nhờn, gây tắc nghẽn lỗ chân lông, hình thành các ổ viêm và nổi mụn. Mặt khác, sự gia tăng bã nhờn khiến các vi khuẩn ăn bã nhờn phát triển mạnh mẽ, dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh trên da, hình thành mụn.(Tìm hiểu về: Rối loạn nội tiết tố bị nổi mụn)
- Suy giảm miễn dịch: Trong thai kỳ, hệ miễn dịch của nhiều thai phụ hoạt động yếu hơn. Điều này tạo cơ hội cho các vi khuẩn tấn công và xâm nhập vào da gây mụn.
- Thay đổi thói quen ăn uống: Nhiều mẹ bầu có cảm giác thèm ăn nhiều đồ chua cay hoặc ngọt khi mang thai. Những thực phẩm này khiến da tăng tiết dầu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển khiến mụn mọc nhiều hơn.
Mụn trứng cá khi mang thai không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và em bé. Tuy nhiên, nó lại khiến không ít mẹ bầu căng thẳng và tự ti trong giao tiếp hàng ngày.
Để cải thiện tình trạng này, các chuyên gia khuyên mẹ bầu không nên quá lo lắng, thay vào đó, hãy tìm hiểu để lựa chọn những phương pháp chăm sóc da khoa học và an toàn.
Có thể bạn muốn biết: Bầu lên mụn nhiều là dấu hiệu sinh con trai hay gái?
2. Mẹ bầu cần làm gì để cải thiện mụn khi mang thai?
Trong thời kỳ mang thai, rất khó để mẹ bầu kiểm soát tình trạng rối loạn nội tiết hay suy giảm miễn dịch. Bởi vậy, tìm cách “chung sống hòa bình” với mụn trứng cá trong thời kỳ này là điều cần thiết. Dưới đây là những phương pháp an toàn, hiệu quả mà mẹ bầu có thể cân nhắc áp dụng.
2.1. Áp dụng mẹo trị mụn tự nhiên
Ưu điểm của các mẹo trị mụn bằng nguyên liệu tự nhiên là rất an toàn, lành tính. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể mất nhiều thời gian để cảm nhận được hiệu quả của phương pháp. Dưới đây là những cách trị mụn phổ biến, dễ dàng áp dụng:
Giấm táo
Giấm táo giàu enzyme tự nhiên axit alpha hydroxy có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và loại bỏ tế bào chết. Nhờ đó, ức chế hoạt động của vi khuẩn trên da, hạn chế tình trạng bít tắc lỗ chân lông, cải thiện mụn viêm hiệu quả.
Cách thực hiện như sau: Đầu tiên, mẹ bầu trộn giấm táo thô với nước cất theo tỉ lệ 1:3. Sau đó, dùng bông tẩy trang, thoa nhẹ nhàng hỗn hợp giấm táo pha loãng lên da mặt. Cuối cùng, để trong vài phút rồi rửa sạch mặt với nước ấm.
Mật ong
Mật ong chứa hàm lượng đường cao, giàu enzyme tự nhiên và vitamin nên có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, giữ ẩm và làm dịu da hiệu quả. Do đó, nguyên liệu này thường được sử dụng trong các công thức trị mụn trứng cá cho bà bầu.
Để áp dụng, đầu tiên bạn rửa sạch mặt. Sau đó, bôi trực tiếp mật ong nguyên chất lên vùng da bị mụn. Để yên trong khoảng 20 đến 30 phút rồi rửa mặt với nước ấm.
Dầu dừa
Dầu dừa được biết đến là một nguyên liệu lành tính và dịu nhẹ cho da. Nhiều phân tích khoa học cho thấy, nguyên liệu này có tính kháng khuẩn và kháng nấm cao, giúp khắc phục tình trạng mụn trứng cá sưng viêm và mẩn ngứa trên da. Ngoài ra, dầu dừa còn dưỡng ẩm tốt nên rất phù hợp với mẹ bầu có làn da khô.
Một trong những cách đơn giản nhất để sử dụng dầu dừa là thoa trực tiếp lên da thay cho kem dưỡng ẩm trước khi đi ngủ. Mẹ bầu cần lưu ý thoa với lượng vừa phải, tránh gây bít tắc lỗ chân lông khiến mụn mọc nhiều hơn.
Bột yến mạch và dưa chuột
Dưa chuột có tác dụng kháng khuẩn, cấp nước và làm dịu da. Trong khi đó, bột yến mạch có tác dụng tẩy da chết, loại bỏ dầu thừa, từ đó ngăn chặn tình trạng bít tắc lỗ chân lông hiệu quả.
Mẹ bầu chỉ cần trộn đều hai nguyên liệu, cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 10 – 15 phút. Sau đó, đắp lên da mặt khoảng 15 – 20 phút rồi rửa sạch với nước ấm. Thực hiện cách này khoảng 2 lần/ tuần sẽ thấy mụn trứng cá được cải thiện rõ rệt.
Chanh
Các nhà phân tích tìm thấy thành phần axit alpha hydroxy trong các trái cây họ cam quýt, điển hình như quả chanh. Bởi vậy, khi mẹ bầu sử dụng nước chanh trên da có thể giúp loại bỏ tế bào chết, làm sạch lỗ chân lông. Bên cạnh đó, tính acid trong nước chanh giúp kháng khuẩn, chống viêm và thành phần vitamin C giúp làm sáng da hiệu quả.
Cách sử dụng rất đơn giản, mẹ bầu chỉ cần vắt lấy nước cốt chanh, sau đó dùng một tăm bông chấm trực tiếp lên các đốm mụn. Để yên trong 10 phút hoặc khi nước chanh khô thì rửa sạch mặt với nước mát.
☛ Xem thêm: 9 cách trị mụn bằng rau diếp cá
2.2. Chăm sóc da đúng cách
Bên cạnh những mẹo trị mụn tự nhiên, mẹ bầu cần loại bỏ những thói quen không tốt cho da, cụ thể:
Tránh nặn mụn
Nặn mụn khiến bề mặt da bị tổn thương dẫn đến hình thành các vết sẹo lồi hoặc lõm sau khi da lành. Mặt khác, nặn mụn không đúng cách có thể khiến vi khuẩn lây lan đến vùng da khác, thậm chí gây bội nhiễm khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn. Vậy nên, mẹ bầu cần hạn chế thói quen nặn mụn của mình.
Đừng rửa mặt quá nhiều
Rửa mặt quá nhiều khiến da mất đi độ ẩm tự nhiên, kích thích da tiết dầu nhiều hơn khiến mụn trứng cá trở nên nghiêm trọng. Mẹ bầu chỉ nên rửa mặt 2 lần/ ngày vào mỗi buổi sáng tối với sữa rửa mặt dịu nhẹ dành riêng cho phụ nữ mang thai.
Khi rửa mặt, mẹ bầu cần chú ý không dùng nước quá nóng khiến da bị khô, không nên chà xát mạnh trên da, thay vào đó, hãy massage nhẹ nhàng theo chuyển động tròn đều để giúp máu lưu thông đến da mặt tốt hơn.
Cấp ẩm đầy đủ cho da
Cấp ẩm đầy đủ giúp mẹ bầu có làn da mềm mịn, giảm kích ứng khó chịu.
Có hai cách cấp ẩm cho da hiệu quả, bao gồm: uống đủ nước và sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm.
Mẹ bầu cần chú ý bổ sung lượng nước tối thiểu từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Bên cạnh đó, trong các bước chăm sóc da mỗi ngày, mẹ có thể sử dụng toner, serum, kem dưỡng và mặt nạ cấp ẩm da có nguồn gốc tự nhiên.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Trong thai kỳ, nội tiết tố thay đổi khiến da mẹ đổ dầu nhiều hơn, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Do đó, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý đến việc vệ sinh cá nhân.
Bên cạnh các bước làm sạch, chăm sóc da, các mẹ cần lưu ý gội đầu thường xuyên, giặt khăn mặt và thay vỏ chăn, ga, gối, đệm định kỳ. Thói quen này giúp loại bỏ nơi trú ngụ của vi khuẩn, kết hợp với các phương pháp trị mụn và chăm sóc phù hợp sẽ giúp mẹ có làn da khỏe mạnh.
Tránh dùng chất kích thích
Các sản phẩm chứa chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá,… có thể khiến hệ miễn dịch suy giảm, tạo điều kiện cho mụn trứng cá phát triển trên da.
Mặt khác, những sản phẩm này cũng không tốt cho sự phát triển thể chất và cảm xúc của em bé. Vì vậy, mẹ bầu cần kiêng sử dụng những sản phẩm này khi mang thai.
Thư giãn nhiều hơn
Căng thẳng kéo dài là một trong những nguyên nhân khiến nội tiết tố rối loạn, dẫn đến mụn trứng cá bùng phát trong thai kỳ.
Khi mẹ bầu bị áp lực quá mức, nồng độ chất oticotrophin hormon (CRH) trong máu tăng cao làm giảm dinh dưỡng và oxy chuyển sang thai nhi, khiến bé sinh ra dễ bị nhẹ cân.
Do đó, các mẹ mang thai cần dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tránh rơi vào tình trạng stress kéo dài.
Hạn chế trang điểm
Lớp trang điểm dày có thể làm lỗ chân lông bị bít tắc dẫn đến viêm và hình thành mụn. Vì vậy, mẹ nên hạn chế việc trang điểm, hoặc chỉ trang điểm nhẹ nhàng khi cần thiết. Cuối ngày, mẹ cần tẩy trang sạch sẽ, tránh để mỹ phẩm tồn đọng trên da.
2.3. Sử dụng các sản phẩm trị mụn an toàn
Một số thành phần trị mụn an toàn có thể sử dụng trong thai kỳ như:
- Benzoyl peroxide: Có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm làm tiêu sừng và tan mụn sưng viêm. Hoạt chất này thường được bào chế dưới dạng kem bôi, lotion hoặc gel bôi tại chỗ với nồng độ 2.5% hoặc 10%.
- Axit azelaic: Là một nguyên liệu tự nhiên được sản xuất từ nấm men Malassezia furfur trên da. Hoạt chất này có tác dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa, giúp trị mụn, giảm thâm sẹo.
- Axit alpha hydroxy (AHA): Giúp loại bỏ tế bào chết trên da một cách nhẹ nhàng, từ đó giảm tắc nghẽn lỗ chân lông, hạn chế mụn xuất hiện. Hoạt chất này cũng giúp tái tạo collagen và elastin, làm trẻ hóa bề mặt da.
- Axit salicylic nồng độ thấp: Làm chậm quá trình bong tróc của các tế bào bên trong nang, ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông và loại bỏ các mụn đầu đen, mụn đầu trắng.
3. Liệu pháp KHÔNG AN TOÀN mẹ bầu cần chú ý
Nhiều mẹ bầu vì tâm lý nóng vội mà có thể lựa chọn nhầm những sản phẩm trị mụn không an toàn. Dưới đây là những hoạt chất trị mụn không được phép sử dụng trong thai kỳ:
- Retinoids tại chỗ: Thường gặp như adapalene, tazarotene và tretinoin có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
- Liệu pháp hormone: Bao gồm nội tiết tố estrogen và các chất chống androgen flutamide và spironolactone có thể làm tăng nguy cơ sinh non.
- Kháng sinh Tetracycline: Gồm các hoạt chất như doxycycline, minocycline, lymecycline có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xương và đổi màu răng của em bé sau này.
- Các kháng sinh khác: Thường dùng để trị mụn như trimethoprim và sulfamethoxazole hoặc fluoroquinolones có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé.
- Isotretinoin: Có thể gây gây quái thai nếu dùng trong thời kỳ đầu hoặc giữa thai kỳ, gây sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
Có nhiều cách chăm sóc da mụn cho bà bầu an toàn và hiệu quả. Điều mẹ bầu cần làm là bình tĩnh để lựa chọn được phương pháp phù hợp, tránh tâm lý nóng vội, sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, khiến mụn trở nên nghiêm trọng hơn. Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, nhiều niềm vui!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/acne/acne-during-pregnancy-treatments-causes
- https://www.healthline.com/health/pregnancy/acne-remedies
- https://dermnetnz.org/topics/acne-in-pregnancy