Đôi khi chị em sẽ có những chu kỳ kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường. Một số trường hợp, ngày đèn đỏ còn đến sớm hơn tận 10 ngày. Vậy kinh nguyệt đến sớm 10 ngày liệu có đáng lo? Hãy cùng Oeneva.com đi tìm câu trả lời nhé!
Nội dung bài viết
1. Kinh nguyệt đến sớm 10 ngày có sao không?
Chu kỳ kinh nguyệt của chị em trung bình sẽ khoảng 28 – 30 ngày. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể đến sớm hoặc muộn hơn bình thường.
Trong một số trường hợp, ngày đèn đỏ có thể ghé thăm chị em sớm hơn đến 10 ngày hoặc thậm chí nhiều hơn. Đây có thể là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể, nếu tình trạng này mới diễn ra 1 lần, không kèm theo các dấu hiệu bất thường khác máu kinh hoặc những cơn đau dữ dội thì chị em không cần quá lo ngại.
Tuy nhiên, kinh nguyệt đến sớm 10 ngày cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý. Chị em cần chủ động theo dõi, ghi lại kỳ kinh vào sổ tay hoặc sử dụng các ứng dụng di động thông minh.
Nếu tình trạng này diễn ra 2 chu kỳ liên tiếp hoặc kèm theo các dấu hiệu bất thường như đau bụng dữ dội như gãy xương, máu kinh có màu sắc bất thường, có mùi hôi… thì cần đến gặp bác sĩ đến được thăm khám.
2. Nguyên nhân khiến kinh nguyệt đến sớm
Tình trạng kinh nguyệt đến sớm là do những thay đổi của hệ thống nội tiết, chúng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, điển hình bao gồm:
2.1. Nguyên nhân thông thường
Stress và áp lực tâm lý
Căng thẳng, stress có thể làm ảnh hưởng đến tuyến thượng thận, gây tăng tiết hormone cortisol. Tình trạng này kéo dài sẽ tác động trực tiếp đến việc sản xuất các hormone estrogen và progesterone, gây mất cân bằng nội tiết, rối loạn kinh nguyệt.
Thay đổi cân nặng đột ngột
Một sự thay đổi lớn trong cân nặng như tăng hoặc giảm cân quá nhanh có thể khiến hoạt động của hệ thống nội tiết bị rối loạn, làm cho kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường.
Theo đó, lượng mỡ trong cơ thể có khả năng tham gia vào quá trình tổng hợp estrogen – hormone nội tiết chịu trách nhiệm điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và sự phát triển của các tế bào nội mạc tử cung.
Khi cân nặng tăng quá nhanh, lượng mỡ tăng lên sẽ thúc đẩy cơ thể sản xuất một lượng estrogen lớn, điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển của lớp nội mạc tử cung, gây rối loạn kinh nguyệt.
Tương tự, khi cân nặng bị giảm xuống một cách đột ngột, nồng độ estrogen có thể bị tụt xuống mức quá thấp, khiến niêm mạc tử cung không thể phát triển bình thường, làm chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn.
Thay đổi thói quen vận động
Việc đột ngột tăng cường độ vận động thể chất có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ hormone trong cơ thể, làm kinh nguyệt bị rối loạn.
Vận động quá mức có thể tác động đến vùng dưới đồi – một phần của não, chịu trách nhiệm truyền tín hiệu hormone đến tuyến yên và buồng trứng. Điều này có thể làm thay đổi quá trình rụng trứng, từ đó tác động đến chu kỳ kinh nguyệt.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số thuốc như thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm steroid… có thể gây ra những thay đổi trong kỳ kinh nguyêt. Ngoài ra những biện pháp tránh thai như tiêm thuốc, cấy que, đặt vòng… cũng có thể là nguyên nhân khiến kinh nguyệt đến sớm.
Thay đổi môi trường và múi giờ
Thay đổi môi trường sống, chẳng hạn như đi du lịch đến những nơi có múi giờ khác, có thể gây sự thay đổi đồng hồ sinh học tự nhiên của cơ thể, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và hệ nội tiết, khiến kinh nguyệt đến sớm.
2.2. Nguyên nhân bệnh lý
Rối loạn tuyến giáp
Hormone tuyến giáp là yếu tố quan trọng, liên quan đến nhiều hoạt động trong cơ thể, bao gồm sự trao đổi chất và chu kỳ kinh nguyệt.
Khi tuyến giáp bị ảnh hưởng bởi các rối loạn như cường giáp hoặc suy giáp, việc sản xuất hormone tại đây sẽ bị ảnh hưởng.
Thiếu hụt hormone tuyến giáp có thể gây các vấn đề như rong kinh, kinh nguyệt không đều, mệt mỏi, ớn lạnh, tăng cân nhanh, da khô, rụng tóc, khó tập trung, tâm trạng thay đổi thất thường…
Trong khi đó nếu thừa hormone tuyến giáp chị em có thể bị ít kinh hoặc không có kinh. Đồng thời dễ gặp phải các triệu chứng như lo lắng, căng thẳng, giảm cân nhanh, ra nhiều mồ hôi, tăng nhịp tim, khó ngủ, giảm ham muốn tình dục, suy giảm thị lực…
Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách các rối loạn tuyến giáp có thể gây ra các vấn đề về như viêm khớp, loãng xương, tim mạch, huyết áp… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Điều trị rối loạn tuyến giáp thường bao gồm sử dụng thuốc điều chỉnh hormone dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc phẫu thuật trong trường hợp cần thiết.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc từ cung là thuật ngữ chỉ tình trạng một số tế bào nội mạc tử cung không ở đúng vị trí mà nằm bên ngoài tử cung. Những tế bào này có khả năng phát triển nhanh, làm ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng, khiến kinh nguyệt đến sớm hoặc muộn hơn bình thường.
Ngoài ra, lạc nội mạc tử cung cũng khiến chị em gặp phải tình trạng đau bụng kinh dữ dội, mệt mỏi, buồn nôn, đau khi đi tiểu và đau khi giao hợp… Trường hợp không được phát hiện, điều trị đúng cách, bệnh sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, có thể làm tắc ống dẫn trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Tình trạng lạc nội mạc tử cung có thể xuất hiện ở tất cả chị em phụ nữ, tuy nhiên, các đối tượng có nguy cơ cao nhất gồm: chị em chưa bao giờ mang thai và sinh con, chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 27 ngày, kinh nguyệt ra nhiều hơn 7 ngày, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, có các vấn đề cản trở dòng chảy của máu kinh ra khỏi cơ thể…
Lạc nội mạc tử cung có thể được điều trị bằng cách sử dụng thuốc kiểm soát triệu chứng và cân bằng hormone, can thiệp phẫu thuật.
Ung thư tử cung
Ung thư tử cung cũng có thể là nguyên nhân khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, đến sớm hoặc muộn hơn, đồng thời kéo theo các bất thường khác liên quan đến kinh nguyệt.
Ngoài ra, quá trình điều trị ung thư tử cung cũng có thể làm chu kỳ kinh nguyệt bị ảnh hưởng. Điển hình là trường hợp can thiệp phẫu thuật tử cung hoặc xạ trị, hóa trị…
Ung thư tử cung có thể gây ra những bất thường tại vùng bụng dưới, âm đạo và vùng chậu như đau hoặc ra máu khi quan hệ, ra máu không trong kỳ kinh, khí hư nhiều và có mùi hôi, đau lưng, đau vùng chậu, mệt mỏi, sụt cân nhanh…
Đến nay, nguyên nhân gây ung thư tử cung vẫn chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên bệnh thường co xu hướng khởi phát ở nữ giới trên 50 tuổi, đặc biệt là người có các vấn đề như: béo phì, đa nang buồng trứng, chưa bao giờ mang thai, tiểu đường, huyết áp cao, ung thư đại trực tràng…
Hỏi đáp: 3 tháng không có kinh nguyệt là bị gì?
3. Kinh nguyệt đến sớm 10 ngày phải làm sao?
Nếu gặp phải tình trạng kinh nguyệt đến sớm 10 ngày, chị em có thể thực hiện một số biện pháp như:
3.1. Điều chỉnh lối sống
Thay đổi một số thói quen trong lối sống có thể giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt. Chị em có thể tham khảo thông tin dưới đây:
Giảm stress: Như đã nói ở trên, stress có thể là nguyên nhân khiến kinh nguyệt đến sớm. Do đó, nếu muốn cải thiện tình trạng này chị em cần làm việc, nghỉ ngơi có kế hoạch, không làm việc gắng sức.
Đồng thời hãy cố gắng giảm stress và áp lực tâm lý bằng cách tạo khoảng thời gian thư giãn với một vài bản nhạc, một buổi cafe cùng bạn bè hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm…
Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ có thể tác động không nhỏ đến việc cân bằng nội tiết. Khi ta ngủ không đủ hoặc không sâu giấc, các hormone trong cơ thể cũng bị điều chỉnh để phù hợp với chất lượng giấc ngủ, dẫn đến các rối loạn, bao gồm cả rối loạn kinh nguyệt.
Việc ngủ đủ 7 – 8 tiếng/ngày sẽ giúp cơ thể điều chỉnh quá trình sản xuất hormone hiệu quả hơn, cân bằng nội tiết tố và cải thiện chu kỳ kinh nguyệt.
Tránh vận động quá mức: Vận động quá mức có thể khiến cơ thể bị stress vật lý. Chính vì vậy thay vì tập luyện với cường độ cao, chị em chỉ nên tập vừa phải hoặc lựa chọn những bộ môn nhẹ nhàng, giúp thư giãn cơ thể như yoga, bơi lội, đạp xe…
☛ Tham khảo: 6 bài tập YOGA cân bằng nội tiết tố nữ
Chăm sóc dinh dưỡng: Một chế độ ăn uống cân đối, giàu vitamin và khoáng chất, hạn chế tiêu thụ các chất kích thích như cồn, cafein sẽ giúp chị em cải thiện sức khỏe tổng thể và có một chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hơn.
3.2. Duy trì cân nặng phù hợp
Cơ thể cần một lượng chất béo để sản xuất các hormone liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, do đó nếu cơ thể quá gầy có thể khiến kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh.
Tuy nhiên, béo phì hoặc thừa cân cũng có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt. Chính vì vậy, việc duy trì cân nặng phù hợp (chỉ số BMI từ 18.5 – 22.9) sẽ giúp chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn hơn.
Chị em có thể cải thiện cân nặng bằng cách áp dụng chế độ tập luyện ăn uống khoa học, tránh ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhiều muối hoặc nhiều đường…
3.3. Thăm khám
Nếu tình trạng kinh nguyệt đến sớm kéo dài hoặc kèm theo các dấu hiệu bất thường trong chu kỳ như rong kinh, máu kinh có mùi hôi hoặc màu sắc bất thường, đau bụng dữ dội… chị em cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.
Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau. Hãy tuân thủ phác đồ, đồng thời kết hợp với chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Hỏi đáp: Đang có kinh nguyệt có xét nghiệm máu được không?
Lời kết:
Kinh nguyệt đến sớm 10 ngày có thể do hiện tượng sinh lý bình thường hoặc là một dấu hiệu của bệnh lý. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, chị em nên chủ động thăm khám y tế để xác định nguyên nhân cụ thể.
Việc duy trì một lối sống lành mạnh cũng có thể giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt và sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.